“Vương quốc cá hồi” của Đông Ki sốt vùng Tây Bắc

“Đại gia cá hồi” trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

“Đại gia cá hồi” trên đỉnh Hoàng Liên Sơn
TP - Giữa thung mây trên đỉnh Hoàng Liên Sơn  chót vót cao của miền Tây Bắc, hiện ra những chiếc hồ nuôi cá hồi lấp loáng trong nắng mai. Lạ quá!

Cá hồi vẫn được xem là loài cá, thường chỉ sống trong những dòng nước xứ lạnh ở Bắc Mỹ, Bắc Âu vậy mà sao lại chịu đến miền sơn cước này?

Câu chuyện “thu phục” cá hồi của Trần Yên, để xây nên một “vương quốc cá hồi” giữa đỉnh Hoàng Liên Sơn khiến người ta say mê, khâm phục.

“Vương quốc cá hồi” của Đông Ki sốt vùng Tây Bắc

Gương mặt sạm đen nắng gió, “đại gia cá hồi”  nói một câu khiến tôi giật mình: “Cách đây chưa lâu, năm 2002, tôi đã bị bắt tạm giam 4 tháng và phải hầu toà với mức án 1 năm tù treo, bồi thường gần hai trăm triệu đồng. Để có tiền trả, tôi phải bán ngôi nhà khang trang ở thành phố Điện Biên và đến dãy Hoàng Liên Sơn này làm lại từ đầu”.

Chuyện đi tù của Trần Yên đã khiến nhiều người ở vùng cao Tây Bắc rơi nước mắt. Ấy là những khi đang làm giám đốc quản lí dự án trồng rừng ở huyện Sìn Hồ- Lai Châu, Trần Yên đã chọn bản Mô, nơi đi bộ hai ngày đường mới đến để chọn làm thí điểm phủ xanh đất trống đồi trọc.

Mấy tháng trời phải ngủ trên nóc chuồng lợn để ươm cây trồng cho dự án, ba cùng với bà con, Trần Yên càng thấu hiểu cuộc sống nghèo khó với tập quán du canh du cư của đồng bào thì rất khó giữ rừng.

Sau nhiều trăn trở, Trần Yên nảy ra một ý tưởng táo bạo: Ngói hóa 100% cho bản Mô, chia đất trồng rừng cho các hộ. Một khi đã có nơi định cư chắc chắn, dân no đủ, sẽ không đốt phá rừng nữa.

Trần Yên đã trả tiền công trồng rừng cho bà con bằng cách xây nhà thay vì đưa tiền mặt. Cách làm ấy được lòng dân, nhưng nếu chiểu theo chính sách và pháp luật thì lại “vướng” vào tội “sử dụng tiền sai mục đích của dự án”.

Sau khi ra tù, với hai bàn tay trắng Trần Yên đã đi rất nhiều nơi để tìm một hướng đi mới. Đi mãi mà vẫn bế tắc, có lúc định về an phận ở quê hương Ninh Bình.

Nhưng rồi khi trở lại Lai Châu, nhìn thấy đỉnh Hoàng Liên Sơn sừng sững,  Trần Yên bỗng ngộ ra một điều: Mảnh đất này mới là chốn dung thân, lập nghiệp của mình. Hai vợ chồng lại quay về đỉnh Hoàng Liên Sơn lúc ấy chỉ có những ngọn núi trơ trọi, vắng bước chân người. Có vẻ như ở nơi này kiếm miếng ăn qua ngày đã khó, còn làm giàu thì chỉ dành cho những người hoang tưởng.

Nhưng cái chất của Trần Yên là thế. Thích làm những điều có vẻ như trái khoáy, muốn đương đầu với những thử thách dường như không cân sức, chính vì thế mà người ta gọi Trần Yên là “Đông Ki Sốt” của vùng Tây Bắc.

Lên đỉnh Hoàng Liên Sơn với mục đích quay lại nghề trồng rừng, chẳng ngờ Trần Yên lại bén duyên với con cá hồi đến từ đất nước Phần Lan của xứ Bắc Âu. Năm 2004, Phần Lan hỗ trợ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Thủy sản) nuôi thử nghiệm giống cá hồi ở lưng chừng đèo Hoàng Liên Sơn. Đưa loài cá quý  về nuôi quả thực là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và Trần Yên là người đầu tiên ở Lai Châu dám chấp nhận thách thức.

Và anh đã phải nếm trải thất bại vào đúng dịp Tết năm 2006. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, đập vào mắt Trần Yên là những xác cá chết trắng xóa cả bể. Cá chết do nền bể sụt khiến nước không chảy làm cho gần 4 tấn cá hồi vốn rất đắt “ra đi”.

Sau lần ấy, Trần Yên quyết tâm bắt tay vào “thu phục” loài cá đỏng đảnh này. Anh tự tìm nguồn thức ăn cho cá hồi nhập từ Phần Lan bằng cách bỏ tiền mua vé máy bay, mời chuyên gia về tận nơi khảo sát. Trần Yên còn đưa cả chuyên gia người Nhật sang tư vấn cách nuôi cá để  không còn lặp lại thảm cảnh của Tết năm 2006 ấy.

Bây giờ thì Trần Yên tự tin nói với chúng tôi: “Nuôi cá hồi còn dễ hơn nuôi... cá trắm. Cá hồi quen ăn thức ăn công nghiệp, còn muốn cho cá trắm ăn cám công nghiệp thì phải rèn luyện nhiều. Một mét khối nước có thể nuôi từ 100 kg  -250 kg cá hồi. Cá trắm thì không thể nuôi với tỷ lệ dày đặc như vậy được”.

Trần Yên cũng là người đầu tiên ở Lai Châu cho cá hồi đẻ trứng và tự túc được con giống. Anh cười bảo: “Cũng chẳng có bí quyết gì đặc biệt đâu, tôi thấy cho cá hồi đẻ dễ hơn cả cá rô phi”.

Dưới chân hãy núi cao mây mù bao phủ, một dòng suối trong vắt chảy xuống và Trần Yên đã dẫn nguồn nước ấy vào hệ thống bể của mình. Ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ nước suối bao giờ cũng thấp hơn 17oC -  một điều kiện để nuôi cá hồi lý tưởng so với ngay cả quê hương của cá hồi ở xứ Bắc Âu. Vì nước ở đỉnh Hoàng Liên Sơn chưa bao giờ xuống dưới 7oC, trong khi ở Bắc Âu, về mùa đông nước thường đóng băng.

Chính vì thế, Trần Yên đã tự tin gửi “của nhà trồng được”  sang tận Phần Lan và Nhật để các chuyên gia ở đó nếm thử và họ đều thừa nhận rằng: cá hồi nuôi ở đỉnh Hoàng Liên Sơn - Việt Nam ngon chẳng kém gì so với nuôi ở đất nước họ.

Trần Yên tự hào khoe với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đã đến thăm và thưởng thức món cá hồi Made in Hoàng Liên Sơn của mình.

Mới đây, khi đến thăm trang trại của Trần Yên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất vui mừng trước sự thành công của mô hình nuôi cá hồi này. Thủ tướng hỏi Trần Yên: “ Có hỗ trợ cho bà con dân tộc nhân rộng mô hình không?”.

Câu trả lời của Trần Yên khiến nhiều người ngạc nhiên. Trần Yên thưa với Thủ tướng: Bà con dân tộc khó có điều kiện nuôi cá hồi vì đó đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao. Tôi muốn giúp bà con có thể làm giàu được ngay trên mảnh đất của mình bằng cách trồng một loại cây cũng hiệu quả  cao như nuôi cá hồi”.

Cuộc chiến mới chống đói nghèo

“Đại gia cá hồi” trên đỉnh Hoàng Liên Sơn ảnh 1

Trần Yên (người thứ 2 từ phải qua) đang giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trang trại cá hồi của mình

Trần Yên say sưa trình bày với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự án của mình.

Thì ra người đàn ông đã từng phải vào tù vì những hệ luỵ từ cái nghiệp trồng rừng vẫn còn đam mê với cây, với đất ở Hoàng Liên Sơn này lắm.

Loại cây mà Trần Yên theo đuổi chính là Jatropha nhưng nhiều người thường vẫn quen gọi là cây cọc rào. Cây cọc rào dễ trồng, dễ thích nghi, và không dễ cháy. 

Mỗi ha cây cọc rào thu được mỗi năm khoảng 10 tấn hạt, ép ra được từ 3,4 tấn dầu sinh học. Mỗi tấn dầu theo thời giá hiện tại là 700 USD. Một khi cả những đỉnh núi trơ trọi, những khu đất hoang hóa của vùng Tây Bắc này được phủ kín cây cọc rào thì câu chuyện xóa đói giảm nghèo và làm giàu của đồng bào dân tộc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều chăng? 

Dự án trồng cây cọc rào của Trần Yên đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phê duyệt và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức ủng hộ.

Người đàn ông nổi tiếng về nuôi cá hồi  thú nhận: trồng rừng vẫn là niềm đam mê lớn nhất của đời anh. Kể từ khi mãn hạn tù và đến dãy Hoàng Liên Sơn lập nghiệp, Trần Yên trồng được 500 ha rừng  thông, táo mèo và đào, chỉ khoảng 5 năm nữa thôi sẽ cho thu hoạch.

Nhưng ngay cả khi thông, táo mèo, đào đang độ lớn thì 500 ha rừng này cũng đã được định giá khoảng 20- 25 tỷ đồng.

Nửa đời người, một rừng cây, giờ đây Trần Yên lại đang bận rộn với việc thí điểm trồng và nhân giống cây cọc rào để cung cấp cho cả vùng Tây Bắc. Một cuộc chiến mới của “Đông Ki Sốt” vùng Tây Bắc đã bắt đầu.

Năm 2007, trang trại của Trần Yên đã cho ra thị trường 40 tấn cá hồi, doanh thu 6 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến sẽ xuất gần 100 tấn cá hồi, doanh thu khoảng 16 tỷ đồng.

Trần Yên quyết tâm đến năm 2009 sẽ tung ra thị trường 150 tấn cá hồi, đến năm 2010 là 300 tấn và đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm thanh niên dân tộc ở dãy Hoàng Liên Sơn. Giá một tấn cá hồi hiện giờ đang ở mức 200 triệu đồng.

Nuôi cá hồi  đem lại siêu lợi nhuận vì tất cả chi phí cho một tấn cá hồi chỉ vào quãng 100 triệu đồng. Trong khi đó, đầu ra của loài cá quý này thì mênh mông. Mỗi năm  thị trường Việt Nam phải nhập 150 –170 tấn cá hồi, nguồn nuôi trong nước mới cung cấp chưa nổi 10%...

Kỳ tới: “Tiến sĩ cao su” bỏ phố lên rừng

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.