Đại dịch quét qua, học sinh, giáo viên đều bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại phiên thảo luận về chủ đề “Sức khỏe tâm thần học đường” do Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới tổ chức sáng nay, PGS.TS Trần Thành Nam, (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, đại dịch COVID-19 đi qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên.

Biểu hiện trẻ trầm cảm

PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định, học sinh trở lại trường sau một thời gian nghỉ học kéo dài cũng gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học... Thậm chí có một số em có hành vi, cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khoẻ tâm thần.

"Không chỉ học sinh, chính giáo viên, người quản lý trường học cũng có những cảm xúc không tích cực trong công việc như: áp lực thành tích trong nhiệm vụ, khối lượng công việc quá tải… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm. Nhưng thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức và thành tích khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần", ông Nam nói.

Đại dịch quét qua, học sinh, giáo viên đều bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần ảnh 1

Đại dịch quét qua, học sinh, giáo viên đều bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần.

Ông chỉ ra các biểu hiện trầm cảm để nhận diện như: trẻ chán nản kéo dài, mất quan tâm, hứng thú với những việc xung quanh, bi quan, khả năng tập trung trí nhớ kém, cơ thể mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử… Với các biểu hiện đó, con người sẽ rất khó thực hiện được các công việc hàng ngày một cách hiệu quả và thường thu mình, tách mình khỏi cuộc sống xã hội.

74,3% người thấy cô đơn

PGS.TS Trần Thành Nam công bố khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 130 quốc gia mới đây cho thấy, có tới hơn 40 nghìn người được cho là tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong tháng 8; tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi.

Khi khảo sát về nguyên nhân chính dẫn đến tổn thương sức khoẻ tâm thần, có 74,3% người cho là do cô đơn, bị cô lập; hơn 43% người cho rằng do mâu thuẫn các mối quan hệ; 24,6% do nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19…

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, thực tế hiện nay nhiều người chưa hiểu đúng sức khoẻ tâm thần dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn. Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều trường học đóng cửa, dạy học online, cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập, nhiễm bệnh, chuyển đổi quản lý từ trực tiếp sang trực tuyến… đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên, người quản lí.

"Đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần”, TS Nam nói.

Trường học không chỉ dạy chữ

Nhiều nhà quản lý giáo dục trăn trở với câu hỏi: "Làm thế nào để có thể nhận diện, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường"?

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã chia sẻ, khi làm quản lí ông luôn trăn trở phải làm sao để học sinh cảm thấy vui vẻ khi đến trường, để giáo viên hạnh phúc trong công việc. Từ trăn trở đó, thầy Mạnh đã từng bước tìm kiếm, thử nghiệm và điều chỉnh các giải pháp tại những ngôi trường của mình. Trải qua những bước đầu gian nan, khó khăn, thầy đã đưa nhà trường mình quản lý, điều hành trở thành ngôi trường “đáng học” top 3 của tỉnh Vĩnh Phúc. Trường học hạnh phúc chính là hiểu đúng và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cả học sinh, giáo viên.

Đại dịch quét qua, học sinh, giáo viên đều bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần ảnh 2

Mô hình trường học hạnh phúc được chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, không thể trì hoãn vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, cán bộ, giáo viên trong trường học. Ở các nền giáo dục tiên tiến, mô hình kiến tạo ngôi trường an toàn về tâm lý được vận hành từ lâu.

Mô hình sẽ được vận hành bằng các hoạt động phòng chống bắt nạt/ bạo lực; quản lí hành vi tích cực của học sinh, giáo viên; hệ thống xác định can thiệp sớm cho những học sinh có nguy cơ; chương trình giáo dục tâm lí và phòng chống khủng hoảng; kỹ năng giải quyết xung đột, chăm sóc sức khoẻ tâm thần học sinh, giáo viên liên tục. Và chỉ có nhận thức đúng mới nhận diện hành vi cũng như phân tích được nguyên nhân để các cơ sở giáo dục có giải pháp ở trường học của mình.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.