Đại dịch làm gia tăng rối loạn tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng rối loạn tâm thần. Ảnh: Long Phạm
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng rối loạn tâm thần. Ảnh: Long Phạm
TP - “Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ngày 10/10.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn kết quả 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể, như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), rối loạn giấc ngủ (41,1%)… Đại dịch có tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân… COVID-19 cũng khiến việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, một nghiên cứu trước đó ghi nhận khoảng 14,9% dân số từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này đã tăng sau khi COVID-19 bùng phát.

Tại Hội thảo trực tuyến hưởng ứng ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10), ông Thuấn phát biểu, sức khỏe tâm thần là 1 trong 3 cấu phần không thể tách rời và có mối quan hệ mật thiết với thể chất và xã hội. Sức khỏe tâm thần ngày càng có tầm quan trọng và một lần nữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh thông điệp “Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”. Ông dẫn số liệu WHO rằng, trên toàn cầu, cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, và có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, việc mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu. Những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học trực tuyến, thiếu tiếp xúc với họ hàng, bạn bè… đã gia tăng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, trên thế giới, cứ 7 trẻ em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng Khoa Bán cấp tính nữ - Bệnh viện Sức khỏe tâm thần T.Ư 1, cho biết, thời gian qua, bệnh viện nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan sức khỏe tâm thần, cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung... Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp khi đến lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, bị sang chấn tâm lý khi phải giãn cách kéo dài. Một số trường hợp đến khám bệnh về sức khoẻ tâm thần có cuộc sống bị xáo trộn sau khi mất việc làm, giảm lương... do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân này là học sinh, sinh viên và người trong độ tuổi lao động.

Bác sĩ Vân cho hay, nếu các trường hợp này không được can thiệp ngay, bệnh diễn biến thành các chứng sợ tiếp xúc, rối loạn ám ảnh, ảnh hưởng đến chức năng sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

Ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em

Trong báo cáo mới nhất ngày 5/10, UNICEF cảnh báo rằng, COVID-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên trong nhiều năm tới. Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nhưng đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng không được chú ý trong một thời gian quá dài.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định: “18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”.

Theo kết quả ban đầu của một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF và Gallup - đơn vị được đề cập trong Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 5-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.