'Đại dịch' chuột tấn công mùa màng

Nông dân Quảng Nam làm đủ cách để đuổi chuột cứu lúa nhưng không xuể.
Nông dân Quảng Nam làm đủ cách để đuổi chuột cứu lúa nhưng không xuể.
TP - Hàng trăm hécta lúa của nông dân Quảng Nam đang bị chuột cắn phá. Nông dân dùng đủ cách để diệt chuột nhưng không xuể.

Những cánh đồng lúa bát ngát dọc tuyến Quốc lộ 1A qua Quảng Nam treo đầy bao bì, chai lọ, hình nhân, căng chi chít lưới, nilong… để đuổi chuột. Nông dân kéo nhau đi đào hang diệt chuột đông như hội. Nhiều thửa ruộng đang kỳ trổ đòng đã chuyển sang màu vàng, khiến nhiều người đi đường lầm tưởng lúa đang kỳ chín bông. Nhưng kỳ thực, những ruộng lúa đó đã bị chuột cắn phá, nông dân đành bỏ, không chăm sóc nữa.

Sinh sôi nhanh

Tranh thủ nước thủy lợi xả về, lão nông Trần Kiểm (thôn An Thọ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) đang khơi dòng chảy dẫn nước vào ruộng mình, để cứu diện tích lúa còn lại. Ông Kiểm cho biết, lấy nước vào ruộng không chỉ để lúa phát triển mà một phần để ngăn chuột vào ruộng. Nhưng nước ngập quá nửa thân lúa cũng không ngăn được chuột phá hoại. Gia đình ông Kiểm có 14 sào ruộng đang độ trổ đòng; ước tính, đã có hơn 2/3 diện tích bị chuột phá hỏng. Số diện tích còn lại đang tiếp tục bị chuột tấn công dù gia đình ông đã dùng đủ biện pháp diệt chuột, đuổi chuột. “Mấy chục năm làm ruộng, chưa năm nào chuột nhiều như năm nay. Mấy năm trước có lụt, chuột chết hết. Hai năm lại đây không có lũ nên chuột sinh sôi và phát triển rất nhanh. Cứ đà này, vụ này coi như mất trắng”, ông Kiểm than thở.

Cánh đồng Hà Lam (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) cũng rợp một rừng túi bóng, bao bì, hình nhân. Chưa năm nào nông dân ở đây lại đối diện nạn chuột phá như năm nay. Nhiều nông dân cho hay, thời tiết diễn biến bất thường khiến chuột và các loại sâu bọ phát triển rất nhanh. Nếu năm nay không có lũ, sang năm nhiều hộ sẽ không trồng lúa nữa. Ngoài chuột, ruộng đồng ở đây đang bị ốc bươu vàng tấn công trên diện rộng.

Ông Võ Tấn Chương cùng một nhóm nông dân khác của Hà Lam đang đi đào hang diệt chuột dọc kênh nội đồng. Trong một buổi sáng đào khoảng 10m, nhóm ông Chương đã bắt được hơn 150 con chuột. Gia đình ông Chương có 10 sào lúa đang vào kỳ làm đòng, nhưng 40% diện tích đã bị chuột tấn công. Nhiều đám ruộng nát bét, gia đình ông không chăm sóc nữa. “Chuột phá quá, giờ có chăm cũng bằng không. Vụ này coi như bỏ. Trâu bò chắc cũng không có rơm rạ mà ăn”, ông Chương nói.

Nguy cơ mất mùa

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, vụ đông xuân 2015 – 2016, toàn tỉnh gieo sạ 42.500 ha lúa. Đến nay đã có hơn 400ha bị chuột phá, tăng gấp đôi so với cùng kỳ mọi năm. Tại các địa phương phía bắc của tỉnh Quảng Nam như thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc…, nhiều nơi, diện tích chuột cắn phá đã lên đến 30 - 40%.

Xã Duy Phước là địa phương có diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều nhất huyện Duy Xuyên. Những ngày qua, nông dân trông lúa ở 8 thôn của xã được huyện hỗ trợ thuốc diệt chuột sinh học và xã hỗ trợ kinh phí, tập trung lực lượng để diệt chuột, cứu diện tích lúa còn lại.

Vợ chồng ông Võ Minh Tâm – Trương Thị Tâm (thôn Châu Lang Bắc, xã Duy Phước) thẫn thờ bên 4 sào ruộng lúa đã bị chuột cắn phá một nửa diện tích. Số diện tích còn lại ông bà chưa biết tính sao vì lỡ đầu tư, nếu bỏ đi thì phí, tiếp tục chăm sóc thì không có lãi. Họ đã làm đủ cách để diệt chuột như đặt bẫy, đánh bả, đào hang…, nhưng không hiệu quả. “Sợ mất mùa nên ngày nào hai vợ chồng cũng đi đặt bẫy, đánh bã. Nhưng diệt được đàn này, đàn khác lại kéo đến, diệt không xuể. Vụ này coi như mất rồi”, ông Tâm nói.

Ông Lê Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước, cho biết, vụ đông xuân, toàn xã có 520ha lúa, theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 6ha lúa bị chuột cắn phá. Để ngăn chặn chuột, vừa qua, huyện hỗ trợ 150kg thuốc diệt chuột sinh học Biorat, xã hỗ trợ mỗi thôn 300.000 đồng để tổ chức diệt chuột. Từ đầu vụ đến nay, hội nông dân, đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều đợt diệt chuột nhưng không diệt xuể. Vụ mùa năm nay có nguy cơ giảm sản lượng, nhiều diện tích sẽ mất trắng.

Thị xã Điện Bàn có 5.650 ha lúa đông xuân. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 175ha lúa bị chuột cắn phá. Trong đó có 35ha tại các xã Điện Hòa, Điện Phương, Điện Hồng bị chuột phá 30 – 40%, khiến nông dân đối diện nguy cơ mất mùa.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho biết, chính quyền thị xã đã phải bỏ ra gần 100 triệu đồng mua thuốc sinh học Racomin về cấp miễn phí cho các hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân để đánh bả tiêu diệt chuột. Ngoài ra, huyện chi 36 triệu đồng mua hơn 3.000 bẫy chuột để hỗ trợ nông dân. “Nguy cơ giảm sút sản lượng và mất mùa là rất cao. Huyện đang tổ chức vận động các tổ chức đoàn thể của các địa phương cùng tham gia diệt chuột với hy vọng ngăn chặn nạn chuột phá và cứu diện tích còn lại”, ông Chơi cho biết.

MỚI - NÓNG