Đại công trường 'sét tặc' lớn nhất Quảng Ninh: Quản lý tài nguyên có vấn đề?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù liên tiếp để xảy ra vấn nạn khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn nhưng lãnh đạo xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vẫn “bình chân như vại”.
Đại công trường 'sét tặc' lớn nhất Quảng Ninh: Quản lý tài nguyên có vấn đề? ảnh 1

Công trường khai thác đất sét trái phép tại xã Bình Khê được chụp ngày 16/12/2019. Ảnh: Hoàng Dương

Lộng hành

Xã Bình Khê rộng gần 60km2, là một trong những địa phương tập trung nhiều tài nguyên, khoáng sản nhất ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Xã Bình Khê có trữ lượng đất sét khá lớn, một số mỏ cát, sỏi chạy dọc sông Cầm. Đặc biệt, Bình Khê còn có trữ lượng than rất lớn nằm ở khu vực thôn Hồ Thiên.

Vài năm trở lại đây, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương, nhiều vụ khai thác trái phép tài nguyên đã ngang nhiên diễn ra tại xã Bình Khê trước sự bất bình của người dân.

Vào cuối năm 2019, một khối lượng lớn đất sét đã bị khai thác trái phép ngay cạnh trụ sở UBND xã Bình Khê. Các đối tượng đã “vẽ” nên dự án nạo vét hồ chứa nước tưới tiêu nhưng thực chất là “núp bóng” dự án để khai thác đất sét mang đi tiêu thụ.

Sau khi ghi nhận hình ảnh hiện trường, ngày 16/12/2019, phóng viên (PV) đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Khê về sự việc trên. Ông Hùng cho rằng khu vực khai thác đất sét mà PV phản ánh là đất của nông trường. Họ cho thuê hay làm gì, xã không nắm được.

Đại công trường 'sét tặc' lớn nhất Quảng Ninh: Quản lý tài nguyên có vấn đề? ảnh 2

“Sét tặc” lật tung con suối ở Quán Vuông để khai thác đất sét trái phép nhưng UBND thị xã Đông Triều cho rằng chỉ là ao chứa nước của người dân (ảnh chụp ngày 6/1/2022).

Ảnh: Hoàng Dương

Cùng ngày (16/12/2019), PV đã phản ánh sự việc với lãnh đạo thị xã Đông Triều. Ngay sau khi xem hình ảnh mà PV cung cấp, trực tiếp lãnh đạo thị xã đã gọi điện yêu cầu ông Nguyễn Quốc Hùng cho dừng toàn bộ hoạt động tại khu vực khai thác. Điều đáng nói, khu vực khai thác đất sét của các đối tượng là đất ruộng mua lại của một số hộ dân nằm cách hồ cần nạo vét hàng trăm mét.

Ngày 17/12/2019, khi PV quay lại hiện trường, khu vực khai thác đất sét đã được các đối tượng san gạt bằng phẳng, trả lại hiện trạng ban đầu. Lãnh đạo thị xã cũng hứa với PV sẽ kiểm tra và xử lý những cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc.

Vào những năm 2018-2019, nhiều ông trùm về than lậu của Quảng Ninh hầu như đều góp mặt tại Bình Khê. Một số tay anh chị khét tiếng của Cẩm Phả cát cứ từng mét đất tại khu vực Hồ Thiên, dưới mỗi mét đất là cả vựa than có chất lượng tốt hàng đầu thời bấy giờ.

Dùng chiêu bài núp bóng dự án xây dựng chùa Hồ Thiên (thuộc thôn Hồ Thiên, xã Bình Khê), những “tập đoàn” than thổ phỉ đã bắt tay, chia nhau từng khu vực để khai thác than trái phép. Đầu năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đương thời, ông Nguyễn Văn Đọc trong một lần đi kiểm tra đã ngỡ ngàng trước quy mô khai thác than tại đây. Ông Đọc đã ngay lập tức yêu cầu dừng ngay công trình đường công vụ phục vụ xây dựng chùa Hồ Thiên để kiểm tra toàn bộ dự án, báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy.

“Thời hoàng kim của than Hồ Thiên chính là thời của ông Nguyễn Quốc Hùng Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Khê mới nhận chức. Mặc dù để xảy ra loạt vụ đình đám về khai thác tài nguyên, khoáng sản nhưng không hiểu sao ông này vẫn yên vị”, một người dân xã Bình Khê nói.

Cần xử nghiêm

Đại công trường 'sét tặc' lớn nhất Quảng Ninh: Quản lý tài nguyên có vấn đề? ảnh 3

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Khê trong một lần hiếm hoi làm việc với phóng viên trong vụ “sét tặc” cuối năm 2019. Ảnh: Hoàng Dương

Từ năm 2017 đến nay, liên tiếp những vụ khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản xảy ra trên địa bàn xã Bình Khê. Mới đây nhất (ngày 8/1/2022) báo Tiền Phong đăng tải loạt bài viết “Đại công trường “sét tặc” lớn nhất Quảng Ninh”, phản ánh việc một nhóm “sét tặc” đã lật tung con suối tại thôn Quán Vuông để lấy đất sét đi tiêu thụ.

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh sự việc, UBND thị xã Đông Triều đã kiểm tra, xác minh và cho rằng: Đấy chỉ là hoạt động san gạt, cải tạo ao chứa nước của người dân để phục vụ việc tưới tiêu. Chính quyền xã Bình Khê vội vàng ra văn bản xử phạt hộ dân vi phạm 4 triệu đồng vì hành vi hủy hoại đất.

“Cần làm rõ hành vi khai thác đất sét chứ không thể lấp liếm. Nhìn vào thì ai cũng biết bản chất của nó là gì. Nếu lấp liếm từ đại công trường trở thành cái ao chứa nước thì đúng là trò cười”, ông Phạm Ngọc Thạch, một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh nói.

Cũng trong sự việc lần này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Khê đưa ra đủ lý do để cấp phó phụ trách làm việc với PV.

“Lâu nay những vụ khai thác tài nguyên trái phép kiểu này ở Quảng Ninh thường bị xử phạt hành chính nên không đủ răn đe. Cần phải xử lý nghiêm, nếu có căn cứ, phải khởi tố vụ án để điều tra”, ông Thạch nói.

Trước những phản ánh của báo Tiền Phong, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở ngành vào cuộc kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/1.

MỚI - NÓNG