Đại biểu Quốc hội: Quy định mua sắm thiết bị y tế đồ sộ, nhưng chồng lấn, chưa rõ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, hiện có 23 văn bản quy phạm pháp luật liên quan mua sắm thuốc và vật tư y tế. Khối lượng quy định đồ sộ, nhưng có những điểm chưa rõ, chồng lấn, các cơ sở y tế không biết làm thế nào...

Phát biểu tại tọa đàm "Gỡ khó trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế" tổ chức sáng nay tại báo Tiền Phong, ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vừa qua có một số hiện tượng tiêu cực trong quản lý, mua sắm thiết bị y tế, là điểm nóng của dư luận.

Theo ông Lộc, ngành y tế hiện đang đứng trước hai vấn đề lớn là thiếu thầy và thiếu thuốc. Nhiều nhân viên y tế chuyển sang bộ phận tư nhân, việc giữ chân phải có chính sách đột phá.

Vấn đề thứ hai là thiếu thuốc. Nhiều Sở Y tế và bệnh viện tuyến T.Ư báo cáo về thiếu thuốc và vật tư y tế. Ông Lộc cho rằng, tình trạng này là nghiêm trọng.

Đại biểu Quốc hội: Quy định mua sắm thiết bị y tế đồ sộ, nhưng chồng lấn, chưa rõ ảnh 1

ĐBQH Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Như Ý

Ông Lộc cho rằng, phải tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Đầu tiên, sau thời gian COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên; thứ hai là có hiện tượng bất an, lo ngại trong mua sắm thuốc men và vật tư y tế.

"Bác sĩ Cơ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) nói không sợ nếu minh bạch là đúng, nhưng thể chế chính sách chưa rõ thì chưa an toàn cho người thực hiện. Vấn đề quan trọng hiện nay phải bàn là tháo gỡ quy định của pháp luật. Lĩnh vực này có những quy định chưa hợp lý, chính sách chưa rõ ràng, thông tin chưa minh bạch, thẩm quyền mua sắm còn nhiều điểm chồng lấn, mù mờ chưa rõ", ông Lộc nói.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc nói, hiện có 23 văn bản quy phạm pháp luật liên quan mua sắm thuốc và vật tư y tế. Khối lượng đồ sộ, nhưng có những điểm chưa rõ, chồng lấn, các cơ sở y tế không biết làm thế nào. Đặc biệt là thẩm quyền quyết định mua sắm, thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp công như thế nào….

Cũng theo ông Lộc, hiện quy định là mua sắm theo báo giá thấp nhất, mà "thấp nhất thì chất lượng cao hay chưa". Hai vật tư y tế mang tên như nhau, công dụng như nhau thì có chất lượng như nhau hay không. Có những quy định như đánh đố người thực hiện.

Bộ Y tế cũng đã có rà soát, cần phải sửa các quy định đó để có thông tin minh bạch, thể chế rõ ràng.

"Ở đây có câu chuyện ngành y tế nêu ra, cần phải suy nghĩ là tài sản công trong lĩnh vực y tế là gì. Bông, gạc dùng một lần có phải là tài sản công không. Nếu là tài sản công thì lại phải lập kế hoạch mua sắm, cơ quan cấp trên mới có thẩm quyền… Nên vẫn có những cái bất hợp lý, không rõ ràng…Sờ vào quy định cụ thể có thể quy trách nhiệm cho người thực hiện cụ thể. Cần tháo gỡ trước hết về quy định pháp luật, trước hết là 23 văn bản trên, có những văn bản mới, phù hợp thông lệ quốc tế", ông Lộc nêu thêm, đồng thời cho rằng, việc này cần làm sớm, bởi chậm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Cần thiết có Luật về trang thiết bị y tế

Ông Lộc nêu quan điểm, cần phải bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn trong quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế, đấu thầu…

"Hiện nay người làm công tác đấu thầu chủ yếu là kiêm nhiệm. Họ làm không phải chuyên nghiệp, được huy động tham gia vào các hội đồng. Chuyên môn về mặt y tế có thể hiểu, nhưng về pháp lý thì không nắm được. Nên cần bổ sung cán bộ chuyên môn về quản lý trang thiết bị y tế, đấu thầu để có thể hỗ trợ", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, hiện các doanh nghiệp, các nhà cung cấp vật tư y tế cũng lo ngại, đặc biệt sau một số vụ việc nổi cộm thời gian qua dẫn đến lo ngại về xác định giá thế nào, thủ tục đấu thầu ra sao, sử dụng vốn đầu tư công, tài sản công, thủ tục thanh toán.

"Thời gian qua, việc đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá mua sắm thuốc cũng chậm, ảnh hưởng đến các địa phương, cơ sở y tế thực hiện việc mua sắm", ông Lộc nêu.

Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tái khẳng định, cần rà soát lại, 23 quy định hiện nay liên quan lĩnh vực này, cần làm rõ sự chồng lấn, phức tạp, phiền hà, chồng chéo, không minh bạch của các quy định…Các bộ ngành phải ngồi với nhau dưới sự chủ trì của Chính phủ để mở đường cho việc tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, cần quy định về tài sản công thế nào, thẩm quyền mua sắm thế nào, vai trò cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế như thế nào; quyết định mua sắm thế nào; quyết định gồm những nội dung gì…

"Giải pháp tổng thể, trước mắt là phải đề cao trách nhiệm. Dù thế nào cũng phải đề cao trách nhiệm, các bộ ngành phải chủ động, không né tránh trách nhiệm, không sợ trách nhiệm. Không phải tất cả đều vướng, có những cái không vướng, phải làm chứ không được sợ", ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng nêu, trong điều kiện hiện nay, khi nhu cầu về trang thiết bị vật tư y tế tăng lên thì phải tăng cường cấp giấy đăng ký vật tư y tế, trang thiết bị. Hướng dẫn rõ ràng về thẩm quyền, quy định về mua sắm trang thiết bị, gắn với đề cao trách nhiệm các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Giải pháp lâu dài liên quan đến hệ thống pháp luật, với Quốc hội thì kiến nghị tiếp tục cho phép thực hiện áp dụng quy chế đặc thù đặc cách liên quan đến việc đẩy nhanh cung ứng thuốc cho thị trường của Nghị quyết 30, kéo dài đến hết năm 2023.

"Có lẽ thời gian tới, Chính phủ cũng có thể sẽ dự thảo, trình Luật về trang thiết bị y tế tạo hành lang vận hành, đồng thời sửa luật Dược cho phù hợp với giai đoạn tới, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, kiến nghị cho phép Bộ Y tế thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế theo khung giá trần; quy trình đàm phán giá; phê duyệt quy trình mua sắm vật tư, thiết bị đặc thù…", ông Lộc nêu.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, đã có Nghị quyết 30 rất phù hợp, sáng tạo của Quốc hội, phù hợp với tình hình chung các nước. Trong đó, trao thẩm quyền cho cơ quan thực thi chủ động các nhiệm vụ của pháp luật trong bối cảnh cấp bách, đáp ứng nhu cầu đời sống. Hai là, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện để giải quyết nhanh các vấn đề cấp bách nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Ngoài ra, trong việc mua sắm thiết bị bao giờ cũng có hợp đồng ký kết, cần khuyến cáo các bệnh viện, doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng phải đảm bảo tính pháp lý chắc chắn của hợp đồng.

Với quy định liên quan đến Luật, chúng ta có thể dùng một Luật sửa nhiều Luật, các quy định liên quan đến vấn đề này trong Luật Đấu thầu, Luật Dược…có thể sửa đổi trong một Luật. Với các vấn đề trong Nghị định, Thông tư thì đơn giản hơn, Chính phủ có thể tự quyết. Ngoài ra, bên cạnh vấn đề pháp lý, có thêm một vấn đề khác cần giải quyết là vấn đề tâm lý bất an, sợ sai rất lớn của các bệnh viện. Cần có giải pháp giải tỏa vấn đề này, đẩy mạnh thông tin tích cực cho đội ngũ cán bộ y tế, ngành y tế.

MỚI - NÓNG