Đại biểu quốc hội lo ngại lợi ích nhóm trỗi dậy ở đặc khu

ĐBQH lo ngại lợi ích nhóm trỗi dậy ở đặc khu.
ĐBQH lo ngại lợi ích nhóm trỗi dậy ở đặc khu.
TP - “Cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Với quy trình tuyển chọn người tài như hiện nay khó chọn người tài đứng ở vị trí, vai trò này. Đó là chưa kể, với quy định hiện nay thì chuyện kết nối, liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho hay.

Không đánh đổi chủ quyền để phát triển

Ngày 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Dự thảo luật lần này được chỉnh lý theo hướng thu hẹp các chính sách ưu đãi ở các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Điển hình như quy định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn, nhưng không quá 99 năm.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại trước thời gian cho thuê đất kéo dài ở các đặc khu vốn rất nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc thu hút đầu tư bằng miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, mà quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư. Bởi nếu ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền lại tham nhũng, phiền hà, nhũng nhiễu thì tiền được giảm ấy có khi còn ít hơn tiền phải lobby cho các chính sách khác.

Đại biểu Vân cho rằng, không chỉ thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua, nhà nước cũng đầu tư rất nhiều hạ tầng cho ba vị trí tiền tiêu Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc. Bây giờ lại cho nhiều ưu đãi, như vậy về pháp lý, chính sách so với vùng sâu, vùng cần được khuyến khích đã công bằng chưa, hay ở đây có sự xung đột về pháp lý?

Ông Vân cũng lo ngại, khi thời gian cho thuê đất quá dài, lên tới trên 90 năm là không ổn, vì ba vị trí này rất nhạy cảm, đến nay chưa có chuyên gia nào về quốc phòng, an ninh ở Quốc hội lên tiếng. “Ba vị trí này nhô ra ngoài biển Đông, vậy ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào? Thế giới đang vận động từ tấn công vũ trang sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc cán bộ, cài cắm dân cư. Điều này cần phải bàn bạc kỹ và thận trọng”, ông Vân nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM) cho rằng, không thể hời hợt và cần xem những tác động của luật này đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước trong tương lại sắp tới. Theo ông, cử tri TPHCM lo ngại, việc giao quyền sử dụng đất 90 năm trở lên, vậy sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý như thế nào, nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cử tri rất lo lắng, cần phải quan tâm đến chủ quyền khi thực hiện ưu đãi.

“Chúng ta không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vậy có cần đặt ra vấn đề, không thể đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế? Ba đặc khu này, chúng ta thu hút về mặt tài chính hay đi vào tạo cơ chế phát triển ngành? Do vậy, cần phải đặt ra vấn đề cho rõ chính sách phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thậm chí có những lĩnh vực không khuyến khích, không cho phép nước ngoài tham gia. Vấn đề này không vi phạm thương mại mà chúng ta đã ký kết trong các điều ước quốc tế”, ông Khuê cho hay.

Sẽ không có trưởng đặc khu?

Liên quan đến mô hình đặc khu, dự thảo có nhiều chỉnh lý, khi tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND, UBND và không có Trưởng đặc khu. Đặc biệt, để tăng cường sự kiểm soát, dự thảo luật bổ sung quy định, thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc bổ sung cơ chế này là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình và đề nghị không quy định Ban tư vấn vào trong luật. Đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu tình huống: Nếu Chủ tịch UBND đặc khu không đồng ý với ý kiến của Ban tư vấn thì phải giải trình bằng văn bản, nói rõ lý do. Đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, việc tổ chức Ban tư vấn ngay trong đặc khu là chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu, trước đây vì lo ngại giao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu dẫn đến lạm quyền, giờ lại quay lại mô hình HĐND, UBND. Ông Phương cho rằng, điều này không phù hợp, không sát với tinh thần, vì đây là đơn vị hành chính đặc biệt. Đã là đặc biệt mà vẫn cấu trúc, mô hình bình thường thì không phải đặc biệt.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, mô hình đặc khu trong dự thảo vẫn chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực khi trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu nhưng chế độ trách nhiệm chưa rõ.

“Việc giao quyền sử dụng đất 90 năm trở lên, vậy sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý như thế nào, nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cử tri rất lo lắng, cần phải quan tâm đến chủ quyền khi thực hiện ưu đãi. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vậy có cần đặt ra vấn đề, không thể đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế?’.

 ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.