Chiều 22/6, phát biểu thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, hiện chúng ta đang xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đây cũng là xu thế tất yếu toàn cầu.
Do vậy, việc áp dụng công nghệ vào thẻ căn cước tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia khi giao dịch dân sự và các hoạt động khác trong đời sống. Bên cạnh đó, việc tích hợp các giấy tờ bằng giấy như Giấy phép lái xe, Đăng ký kết hôn…vào thẻ căn cước là rất hợp lý.
ĐB Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Ảnh QH |
Cũng theo đại biểu, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được thiết kế, xây dựng ở cấp độ 4 về mức độ đảm bảo an toàn thông tin. Do đó, người dân có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật.
“Thời bao cấp mỗi gia đình có một sổ hộ khẩu, ai cũng sợ mất sổ nên giữ gìn cẩn thận. Nay với thẻ căn cước dù độ bảo mật đã nâng lên nhưng mỗi cá nhân vẫn cần bảo quản thẻ cẩn thận và lưu ý bảo mật thông tin trên thẻ”, đại biểu Dũng khuyến cáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo quy định 24 nhóm dữ liệu công dân được tích hợp vào thẻ căn cước. Song bà cũng băn khoăn ngoài thông tin trên còn thu thập tích hợp cả các thông tin khác của công dân được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Do vậy, đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị cân nhắc thêm, vì chuyên ngành rất nhiều như bảo hiểm, y tế, chứng khoán… Ví dụ, Bộ Tài chính ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, với các bộ, ngành khác có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Bà Thuỷ cũng lưu ý, những thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan trực tiếp đến đời sống riêng tư của người dân. Ví dụ, số điện thoại nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho người dân.
Về các thông tin trên thẻ CCCD, dự thảo điều chỉnh bỏ thông tin về quê hương, quê quán. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không bỏ thông tin này, vì chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được khai thác thông tin trong thẻ căn cước, những đơn vị khác không được khai thác. Vì thế cần để lại thông tin được thiết kế trên thẻ để nhận diện lai lịch một người.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) góp ý về việc ghi quê quán trên thẻ căn cước công dân. “Liệu ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào?”, ông Trí đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, trong hồ sơ cơ sở dữ liệu quốc gia cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán. Vì 4 mục này có thể giống nhau nhưng không phải một.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Trí nêu thực tế ảnh in trên thẻ căn cước công dân không được đẹp. Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị về ảnh của công dân trên thẻ, công an nên chụp đảm bảo “đúng và đẹp”.
Phát biểu làm rõ ý kiến đại biểu nêu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, dự án luật này là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi…
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đa số đại biểu nhất trí với ý kiến, chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo. Về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về căn cước kết nối, chia sẻ khai thác thông tin, nhiều đại biểu nhất trí quy định này vì cho rằng đây là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số…