Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, số lượng khách du lịch đến Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhưng chất lượng dịch vụ du lịch vẫn còn rất nhiều vấn đề. Số lượng khách quay trở lại rất ít, tỷ lệ không quá 10%.“Chúng ta không nên cạnh tranh với thế giới bằng những công trình hiện đại mà nên có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển, đảo, sinh thái, vốn là thế mạnh của đất nước”, Phó Chủ tịch nước nói.
“Chặt chém”
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng “du khách không quay trở lại”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra, đó là vì an toàn giao thông, an toàn thực phẩm không bảo đảm; nạn “chặt chém” du khách vẫn tiếp diễn… “Nhiều nơi làm du lịch chỉ 3 tháng để ăn cả năm. Nhiều bãi biển phía Bắc chỉ kinh doanh 3 tháng hè, vì thế họ tận thu trong thời gian đó. Uống một cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa tính tiền ghế ngồi, khiến du khách vô cùng bức xúc”, ĐB Nga nêu.
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) đề nghị xem xét cơ chế bảo vệ du khách. Ông Hải cho rằng bị gây rối, chèo kéo là một trong những lý do khách tới Việt Nam mà không quay lại. Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết, Hà Nội, TPHCM và một số địa phương có du lịch phát triển đã dự định thành lập cảnh sát du lịch ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch.
“Nếu thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan sẽ đảm bảo quyền lợi du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch và thúc đẩy ngành này phát triển. Quan điểm của tôi là nên thành lập”, ông Hải nói.
Nghèo nàn sản phẩm
Một thực trạng đáng buồn khác cũng được Phó Chủ tịch nước chỉ ra là sự nghèo nàn về các sản phẩm du lịch. “Khi mọi người đi nước ngoài thì ít nhất cũng có một vài túi quà mang về. Nhưng du khách đến Việt Nam, đến các điểm du lịch thì không biết mua cái gì mang về…
Thậm chí có nơi tôi đến thấy hàng nước ngoài lại là chính. Vậy nên chăng cần có những quy định về sản phẩm du lịch và có quy định về tỷ lệ hàng Việt bày bán ở nơi đó”, Phó Chủ tịch nước nói.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng dù lượng du khách nước ngoài vào Việt Nam được coi là nhiều nhưng chỉ mới tính về số lượng.“Hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Đi vào có khi tiêu 5 - 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi...”, Thượng tướng Tô Lâm nói.
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) dẫn chứng: Du lịch của ta đứng thứ 5 ASEAN, lượng khách 1 năm chưa được 8 triệu, trong khi Thái Lan là 29 triệu, như vậy ta chỉ bằng 31% Thái Lan. Như vậy là xấu hổ, một đất nước nhiều di tích lịch sử công trình văn hóa, thiên nhiên đẹp mà không làm được.
“Làm gì có quy trình nào đúng nhưng gây chết người”
Thảo luận về Luật Thủy lợi, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự bức xúc việc các công trình thủy điện, hồ chứa xả lũ “đúng quy trình” nhưng lại gây chết người, làm thiệt hại nặng cho vùng hạ du. “Làm gì có cái quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người. Nếu quy trình đó đã gây ra chết người thì chắc chắn phải có sai ở điểm gì đó. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, chứ không thể để mãi như thế được”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, việc dự thảo Luật Thủy lợi giao cho các chủ đầu tư xác lập các quy trình, quy định vận hành hồ chứa là không phù hợp mà phải giao cho cơ quan quản lý nhà nước. “Cứ để chủ đầu tư xác lập quy trình thì chắc chắn họ sẽ xây dựng theo hướng bảo vệ tốt nhất công trình của họ. Và khi xảy ra hậu quả gì đó thì câu chuyện đúng quy trình vẫn cứ diễn ra”, ông Sơn nói.
Cho phá sản doanh nghiệp nhà nước thua lỗ
Chiều 8/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu hoàn thành tái cơ cấu ba trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong 5 năm tới. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ quan điểm xây dựng mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả, thước đo là năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khắc phục tư tưởng bao cấp, xin - cho, ỷ lại. Tập trung khoanh vùng để xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác và các thành quả kinh tế - xã hội. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với cải cách bộ máy chính quyền, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn này vẫn đặt trọng tâm vào các tập đoàn, tổng công ty và được nhấn mạnh đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thực hiện theo hướng công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp cổ phần hoá phải được niêm yết trên sàn chứng khoán một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực. Với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, Quốc hội yêu cầu Chính phủ xử lý dứt điểm; xem xét, thực hiện phá sản số doanh nghiệp này theo quy định pháp luật.
Thành Nam