Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa

Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa
TP - Năm 2008, lợi nhuận sau thuế của Tổng Cty Lương thực miền Bắc là gần 2.400 tỷ đồng. Tổng Cty Lương thực miền Nam lợi nhuận cũng lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa lại không được tái đầu tư sản xuất từ lợi nhuận này.

>> Nông dân giỏi, nhà buôn tồi
>> Gạo Thái Lan len lỏi khắp nơi
>> Trăm tỷ đồng vẫn không có giống quốc gia

Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa ảnh 1
VFA nắm số phận của hàng triệu người trồng lúa, nhưng sản phẩm của chính nông dân đang bị tổ chức này làm giá

Lãi lớn do đặc quyền

TS Vũ Trọng Bình (Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) cho rằng, hiện trong chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo, việc phân chia lợi ích chưa rõ ràng.

Các Tổng Cty nhà nước được trao quyền nắm Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), họ được đặc quyền tham gia những hợp đồng lớn, hợp đồng bán buôn. Do vậy, có thể nói những ông lớn này ngồi không vẫn hưởng lợi. Hiện nay, tư thương và doanh nghiệp nhỏ chỉ có mỗi việc thu gom cho các tổng Cty lớn bán buôn ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Như Lai, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, năm 2008, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều rất cao. Đây là năm nhiều biến động những lợi nhuận của Vinafood 1 đạt mức kỷ lục gần 2.400 tỷ đồng.

Ông Lai cho biết, mặc dù doanh thu của Vinafoot 1 chỉ bằng hơn nửa Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nhưng lợi nhuận thì lại cao hơn Vinafood 2. “Có được điều này do khi đàm phán với nước ngoài chúng tôi thương thảo được giá cao hơn nên lợi nhuận trên đầu tấn cao hơn.”- Ông Lai nói. 

Hiện nay, Vinafood 1 được phân hai thị trường chính là Cu Ba và Iraq. Đối với Cu Ba, mỗi năm doanh nghiệp này xuất 400 nghìn tấn gạo, trong đó 200 nghìn tấn là hợp đồng Chính phủ, còn lại là hợp đồng thương mại.

Ông Lai cho biết thêm, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu năm triệu tấn gạo thì Vinafood 1 chỉ chiếm 1/10, lượng gạo xuất khẩu mỗi năm từ 500- 600 nghìn tấn trở lại. Việc xuất khẩu chính là do Vinafood 2 thực hiện.

Bình luận về khoản lợi nhuận lớn của hai tổng Cty lương thực, TS Vũ Trọng Bình cho rằng, doanh nghiệp lãi nhiều phải được đưa vào tái sản xuất phân phối lại cho nông dân. Thế nhưng điều này bị bỏ qua nhiều năm nay.

Theo TS Bình, rất khó chấp nhận việc, quyền lực nhà nước giao, tài sản nhà nước giao cho hai tổng Cty lương thực, nhưng lợi nhuận thì cán bộ của tổng Cty lại nhận về mình. Sòng phẳng ra, đó là thành quả của nông dân trồng lúa.

“Lợi nhuận này không phải do mấy cán bộ ở tổng Cty này giỏi, mà do đặc quyền của nhà nước trao cho họ. Lãi 1.000 tỷ thì phải trích ngay lập 500 tỷ đồng cho khuyến nông, khoa học công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm. Chuyện này hầu như không tổng Cty nào làm.”- TS Bình nói.

Thiếu chiến lược xuất khẩu

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Đại học An Giang) cho rằng, chúng ta phải xây dựng được một luật chơi chung, bình đẳng. VFA phải là tổ chức đại diện bình đẳng cho những đơn vị xuất khẩu gạo trong nước để điều phối lượng gạo xuất khẩu và ngăn chặn việc bán phá giá.

Thế nhưng hiện nay, hai doanh nghiệp Vinafood 1, Vinafood 2 chỉ thuần túy làm dịch vụ trung gian, bán buôn, không có một mảnh ruộng, không có nông dân nào nhưng lại là những hội viên chính. Tổng giám đốc Vinafood 2 Trương Thanh Phong giữ luôn chức Chủ tịch VFA nên VFA ngày càng tỏ ra là một tổ chức vì quyền lợi của Vinafood 2 trên hết chứ không vì nông dân trồng lúa.

Có một điều rất khó lý giải là tại sao Vinafood 2 có doanh thu lớn gần gấp đôi Vinafood 1 nhưng lợi nhuận lại thấp hơn. Phải chăng doanh nghiệp chủ lực trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam đang bán gạo giá quá rẻ, nên lợi nhuận thu về trên đầu tấn thấp?

TS Vũ Trọng Bình cho biết, ở các nước, việc xuất khẩu có một chiến lược chung, khi nào tung gạo ra, xác định giá sàn để các doanh nghiệp đỡ phá nhau. Luật chơi của những nước này rất rõ ràng và Chính phủ rất ít tham gia vào thị trường. Trong khi đó, tính dân chủ trong VFA là điều đáng bàn. Hiệp hội do các tổng Cty nhà nước nắm giữ. Doanh nghiệp nhỏ lẻ không được tham gia, nông dân thì càng không có tiếng nói gì.

Thêm vào đó, chúng ta không có một chiến lược chung trong xuất khẩu gạo. “Chúng ta xuất khẩu gạo không khác gì mấy ông nông dân chở gạo bán cho các đại lý tại Hà Nội. Rẻ thì em mua của bác, đặt thì em chuyển người khác.”- TS Bình nói.

Trong khi đó, các Cty của Thái Lan đã đủ sức liên kết với các siêu thị để đưa hàng vào bán với nhãn mác của mình. Họ làm được do hàng Thái Lan có chất lượng, cung ứng ổn định. Chỉ khi nào người tiêu dùng từ bỏ họ thì họ mới mất, chứ không phụ thuộc vào nhà phân phối. Còn Việt Nam, bán gạo ra nước ngoài nhưng không có tên gạo Việt Nam trong siêu thị. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhà phân phối.

Sân sau của VFA cũng bán phá giá?

TP - Bản thông báo giá sàn xuất khẩu gạo đăng tải trên trang website cho các DN trong nước áp dụng xuất khẩu từ ngày 20/2/2009 của VFA: Gạo năm phần trăm tấm giá 460 USD/tấn, thời gian giao hàng trong tháng Bảy và Tám năm 2009.

Đây không phải lần đầu tiên VFA bị dư luận chỉ trích vì hoạt động điều hành yếu kém, độc quyền, nhiều việc làm thiếu minh bạch. GS-TS Võ Tòng Xuân thẳng thắn: “Chừng nào VFA còn được tin tưởng giao trọng trách điều hành xuất khẩu gạo, ngày ấy nông dân vẫn tiếp tục lãnh rủi ro như từ trước đến nay”.
Đến ngày 2/7/2009, VFA lại điều chỉnh giá sàn cùng chủng loại gạo còn 430USD/tấn. Thế nhưng tại hợp đồng số 10709 ngày 30/6/2009, Cơ quan Văn phòng của Vinafood2 do ông Trương Thanh Phong ký bán cho SAIGON FOOD PTE LTD năm ngàn tấn gạo (năm phần trăm tấm) chỉ với giá 406 USD/tấn.

Dư luận đặt vấn đề vì sao VFA treo giá một đằng nhưng chính sân sau của họ lại bán giá một nẻo? Có hay không việc bán phá giá trong bản hợp đồng này? Quan trọng hơn, SAIGON FOOD là ai?

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, đơn vị này chính là con đẻ của Vinafoood2, thành lập ngày 12/2/2009, vốn 1 USD, văn phòng đóng tại số 6 Temasek Boulevard, # 29-00 Suntec Tower Four, Singapore.

Như vậy ông Tổng Cty Lương thực miền Nam đang bán gạo cho chính con đẻ của mình ở nước ngoài? Và từ đây, SAIGON FOOD sẽ bán gạo lại cho thương nhân Singapore hay xuất khẩu sang nước thứ ba với giá cao hơn?

Nhiều người còn đặt vấn đề về tính minh bạch của Cty kiểu trung gian này. Việc sân sau của VFA bán giá thấp hơn giá sàn còn thể hiện tại một tờ khai hải quan ngày 5/8/2009 của Cty lương thực Trà Vinh. Đơn vị này xuất cho một Cty ở Singapore 2.000 tấn gạo năm phần trăm tấm giá cũng chỉ 400USD/tấn. Nếu qui chụp việc bán thấp hơn giá sàn do VFA đưa ra là phá giá thì chính sân sau của tổ chức này đã vi phạm luật chơi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG