Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII:

Đặc quyền, đặc lợi đang cản trở chống tham nhũng

Đặc quyền, đặc lợi đang cản trở chống tham nhũng
TP - “Tâm lý an toàn, ngại va chạm cùng với đặc quyền, đặc lợi của người có chức quyền trong cơ quan đã làm hạn chế cơ chế phát hiện, chống tham nhũng hiện nay”.
Đặc quyền, đặc lợi đang cản trở chống tham nhũng ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Sùng Thị Chư phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng

Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) tại buổi thảo luận tại Hội trường về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, hôm qua (31/10).

Theo đại biểu Minh, các vụ việc phát hiện tham nhũng thường do yếu tố bên ngoài như qua báo chí, ít do nội tại, có phần do tâm lý an bài, “đồng tiền liền khúc ruột”. Bên cạnh đó, sinh hoạt nội bộ hình thức, ngại tố cáo nhau để dĩ hòa vi quý, báo cáo không trung thực, nói dối phổ biến.

Những “rào cản” này cùng với cách tư duy áp đặt của một số người đứng đầu kiểu “chính quyền là ta, cấp ủy cũng là ta” đã khiến kết quả phát hiện, phòng chống tham nhũng bị hạn chế.

Tham nhũng tinh vi, lãng phí nhiều

Theo báo cáo của Chính phủ, từ 10/2007- 8/2008, cả nước phát hiện 379 vụ việc tham nhũng (giảm 14 % số vụ so với cùng kỳ); trong đó cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra 284 vụ án với 622 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 30% số vụ, 25 % số bị can so với cùng kỳ); có 51 vụ việc, 125 đối tượng đã bị xử lý kỷ luật hành chính (giảm 59% số đối tượng).

Hiện còn 44 vụ việc đang tiếp tục được xem xét để xử lý. Một số vụ tham nhũng điển hình được dư luận xã hội quan tâm như Vụ Đề án 112, Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp, Tổng Cty Mía đường II; Tổng Cty Xây dựng miền Trung, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá tham nhũng hiện nay rất nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện, có khi phát hiện, xử lý chưa kịp thời. Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói: “Tội phạm tham nhũng rất có kiến thức, biết che giấu tinh vi. Có phải vì thế mà trong nhiều vụ việc trọng điểm tưởng “chết” đến nơi, nhưng sau đó thay tội danh, xử rất nhẹ”.

Ông Tuân đề nghị Quốc hội có cơ chế tăng cường giám sát các vụ án trọng điểm. Bên cạnh đó, đại biểu Tuân chỉ ra rằng, có rất nhiều cán bộ có hành vi vụ lợi trong giải quyết công việc, gây khổ sở cho dân: “Người dân phải dùng tiền bôi trơn, cán bộ dùng tiền chạy chức chạy quyền. Có người lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật để làm lợi bất chính, gọi là tham nhũng chính sách”.

Đại biểu Tuân cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận tham nhũng là nghiêm trọng, đặc biệt có 3 bộ ngành, địa phương thừa nhận tham nhũng rất nghiêm trọng cho thấy mức độ nguy hại lớn. Vì vậy để răn đe, phải xử lý nghiêm người đứng đầu, người ở vị trí cao vi phạm. Đại biểu này đề nghị có một quỹ hỗ trợ các nhà báo trong việc phát hiện đấu tranh chống tham nhũng, động viên để họ yên tâm, có những chiến công mới, nhưng cũng hết sức chống việc lợi dụng báo chí.

Về tình hình lãng phí, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói: Lãng phí có rất nhiều loại, nhưng nghiêm trọng là quy hoạch treo, quyết định đầu tư yếu kém, dàn trải, hiệu quả thấp.

Cùng với đó là tỷ lệ thất thoát trong đầu tư XDCB lớn, tiêu cực trong đấu thầu, lãng phí tài nguyên, nhân lực, các thủ tục hành chính phiền hà. “Những vấn đề đó đã nói, kể cả nói xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nói thì nhiều nhưng xử lý ít”- Ông Cuông than phiền.

Xử lý nhẹ trên, nặng dưới

Có đại biểu đã phát biểu thẳng thắn rằng, nhân dân vi phạm 500 ngàn đồng đã bị bỏ tù, trong khi có cán bộ vi phạm nặng thì châm trước: “Mèo ăn mỡ bị bóp ngay, nhưng cọp ăn heo thì bỏ qua”! Có không ít vụ việc lúc đầu lớn, về sau bé xíu, được nhiều đại biểu lưu ý. Nạn cán bộ hành dân rất đáng báo động, có trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm, gây hoài nghi trong nhân dân. “Cần khắc phục khiếm khuyết, hoàn thiện bộ máy, đặc biệt là cần tăng tính độc lập đối với các cơ quan thanh tra” -  Đại biểu Điểu Kré (Đăk Nông) kiến nghị.

Nêu thực trạng người dân “làm gì cũng phải nghĩ đưa phong bì”, đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) cho rằng nguyên nhân là do cơ chế xin-cho, đó là mảnh đất của tham nhũng, phải nhanh chóng loại bỏ cơ chế này. Đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) cho rằng, đánh giá thực trạng tham nhũng, lãng phí chỉ căn cứ vào báo cáo của từng địa phương thì chưa thể đầy đủ, vì “không ai tự nói xấu mình”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu: “Chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch. Quốc hội đã nói nhiều nhưng chưa chuyển. Sai phạm rõ nhưng trách nhiệm người quản lý, biện pháp khắc phục chưa rõ”.

Tình trạng kê khai, minh bạch tài sản được đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đề cập, ông cho rằng đã hết thời hạn nhưng nhiều cá nhân, địa phương chưa thực hiện kê khai là thiếu nghiêm minh.

“Cho dù có kê khai, nhưng cơ chế hiện nay thì có kê khai gian dối cũng chẳng sao. Nói trả lương qua tài khoản quản lý được thu nhập không chính xác, thậm chí gây phiền hà, lãng phí, vì có những khoản ngoài lương không qua tài khoản”- Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) nói.

Đại biểu Lễ đặt vấn đề rộng hơn: “Bộ máy phòng chống tham nhũng đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhưng hiệu quả hoạt động thế nào, tiếng nói ban chỉ đạo có trọng lượng đến đâu, cần thời gian đánh giá. Nhưng nếu chỉ dựa vào quy chế phối hợp như hiện nay cũng có hạn chế, do đó cần có văn bản pháp lý quy định thẩm quyền đối với ban chỉ đạo”.

Đấu tranh, tránh đâu?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), kẻ tham nhũng  có quyền, có khả năng trù dập người tố cáo. Họ là những cán bộ, công chức biến chất, tha hóa. Chính vì vậy, nội bộ tránh né, nhiều người không dám đấu tranh vì sợ “đấu tranh thì tránh đâu?”. Một số người dù rất có năng lực, nhưng cuối cùng phải rời nhiệm sở để tìm kế mưu sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) và Sùng Thị Chư (Yên Bái) cùng cho rằng: “Chống tham nhũng thì cần tạo ra một cơ chế để làm sao không thể tham nhũng, không dám tham nhũng”. Theo đó, cần công khai việc quy hoạch cán bộ, tuyển chọn công chức, có chế độ lương thỏa đáng.

“Tham nhũng diễn ra ở nhiều cấp, ngành, nếu không sớm ngăn chặn đời sống nhân dân sẽ càng khó khăn hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng lớn hơn. Vì sao gian lận xăng dầu “móc túi” dân công khai không xử lý hình sự, trong khi đó Nhà nước phải bù lỗ cho xăng dầu tới 32 ngàn tỷ đồng?” - đại biểu Chư minh chứng thêm.

Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đưa ra ý kiến khá xác đáng, đó là dù tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng đều phải lộ ra, sẽ bị quần chúng nhân dân phát hiện. Thế nhưng, chúng ta đã làm gì, có cơ chế ra sao để bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng. Báo cáo của Chính phủ cũng đã không đặt vấn đề này.

“Kết quả, có khi người tố cáo bị kết tội là phá hoại nội bộ, mất đoàn kết, ảnh hưởng cả đời con cháu” - bà Dung kết luận.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.