Hàng năm, các binh sĩ được tuyển chọn từ những tân binh tốt nhất. Sau khi đến đơn vị đặc chủng, các tân binh lập tức phải trải qua một khóa huấn luyện quân sự ngắn nhưng vô cùng căng thẳng. Chỉ những người thể hiện được tài năng mới có được ở lại doanh trại huấn luyện lực lượng đặc chủng để rèn luyện thành hạ sĩ quan.
Theo sách Quân đội Nga – Những bí mật bạn chưa biết (Nxb QĐND), thông thường số người được tuyển chọn trong toàn quân nhiều hơn nhiều lần so với số hạ sĩ quan cần thiết nhằm tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong quá trình huấn luyện và chỉ có những người thật sự xuất sắc mới có đủ tiêu chuẩn làm hạ sĩ quan.
Các môn huấn luyện đặc nhiệm Nga rất nhiều. Nó bao gồm các kỹ thuật thông tin như ám hiệu, bỏ thư, nhận biết ám hiệu, quay phim mini cho đến tìm kiếm, chiêu mộ và theo dõi gián điệp. Một môn nữa không thể thiếu là thủ đoạn ám sát mà khiến cho người bị ám sát cứ như là chết tự nhiên.
Thường là các binh lính đặc nhiệm Nga được huấn luyện thành từng tổ. Trung tâm huấn luyện thường được xây dựng ở khu vực biên giới. Riêng các nhân viên điệp báo bí mật thì được đưa vào huấn luyện riêng ở trung tâm huấn luyện đặc chủng.
Theo trang Topwar.ru, một lính đặc nhiệm mỗi ngày phải chạy 10km và vào ngày chủ nhật có khi phải chạy 40km. Khi chạy phải mang theo một ba lô nặng 50 kg và không phải chỉ có chạy không mà còn chạy xen với bò chưa kể là trong tình trạng đeo ba lô nặng còn phải dò dẫm từng bước khi tập vượt bãi mìn.
Vì tính chất căng thẳng và khó nhọc của lực lượng này nên lương của binh sỹ đặc nhiệm cao hơn các binh chủng khác. Thông thường một sĩ quan lực lượng đặc chủng sau 10 năm phục vụ sẽ bằng quân hàm của sĩ quan các đơn vị thông thường phục vụ trong 15 năm.
Về mặt kỹ năng, mỗi binh sĩ lực lượng đặc biệt Nga phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí của cả hai phía địch và ta. Ngoài ra họ còn phải học lái ô tô, xe thiết giáp, xe tăng và thậm chí cả trực thăng.
Về chiến đấu, họ rất giỏi đánh bộc phá, thuốc nổ, cũng tinh thông các môn đánh giáp lá cà, sử dụng thuần thục các loại vũ khí lạnh và bất kỳ thứ đồ gì có thể cầm để chiến đấu. Nói một cách đơn giản, họ được dạy để không từ bất kỳ thủ đoạn nào nhằm khiến đối phương bị thương.
Về vũ khí sử dụng, theo Wikipedia, hiện lực lượng đặc nhiệm của Nga sử dụng các vũ khí gồm súng trường bắn tỉa Vintorez, súng trường tấn công AS Val, AK-9, An-94, tiểu liên PP-19 Bizon.
Hiện tại quân đội Nga có khoảng 8 lữ đoàn, một trung đoàn lực lượng đặc biệt thuộc 4 quân khu. Ngoài ra lực lượng nhảy dù có một trung đoàn và các hạm đội: Thái Bình Dương, Biển Bắc, Biển Đen, Baltic, mỗi hạm đội có một đội lực lượng đặc biệt.