'Đắc nhân tâm' - được lòng người hay được lòng mình?

“Đắc nhân tâm” được tái bản nhiều lần ở Việt Nam
“Đắc nhân tâm” được tái bản nhiều lần ở Việt Nam
TP - LTS: “Cuộc đời thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và những cuốn sách ta đọc” (Harvey MacKay). “Chúng ta xem một bộ phim để biết mình đang sống” (Alfred Hitchcock). 

Báo Tiền Phong mở mục “MỌT SÁCH MỌT PHIM” mỗi kỳ giới thiệu, bình phẩm một hoặc vài cuốn sách (bộ phim) đáng đọc, giống như một lát cắt cho thấy cái hay, độc, lạ, đáng bàn của cuốn sách/bộ phim đó; hoặc cách nhìn mới về cuốn sách/bộ phim cũ. Với mục đích giúp vui bạn đọc - khán giả; mượn sách/phim để chiêm nghiệm về cuộc đời. Mong được sự hưởng ứng của bạn đọc.

HƯỚNG TỚI THA NHÂN

Dòng sách “self - help” làm mưa làm gió thị trường sách những năm gần đây. Điểm nổi bật của nó là được viết đầy thuyết phục với vô số câu chuyện thành công hoặc cảm động lòng người.

Bạn có hay gặp trở ngại trong giao tiếp? Bạn không biết cách ứng xử thế nào khi lỡ làm chuyện gì đó phật lòng người khác? Hay đơn giản là bạn muốn làm đẹp thêm các quan hệ xã hội, muốn khiến mọi người công nhận và ngày càng yêu quý bạn?

Đắc nhân tâm là một trong vài cuốn đầu tiên của dòng sách này xuất hiện ở Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1936 với 15 triệu bản bán ra, từng là sách bán chạy nhất trong 10 năm của New York Times.

Trong sách, Dale Carnegie đưa 9 nguyên tắc “chuẩn không cần chỉnh” (mà hầu như ai cũng biết nhưng ít ai làm được): Không chỉ trích, oán trách hay than phiền; Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác; Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm; Thật lòng quan tâm đến người khác; Hãy mỉm cười; Luôn nhớ rằng tên của người khác là một âm thâm êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ; Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ; Nói về điều người khác quan tâm; Thật lòng làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng.

Cuốn sách thu hút bởi những câu chuyện thành công nhờ ứng dụng các nguyên tắc trên. Xét về lý thuyết, đó là những nguyên tắc đúng đắn và thích hợp trong ứng xử với bên ngoài. Người biết ứng dụng chắc chắn sẽ thành công ở mức độ nào đó.

BẠN Ở ÐÂU?

Thế nhưng, rốt cuộc nếu bạn cứ mải mê theo đuổi và tập luyện những kỹ năng được dạy trong loại sách này - nghĩa là mải tìm cách “được lòng tha nhân”, thì rốt cuộc bạn ở đâu?

Con người sinh ra đã khác biệt, lớn lên được giáo dục trong những môi trường hoàn toàn khác biệt, nên chúng ta sẽ có nhiều quan điểm, thói quen, định kiến, tri kiến độc lập. Việc quá chăm chăm tập trung vào “tha nhân” có thể dẫn đến “tha hóa”, đánh mất bản thân nếu không có bản lĩnh và sự sâu sắc.

Ví dụ Nguyên tắc số 4: Thành thật quan tâm tới người khác. Bản thân chữ “thành thật” đã là cái bẫy tâm lý, vì con người bản chất vốn ích kỷ. Bảo họ thành thật quan tâm chính họ còn cực khó, huống chi quan tâm người khác. Chiêu này không cẩn thận lại luyện thói giả tạo cảm xúc, giả tạo yêu thương, giả tạo lịch thiệp và tử tế (mà vẫn nghĩ là mình tốt).

Chính trong chương này, tác giả Dale Carnegie cũng viết đại loại: “Con người ai cũng chỉ quan tâm tới bản thân mình, chính vì thế khi bạn quan tâm tới người khác, bạn sẽ thành công”. Thành công, lại là cái bẫy khác. Thành công là một định nghĩa có tính cá nhân, không thể bị áp đặt bởi một số hình mẫu phổ quát. Cái được coi là thành công với người này có thể lại là thất bại dưới mắt kẻ khác.

Quay lại câu hỏi bên trên, vậy thì bạn ở đâu trong hành trình mỗi ngày bận rộn để tìm cách “đắc nhân tâm”?

Đắc nhân tâm là cuốn sách rất hay, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao bạn phải “thay đổi” mình (cá tính, thời gian, sự độc lập tư duy, bản ngã…) chỉ để được lòng người khác? Có đáng hay không (trong từng trường hợp cụ thể)?

Tôi, một người đọc tương đối nhiều sách thuộc dòng “self-help”, cho rằng những câu hỏi này quan trọng không kém:

Bạn có không chỉ trích chính mình không?

Bạn có luôn khen ngợi và biết ơn chính mình không?

Bạn có dám làm điều bạn thực sự muốn làm không?

Bạn có thật lòng quan tâm đến bản thân không?

Bạn có luôn vui vẻ hài lòng với chính mình không?

Bạn có biết lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình không?

Bạn có cảm thấy mình đáng quý trọng không?

Phải chăng trước khi “được lòng người”, đầu tiên chúng ta nên trả lời câu hỏi: Ta làm gì để “được lòng” mình - để thấu hiểu và thành thật với chính mình; để can đảm làm điều mình muốn làm; để trân trọng và sống với giá trị thật của mình… trước đã?

Chỉ biết mình thì không nên, nhưng cần “đắc bản tâm” trước đã. Và bạn sẽ không bị câu hỏi về việc có đắc nhân tâm hay không làm phiền bạn nữa!

MỚI - NÓNG