Đặc khu, kiểm soát quyền lực thế nào?

Cảng An Thới - Phú Quốc - Kiên Giang sắp trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Cảng An Thới - Phú Quốc - Kiên Giang sắp trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
TP - “Đã nói đặc biệt là phải đột phá về cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Cho cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng vẫn có HĐND cấp tỉnh giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Ty nói.

Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu). Liên quan việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đặc khu (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong), ngoài hai phương án không lập và lập HĐND, UBND như trước đây, lần này dự thảo đưa ra phương án 3 theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án, trên cơ sở đó sẽ lập Hội đồng đặc khu và Ủy ban đặc khu.

Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn chọn phương án 1, theo mô hình Trưởng đặc khu, không có HĐND và UBND. “Đã nói đặc biệt là phải đột phá về cơ chế chính sách và tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Cho cơ chế thoáng, nhưng không phải muốn làm gì thì làm, không tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng vẫn có HĐND cấp tỉnh giám sát”, ông Tỵ nói và cho rằng, Trưởng đặc khu phải quyết định và chịu trách nhiệm, “nếu làm sai thì đi tù”.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cũng theo phương án 1. “Tôi tin chủ trương này đã có mấy chục năm, thế giới đã làm nhiều rồi. Đã làm thì đừng sợ, đã sợ thì đừng làm”, ông Việt nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề cần làm rõ là có vi hiến không, cũng như kiểm soát quyền lực thế nào?

Ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, người đứng đầu đặc khu rất quan trọng, nên phải có tổ chức đi cùng để đánh giá, giám sát. Đồng ý với phương án 3, nhưng theo ông Bình, Hội đồng đặc khu phải là những nhân sĩ trí thức để tư vấn chứ không phải kiểm soát đơn thuần như HĐND.

Trả lời câu hỏi quy định như dự thảo luật, không có HĐND, UBND có trái Hiến pháp không, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là không trái Hiến pháp, bởi đặc khu không phải cấp chính quyền”.

Không cần thời hạn sử dụng đất tới 99 năm?

Trước nhiều ý kiến về thời hạn sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như dự thảo nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu. Hơn nữa, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, điều quan trọng cần được quan tâm là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước? Điều cốt lõi nhất, 3 đặc khu này phải là động lực phát triển cho tỉnh đó, khu vực đó, kéo theo sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời phải tạo được nguồn thu cho ngân sách. Cùng với đó phải tạo điều kiện để có mô hình thí điểm quản lý hiệu quả nhất, phải giữ được quốc phòng, an ninh, không để các thế lực thông qua thủ đoạn kinh tế làm chúng ta mất chủ quyền quốc gia.

Về cơ chế đặc thù, ông Hiển tỏ ra băn khoăn về tư duy cũ: Cứ hơn mức bình thường thì cho là nổi trội. “Đó là tư duy 30 năm trước. Như đất đai ở 3 khu vực này có cần miễn giảm thuế đất thì mới thu hút được không? Đây là 3 khu đất vàng. Như Phú Quốc, bây giờ vào đã là khó. Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn bàn tay tinh tú nhất, giỏi nhất để đưa vào”, ông Hiển ví von, đồng thời nhấn mạnh, không cần thiết cho nhà đầu tư thuê đất tới 99 năm mà cứ theo luật 70 năm, “ông nào vào được thì vào”.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng thông tin, khi mới đang bàn về đặc khu mà giá đất ở Phú Quốc đã tăng lên cao ngất ngưởng. Ông đề nghị bộ trưởng phải giải trình xem, nếu ưu đãi cho nhà đầu tư thuê đất thì 100 năm sau chúng ta thu được cái gì? Điều này phải được thể hiện rõ để mọi người yên tâm.

Mỗi đặc khu có đặc thù riêng

Giải trình các ý kiến băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, dù Việt Nam đạt nhiều thành tựu kinh tế nhưng đang tụt hậu rất xa so với khu vực, thế giới, nếu không có đột phá sẽ lại đối mặt với nguy cơ tụt hậu tiếp. Ông Dũng cho rằng, thiết kế luật này là theo nhu cầu cuộc sống, của nhà đầu tư chứ không phải ta cho những gì ta có, cho cái người ta không cần, cái người ta cần lại không cho… như thế sức sống, thành công của luật không cao.

Lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận, cuối phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc này phải xin ý kiến Bộ Chính trị, thậm chí báo cáo cả Trung ương. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý 3 đặc khu có những đặc thù khác nhau. Như Phú Quốc chưa có đặc khu, nhà đầu tư đã phải xếp hàng xin dự án và làm ăn rất hiệu quả. Vì vậy phải lựa chọn chứ không phải tự nhiên vào được. Còn Vân Đồn và Bắc Vân Phong thì khác với Phú Quốc. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án luật phải xây dựng 3 chương riêng cho từng đặc khu chứ không áp dụng chung cho tất cả.

“Quan điểm của chúng tôi là không trái Hiến pháp, bởi đặc khu không phải cấp chính quyền”.

Bộ trưởng KH&ĐT

Nguyễn Chí Dũng nói về việc không có HĐND, UBND ở đặc khu

MỚI - NÓNG