Đà Nẵng: Trợ giúp trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ giáo dục tại cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
Hàng năm, Sở GD&ĐT lồng ghép công tác giáo dục học sinh khuyết tật vào Kế hoạch năm học, triển khai đến tất cả các Phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng: Trợ giúp trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ giáo dục tại cộng đồng ảnh 1

Trợ giúp trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ giáo dục tại cộng đồng

Theo thống kê toàn thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 310.000 trẻ em (chiếm tỷ lệ 25,9% dân số); trong đó, có hơn 3.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB), chiếm tỷ lệ 1,03% dân số trẻ em; và hơn 13.400 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong số TECHCĐB, nhóm nhiều nhất là trẻ em khuyết tật với gần 2.900 em (gồm 364 em khuyết tật đặc biệt nặng; 1.690 em khuyết tật nặng).

Thành lập một số Trung tâm tư nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật

Hàng năm, Sở GD&ĐT lồng ghép công tác giáo dục học sinh khuyết tật vào Kế hoạch năm học, triển khai đến tất cả các Phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn thành phố. Trẻ khuyết tật được hỗ trợ tiếp cận giáo dục thông qua 2 hình thức giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Hình thức học hòa nhập được áp dụng ở tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.

Thành phố hiện có 03 cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật học chuyên biệt: Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trường Chuyên biệt Tương Lai, trường Chuyên biệt Thanh Tâm (trong đó, Thanh Tâm là trường tư thục, có thu phí).

Hiện nay, tại 07 trường tiểu học của 7 quận, huyện có phòng hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật nhằm tăng cường hỗ trợ thêm cho công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Thành phố không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục chuyên biệt và hòa nhập. Chỉ đạo các trường tổ chức gặp gỡ cha mẹ học sinh khuyết tật để tìm hiểu về nhu cầu, đánh giá kĩ năng sống của học sinh để xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho các em.

Tổ chức các hình thức giáo dục hòa nhập tạo môi trường thuận lợi cho các em học sinh khuyết tật. Thực hiện hồ sơ theo dõi sự tiến bộ, đánh giá của từng học sinh khuyết tật, lưu giữ đầy đủ các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì của các em để các giáo viên tiếp theo có kế hoạch giáo dục phù hợp với từng trẻ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, một số Trung tâm tư nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật đã thành lập và tạo điều kiện cho các trẻ em khuyết tật được can thiệp, trợ giúp góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho KT.

Hiện nay, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Sở GD&ĐT thành phố thực hiện chức năng giáo dục chuyên biệt và hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

Đối với công tác giáo dục chuyên biệt, hiện trung tâm đang nuôi dạy hơn 230 trẻ khuyết tật với loại hình nội trú và bán trú, bao gồm tất cả các dạng tật: Khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, vận động, đa tật, trong đó có một số trẻ khiếm thị ở các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên; Trung tâm đã tiến hành các hoạt động giáo dục dạy văn hóa cho học sinh từ bậc mầm non đến tiểu học theo chương trình giáo dục theo quy định với hình thức dạy học theo lớp, nhóm lớn, nhóm nhỏ, giáo dục cá nhân; thực hiện Phục hồi chức năng, điều hòa cảm giác, hoạt động trị liệu; dạy kỹ năng sống độc lập cho học sinh và xây dựng chương trình chuyển tiếp để chuẩn bị cho trẻ hoà nhập có hiệu quả.

Đối với công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, vận động cán bộ quản lý và giáo viên các trường hòa nhập tạo điều kiện xã hội cần thiết cho việc học hoà nhập để họ sẵn sàng đón nhận học sinh khuyết tật vào học; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên hòa nhập (vì đội ngũ cán bộ giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật ở các trường hòa nhập đa số chưa được đào tạo một cách bài bản về sư phạm tật học); Thực hiện công tác can thiệp sớm cho trẻ tại trung tâm, gia đình và tại các trường hòa nhập về các nội dung như Trị liệu ngôn ngữ; Trị liệu hành vi; Điều hòa cảm giác, phát triển các giác quan; Trị liệu thông qua trò chơi; Phát triển kỹ năng học đường và Phục hồi chức năng; đặc biệt trị liệu thông qua âm nhạc là một trong những phương pháp được thực hiện rất thành công. Thực hiện công tác đánh giá trẻ khuyết tật để xác định đúng khả năng nhu cầu của trẻ để có kế hoạch giáo dục phù hợp.

Đối với trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, trước đây được sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập cũng đã từng hỗ trợ giao viên đến nhà tập luyện cho trẻ tại nhà và hướng dẫn các thành viên gia đình tham gia vào quá trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ tại nhà và đã đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, đến nay hoạt động đã tạm dừng do thiếu nguồn lực.

Ngoài ra, thành phố duy trì thực hiện mô hình chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố do UNICEF hỗ trợ. Đây là mô hình hay, thiết thực nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, dạy học cho trẻ em khuyết tật.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua thành phố cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ trẻ tiếp cận các dịch vụ BVCS&GDTE.

Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hỗ trợ chăm sóc, giáo dục cho trẻ em khuyết tật chưa bao phủ hết gia đình có trẻ khuyết tật do nhu cầu mưu sinh và cuộc sống gia đình. Do đó, nhiều gia đình vẫn còn xem nhẹ việc điều trị kịp thời cũng như hỗ trợ trẻ trong việc tiếp cận các dịch vụ cần thiết như y tế, giáo dục.

Các cơ sở y tế tuy có thực hiện phục hồi chức năng tuy nhiên trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ khuyết tật; ngoài ra, hoàn cảnh gia đình của trẻ khuyết tật khó khăn không có điều kiện đưa để tập luyện thường xuyên, dẫn đến hiệu quả tập luyện phục hồi chức năng không cao.

Hiện nay, cơ sở trị liệu cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố được thành lập có chiều hướng tăng, điều này cho thấy nhu cầu trị liệu cho trẻ khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng ngày càng tăng. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đáp ứng được nhu cầu của các gia đình có điều kiện kinh tế vì các trung tâm đều có thu phí dịch vụ. Đây cũng là một hạn chế đối với các gia đình trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Để tạo điều kiện cho mọi trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của chính phủ cũng như chính quyền địa phương, rất mong nhận được sự chung tay đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.