Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - gốc có vững cây mới bền-Bài 4:

Đà Nẵng tìm lại chính mình từ công tác cán bộ

TP - Bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, nhiệm kỳ trước Đảng bộ Đà Nẵng đã để xảy ra vấp váp, sai lầm và phải trả giá rất đắt, có thời điểm thành phố đầu tàu của khu vực miền Trung chững lại. Xác định xây dựng và chỉnh đốn Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, thời gian qua, Đà Nẵng đang đẩy mạnh công tác đào tạo để có đội ngũ cán bộ đủ tầm cho hiện tại và tương lai.
Để Đà Nẵng phát triển như khát vọng Cầu Rồng. Ảnh: Nguyễn Thành

Then chốt của then chốt

Trong số 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng khoá XXII đã đưa ra, nhiệm vụ đầu tiên thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng là “Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững”.

Cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, 9 tháng đầu năm 2021 về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố, các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Cụ thể đã bổ sung quy hoạch Ban Thường vụ Thành ủy cho 4 trường hợp; quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý 240 lượt; Bổ sung quy hoạch các chức danh chủ chốt thành phố 08 trường hợp; điều động, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử 90 trường hợp.

Ngày 28/10/2021, Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến để xây dựng cơ chế chính sách mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo

Đồng thời, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã điều chỉnh, sửa đổi các quy định về công tác cán bộ đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành của Trung ương, như: Ban hành Quy định số 1428 về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 1429 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Cho ý kiến sửa đổi, điều chỉnh Quy định số 05 về Bộ tiêu chí và quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ngoài ra, cũng đã thành lập ban soạn thảo Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo”,…

Cũng trong 9 tháng đầu năm, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 191 tổ chức đảng với 982 đảng viên; giám sát đối với 76 tổ chức đảng và 43 đảng viên; cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật 130 đảng viên vi phạm (tăng 62,5%).

“Phải coi việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức cán bộ từ các chương trình đào tạo chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là đào tạo, bồi dưỡng từ năng lực tổ chức thực hiện, kỹ năng xử lý tình huống, từ các vấn đề nóng của thành phố hiện nay. Cùng với đánh giá năng lực thực tiễn một cách công khai sẽ sàng lọc được những cán bộ đủ tư cách, năng lực, trình độ cho bộ máy cán bộ trong thời gian tới”. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí

Nâng tầm nhìn trong công tác đào tạo cán bộ

Mới đây nhất, ngày 28/10/2021, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về một số cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài công tác trong lĩnh vực công của thành phố đến năm 2030. Đây là một đề án cụ thể hóa công tác cán bộ theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, thẳng thắn nêu: Hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ của thành phố chưa mạnh, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực mũi nhọn.

Trong khi đó, công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra sự đột phá mới trong chất lượng công tác cán bộ... Một trong những nguyên nhân là do công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay chưa gắn liền với công tác quy hoạch cán bộ nên việc đào tạo bồi dưỡng thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Xuất phát từ thực tiễn và các định hướng chính trị của thành phố, việc xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, lãnh đạo và thu hút trọng dụng người tài trong khu vực công để phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo của thành phố trong giai đoạn mới là rất cần thiết. Trong đó, mục tiêu đến đến hết năm 2021 là 100% cán bộ, lãnh đạo quản lý đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh theo quy định; Năm 2022, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo trước khi được bổ nhiệm; hết năm 2023 cơ bản thể chế hoá các cơ chế, chính sách và đến năm 2030 có từ 15-20% cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố dưới 40 tuổi, từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án, ông Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng, công tác đào tạo cán bộ và thu hút người tài là vấn đề lớn.

Tuy nhiên, vấn đề này “nói rất hay nhưng làm không đạt như mong muốn” trong đó do việc không chuyên tâm, làm không đến nơi đến chốn. Ngoài ra, cơ chế chính sách hiện nay không đồng bộ nhất quán, không có khung pháp lý nên địa phương triển khai rất khó.

Theo ông Trí, việc đào tạo bồi dưỡng nếu làm tốt sẽ quyết định cấp độ, chất lượng phát triển của thành phố trong cuộc “chạy đua” để thành một trung tâm lớn trong nước và khu vực như Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra với Đà Nẵng. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 nhân lực chất lượng cao đang rất cần và tinh hoa nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ chính là cán bộ, lãnh đạo, quản lý sẽ giúp thành phố Đà Nẵng tiếp tục vượt lên.

Tuy nhiên việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đưa ra đang thiên về đào tạo kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu chức danh, ngạch bậc của cán bộ. Cơ chế chính sách nêu ra chưa thực sự đúng mức, đúng tầm, chưa có những loại hình đào tạo kỹ năng thực tiễn, xử lý tình huống. Chưa đề xuất được cơ chế đánh giá cán bộ trưởng thành qua rèn luyện. Chính sách phải làm sao để người không được đào tạo bài bản chính quy nhưng qua thực tiễn họ có sáng kiến, tư duy đổi mới, hiệu quả công việc rõ ràng vẫn được đơn vị công nhận, được đánh giá, được tuyển chọn vào hệ thống công quyền, không để bị bỏ rơi.

Việc đào tạo bồi dưỡng để đầy đủ về kiến thức nhưng chưa đủ về năng lực thực tiễn, theo ông Trí là xu hướng lệch lạc trong đào tạo cán bộ trước đây. Nên mới có việc, mặc dù người giỏi nhưng thiếu bằng cấp không được công nhận, trong khi đủ bằng cấp làm chưa tốt chưa hiệu quả nhưng được đề bạt, bổ nhiệm. Cho nên có tình trạng bộ máy cán bộ chật đầy, đưa người trẻ, người mới vào rất khó.

“Cán bộ có nhiều người đi học rất nhiều, giỏi về lý thuyết nhưng làm không ra gì. Tuy nhiên có người, lý thuyết không nhiều nhưng làm rất giỏi. Nhiều người trưởng thành từ thực tiễn cần mở cửa để họ gia nhập vào hệ thống công quyền. Cơ chế chính sách chú trọng trong hệ thống, đề bạt bổ nhiệm người trong hệ thống còn bỏ sót những người trưởng thành từ thực tiễn”, ông Trí cho biết.

Ông Trí đề xuất lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không nên “đóng khung” cơ chế, chính sách đào tạo cán bộ đến năm 2030 mà cần mở ra tầm nhìn 2035. Bởi nhiệm kỳ hiện nay, đến năm 2025 đã cơ bản ổn định, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý đã ngồi vào các vị trí. Chính sách sẽ phải chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2025-2030 và ít nhất 1/3 trong số cán bộ được đào tạo bồi dưỡng cho giai đoạn sau 2030. Nghĩa là phải có tính kế thừa.