Ngập cục bộ lớn chưa từng thấy
Trong đêm, mưa lớn khiến nước ở các tuyến phố Đà Nẵng như Trưng Nữ Vương, Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng... nhanh chóng dâng cao. Rạng sáng, nhà nhà bật đèn pin, đèn điện sáng trưng để kê cao đồ đạc, xe cộ hoặc dời vật dụng lên tầng 2. Người dân nháo nhác dọn dẹp vì nước lên, tấn công bất ngờ.
Mưa càng lúc càng lớn khiến nhiều nhà nhanh chóng ngập sâu cả mét. Rạng sáng, nước ngập lênh láng khắp các con phố, ngõ hẻm, hàng loạt ô tô, xe máy ngâm nước bị chết máy, nằm la liệt dọc các tuyến đường. Mưa lớn cùng ngập lụt cục bộ ở mức từ 0,3m đến hơn 0,6m khiến giao thông tê liệt trên khắp các tuyến đường.
Mệt mỏi nhìn căn phòng ngổn ngang đồ đạc ngâm trong nước, anh Nguyễn Chung (30 tuổi, trú kiệt 640 Trưng Nữ Vương) rầu rĩ: “Lúc 3g sáng, nghe mưa to quá nên tôi tỉnh giấc, bước xuống giường thì nước đã vào phòng hơn 10cm. Cả nhà thức từ đó tới giờ để dọn dẹp. Nhưng nhiều đồ đạc phải vứt đi vì “cứu” không kịp”. Nhìn nước lênh láng khắp phố, bà Hà Thị Hoa (60 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, chưa bao giờ mưa lớn mà Đà Nẵng lại ngập sâu như bây giờ. “Tui sống mấy chục năm ni, chỉ có lũ lịch sử mới khiến Đà Nẵng ngập lụt. Chứ chưa khi mô thấy mưa lớn, sau chỉ một đêm, mà Đà Nẵng đã thành sông như ri”, bà Hoa cảm thán.
Nước ngập trên diện rộng nhanh chóng “bủa vây” các con đường lớn quanh khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, nhiều chuyến bay bị trì hoãn do mưa lớn. Các tuyến đường sắt qua thành phố Đà Nẵng cũng tạm thời tê liệt do bị ngập. Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, đến 13g ngày 9/12, các chuyến tàu SE21, SE10, SE19, SE3... chưa có kế hoạch về Ga Đà Nẵng. Các tuyến phố trung tâm bị nước chia cắt, các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Đoạn đường Tôn Đức Thắng ở nút giao thông Cầu vượt Ngã ba Huế (quận Liên Chiểu) đang sửa chữa bị ngập nặng, lực lượng chức năng phải cấm đường. Hầm chui Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê) bị ngập nước và đóng hầm không cho phương tiện lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang, cho biết tại các xã vùng trũng của huyện Hòa Vang, mưa lớn đang gây ngập cục bộ các thôn xóm, một số vùng trồng hoa màu vụ đông bị ngập úng, hư hỏng nặng. Tuyến Quốc lộ 14B, đoạn qua địa bàn phường Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ngập sâu. Tại nhiều vị trí, nắp cống thoát nước bị cuốn trôi, gây nguy hiểm cho các phương tiện.
Trước tình hình mưa ngập nghiêm trọng trên toàn thành phố, ngay trong sáng 9/12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng đoàn cán bộ các Sở, ngành đã đi kiểm tra toàn bộ các điểm ngập úng trên địa bàn. Tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các lực lượng chức năng phải huy động nhân công, máy móc thiết bị... khơi thông cống rãnh, tìm mọi cách thoát nước nhanh nhất để giảm ngập trong trung tâm thành phố. “Phải chỉ đạo công nhân nổ máy, khơi thông cống, tìm cách thoát nước nhanh vì mưa dự kiến còn kéo dài. Phải đảm bảo nước không bị ứ đọng do nguyên nhân chủ quan”, ông Thơ nhấn mạnh.
Đối với những điểm ngập nặng, Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu các ngành chức năng cơ sở trước mắt huy động tất cả các lực lượng nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giúp đỡ người dân. Vì mưa còn kéo dài, nên ông Thơ yêu cầu lực lượng tại chỗ cần bám sát, không để một người dân nào bị cô lập do ngập úng. Đặc biệt, tại những vùng thấp trũng, nguy cơ ngập lụt cao như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu..., ông Thơ yêu cầu tập trung cho các phương án phòng chống, ứng cứu, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ...
Cũng theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP, lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các quận, huyện... đã tăng cường “cắm chốt” những điểm ngập úng để hướng dẫn không cho người dân đi qua, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Theo Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng, tình hình mưa ngập vẫn diễn biến phức tạp nên lực lượng CSGT vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến, chốt ngập nước và phức tạp về giao thông; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, cứu hộ phương tiện giao thông và người dân. Lực lượng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn cũng đã triển khai đến các vùng bị ngập sâu để hỗ trợ những hộ dân bị mắc kẹt trong nước dữ.
Chiều 9/12, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo cho học sinh trường THPT Nguyễn Hiền và Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) được nghỉ học hôm nay (10/12) để đảm bảo an toàn vì các trường này đã ngập sâu đến 1,5m. “Sở cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, nếu ngày mai, trường nào xảy ra tình trạng ngập lụt thì Ban giám hiệu chủ động cho học sinh nghỉ học, sau đó báo cáo lại với Phòng và Sở GD&ĐT để nắm tình hình. Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết để liên tục chỉ đạo, đảm bảo an toàn cho học sinh trong mưa lũ”, ông Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết. Ngoài ra, ông Vĩnh cũng đề nghị những phụ huynh ở khu vực ngập sâu nguy hiểm có thể chủ động cho con nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Mưa lũ miền Trung: 2 người chết, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ
Chiều 9/12, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, mưa lũ lớn ở Bắc Trung bộ làm 2 người chết (Quảng Trị), gần 1.000 căn nhà bị ngập, 1.500 ha lúa và hoa màu bị hư hại, gần 250 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất mát… trong đó nặng nhất là Nghệ An.
Ngoài ra, mưa lớn còn gây ngập úng, ngập sâu nhiều tuyến đường các huyện, thị, hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định gây ách tắc giao thông. Mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3-5m.
Ban chỉ đạo T.Ư lưu ý các địa phương đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du. (Nam Khánh)