Đà Nẵng “phản pháo” nghi vấn bảo kê phá rừng Bà Nà - Núi Chúa

TP - Trước những nhận định của các ngành chức năng Quảng Nam về trách nhiệm của cán bộ bảo vệ rừng trạm Cà Nhông cùng kiểm lâm Đà Nẵng trong vụ nghi vấn bảo kê phá rừng Bà Nà - Núi Chúa, thuộc lâm phận 2 tỉnh, Đà Nẵng cho rằng, nhận định thiếu căn cứ.

Hàng chục khối gỗ tang vật được đưa ra khỏi rừng

Hôm qua (24/10), ông Phạm Ngọc Sự - Trưởng BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay, ông rất bất ngờ và ngạc nhiên trước những nhận định của các ngành chức năng, cho rằng các cán bộ BQL cùng kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa bảo kê cho lâm tặc.

“Tạm thời bây giờ, mọi trách nhiệm để xảy ra vụ việc vừa rồi tôi gánh chịu hết. Vì tôi là trưởng ban, tôi phải nhận trách nhiệm với cấp trên. Thứ Hai tới, tại buổi họp với UBND thành phố, tôi sẽ báo cáo chi tiết, rõ ràng vụ việc” - ông Sự khẳng định.

Theo ông Sự, ngay từ vụ việc ban đầu, chính BQL và Hạt kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa mới là người phát hiện ra 14,3m3 gỗ kiền kiền, gõ giấu cách trạm Cà Nhông hơn 1km. Sau đó, tổ chức truy quét thêm, cùng lực lượng Đà Nẵng phát hiện thêm 4 điểm ở lâm phận Đà Nẵng và 5 điểm ở lâm phận Quảng Nam. Kết quả phát hiện thêm hơn 20m3 gỗ kiền kiền, gõ. Vụ việc này quá nghiêm trọng nên chúng tôi nghĩ tất cả phát ngôn cần phải cẩn trọng”, ông Sự nói.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng Trần Văn Lương cho hay, ông đang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa nhanh chóng hoàn tất kiểm điểm, giải trình để báo cáo lãnh đạo thành phố.

“Không có trạm Cà Nhông, rừng đặc dụng mất từ lâu”

Hôm qua, làm việc với Tiền Phong, ông Trần Viết Phương - Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho đây là sự việc là cực kỳ nghiêm trọng trên địa bàn Đà Nẵng, gần như là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay, vì thế, không nên vội võ đoán bảo kê hay không. “Hiện công an đang điều tra theo hướng này. Vì thế sẽ sớm có kết luận, ai, tổ chức nào bảo kê?”.

Theo ông Phương, trước khi về công tác ở Sở NN&PTNT, ông từng có hơn 20 năm là trưởng BQL nông trường Sông Nam - Sông Bắc (tiền thân của BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) nên hiểu rõ tầm quan trọng của trạm Cà Nhông.

“Trạm này có từ 1988, tức thời Đà Nẵng và Quảng Nam chưa chia tách và đó là tấm bình phong giữ rừng Bà Nà - Núi Chúa. Mấy năm qua, không có trạm này thì rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trong khu đặc dụng này rơi vào tay lâm tặc từ lâu. Thực tế đời sống trạm Cà Nhông rất khắc khổ, điều lên đó cứ như đi đày. Vì thế, nói bảo kê khi chưa có bằng chứng là tội cho anh em”.

Ông Trần Viết Phương cho rằng, hàng chục khối gỗ được phát hiện ở cả 2 lâm phận Quảng Nam và Đà Nẵng. Trên thực tế, rừng ở Đông Giang gần như không còn gì. Vì thế, trách nhiệm của phía Quảng Nam, đặc biệt kiểm lâm Đông Giang và BQL rừng Sông Kôn không hề nhỏ.