Đà Nẵng: Người yếu thế cần trân trọng hơn là 'sự ban ơn vô cảm'

Sau 20 năm thực hiện Chương trình “5 không”, 15 năm thực hiện “3 có” Đà Nẵng đã xây dựng được những thương hiệu
Sau 20 năm thực hiện Chương trình “5 không”, 15 năm thực hiện “3 có” Đà Nẵng đã xây dựng được những thương hiệu
TP - Ngày 25/9, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” gắn thực hiện chỉ thị số 43 về văn hoá, văn minh đô thị. 

Thương hiệu và thách thức sau đại dịch COVID-19

Năm 2000, Đà Nẵng ban hành quyết định một chủ trương đột phá để tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, đó là Chương trình thành phố “5 không” (Không có hộ đói; Không có mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy; Không có giết người cướp của). Đến năm 2005, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc quy hoạch, thu hút đầu tư sôi động, cũng như hướng đến xây dựng con người Đà Nẵng đáp ứng với nhu cầu phát triển, Đà Nẵng ban hành tiếp Chương trình thành phố “3 có” (Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị).

Năm 2016, trước những vấn đề nóng bỏng về tình hình tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, băng nhóm xã hội đen, tội phạm sử dụng, buôn bán ma túy gây mất an ninh trật tự, Đà Nẵng quyết định ban hành Chương trình “4 an”: An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội.

Sau 20 năm, Chương trình thành phố “5 không”  của Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và trở thành thương hiệu của thành phố trong thời gian dài. Trong đó, mục tiêu “Không có hộ đói” sau 2 năm tập trung nguồn lực đã xóa hết 850 hộ đói. Từ năm (2002-2009) 2 lần nâng mức chuẩn nghèo, Đà Nẵng không còn hộ đói theo tiêu chí chuẩn quốc gia. Năm 2009, chuyển sang thực hiện mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo”, Đà Nẵng chọn ra gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng các chính sách đặc thù riêng hỗ trợ, đến nay mục tiêu này đã cơ bản hoàn thành không còn hộ nghèo đặc biệt của từng giai đoạn. Năm 2009, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu “không có người mù chữ” và chuyển sang mục tiêu “Không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế”.  Mục tiêu, “Không có người lang thang xin ăn” được duy trì và trở thành thương hiệu, 100% người lang thang xin ăn được phát hiện và xử lý kịp thời…

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch rất khó khăn, sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan như gia tăng tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo; phát sinh các tệ nạn xã hội... Trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu việc làm sẽ gay gắt hơn dưới tác động của quá trình chuyển đổi nền kinh tế số. Để giải quyết các vấn đề xã hội đòi hỏi các cấp chính quyền thành phố nghiên cứu lựa chọn mục tiêu, định hướng chương trình để tập trung thực hiện cho phù hợp.

Trong thời gian tới Đà Nẵng tiếp tục duy trì các mục tiêu chương trình hiện có, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung, mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể về Chương trình “5 không” sẽ bổ sung thêm nội dung mục tiêu “Không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường, bị đuối nước”. Mục tiêu "Không có giết người để cướp của" bổ sung thêm nội dung "Không có băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”. Chương trình “4 an”, an sinh xã hội bổ sung thêm nội dung "Không xảy ra điểm nóng về môi trường”. Về Chương trình “3 có”, Đà Nẵng sẽ giữ nguyên mục tiêu.

Người yếu thế cần trân trọng hơn “sự ban ơn vô cảm”

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, chia sẻ, thành công của Chương trình “5 không”, “3 có” là thành công của việc tổ chức thực tiễn để đưa chủ trương vào cuộc sống, biến ý tưởng thành nội dung và giải pháp, biến sự nhất trí cao của hệ thống chính trị thành sự đồng thuận rộng rãi của xã hội. Ngoài tạo ra thương hiệu, còn góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc đương thời, tạo tiền đề để giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, cơ bản lâu dài.

Theo ông Long, cả 3 chương trình hiện nay của Đà Nẵng vì nhiều lý do khi thực hiện người yếu thế vẫn gặp phải khó khăn và thiệt thòi. Nói về quyền bình đẳng cho những yếu thế trên địa bàn, ông Long cho rằng: Những quyền cơ bản vẫn là ước mơ với nhiều người do hoàn cảnh đặc thù của bản thân và còn đó sự thờ ơ của một bộ phận xã hội.

“Đừng từ ngoài nhìn vào, đừng từ trên nhìn xuống với họ mà hãy sống trong hoàn cảnh khó khăn triền miên và những cơn đau đớn dai dẳng cả đời của họ mới hiểu họ cần gì và nên giúp đỡ như thế nào. Chính sự cảm thông, chia sẻ đó những hành động hỗ trợ mới có ý nghĩa. Họ cần sự cảm thông, trân trọng hơn là sự ban ơn vô cảm”, ông Long nói

Đà Nẵng: Người yếu thế cần trân trọng hơn là 'sự ban ơn vô cảm' ảnh 1 Người yếu thế trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn nhất là trong đại dịch COVID-19 Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Bộ chính trị và Ban Bí thư đã làm việc và đánh giá rất cao kết quả thực hiện các chương trình an sinh của Đà Nẵng. Sự đồng lòng chung sức của người dân qua đợt dịch vừa qua là một minh chứng và trở thành bài học về sự chung sức đồng lòng của người dân. Do đó, cần nhất quán quan điểm và kiên định mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu. 

MỚI - NÓNG