Đà Nẵng: Hơn 5.500 tỷ đồng phát triển cảng Liên Chiểu

TPO - Ngày 16/2, UBND TP Đà Nẵng cho biết: Cty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) vừa báo cáo kết quả cuối cùng của nghiên cứu tiền khả thi Dự án phát triển cảng Liên Chiểu với lãnh đạo thành phố. Dự án này do JPC và METI phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Tại buổi báo cáo kết quả, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết: dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, cùng với Dự án Di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng là 2 dự án trọng điểm có vai trò quyết định đối với sự phát triển chung của Đà Nẵng trong tương lai và khu vực phía Tây và Tây Bắc nói riêng. 

Thành phố Đà Nẵng có chủ trương phát triển công suất hàng hóa tối đa thông qua cảng Tiên Sa chỉ dừng ở mức 10 triệu tấn/năm vì nếu vượt ngưỡng đó thì hạ tầng giao thông của thành phố sẽ không đáp ứng nổi, gây ảnh hưởng đến sự phát triển giao thông của khu vực nội thị cũng như sự phát triển du lịch bền vững của thành phố. 

Chính vì vậy, thành phố phải gấp rút đầu tư và đến năm 2022 phải có cảng Liên Chiểu để có thể tiếp nhận lượng hàng hóa gia tăng từ cảng Tiên Sa, và sau năm 2022 trên tuyến đường Ngô Quyền sẽ không còn tình trạng xe tải/xe container nối đuôi nhau ra vào cảng mới có thể đảm bảo môi trường du lịch của thành phố.

Lượng hàng qua cảng Tiên Sa khi đạt được 10 triệu tấn sẽ giảm dần và về lâu dài, hàng hóa sẽ được chuyển dần sang cảng Liên Chiểu để Tiên Sa có thể được cải tạo và chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.

UBND TP Đà Nẵng cũng cho hay, về quan điểm, thành phố ủng hộ phương án 2a do JPC trình bày tại buổi báo cáo. Phương án này có nhiều điểm tương đồng với phương án do Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TediPort - thuộc Bộ GTVT) đề xuất và cũng là phương án nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan. 

Theo đó, giai đoạn 1, bao gồm xây 1 bến hàng tổng hợp và 1 bến container, sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Về phân chia chức năng, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn. Về nguồn lực đầu tư, dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

 Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA do Chính phủ Việt Nam đứng ra vay, thành phố Đà Nẵng sẽ vay lại. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng đề nghị JPC ghi nhận các ý kiến đề xuất của thành phố và tổng hợp đưa vào báo cáo cuối cùng của Nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu. UBND thành phố Đà Nẵng sẽ có báo cáo, đề xuất chính thức đối với Chính phủ, Bộ GTVT cũng như JICA, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam liên quan đến việc triển khai dự án này.

Được biết tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án 2a của JPC đề xuất là 5.581 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước đầu tư 2.792 tỷ đồng và tư nhân đầu tư 2.788 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án do TediPort đề xuất có tổng mức đầu tư là 7.913 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước đầu tư 3.983 tỷ đồng và tư nhân đầu tư 3.930 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.