Đà Nẵng: Dân đổ xô lên núi săn rùa lạ bán hàng trăm triệu đồng

Đà Nẵng: Dân đổ xô lên núi săn rùa lạ bán hàng trăm triệu đồng
Những ngày qua, bất kể nắng mưa, đêm ngày, hàng trăm hộ dân xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng nườm nượp kéo nhau lên núi săn rùa lạ. 

Rùa “lạ” đắt hơn vàng


Lời đồn về một giống rùa “lạ” bò lên cạn với màu sắc và hoa văn rõ ràng, đẹp đẽ được dư luận chú ý. Hơn nữa giá thành lên đến hàng chục triệu khiến không ít người tin vào sự xuất hiện hàng loạt của một giống rùa mới. Nhằm rộng đường dư luận cũng như đưa đến cái nhìn chính xác nhất về vấn đề này, PV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thông tin.

Sáng 25/1, con đường dẫn vào thôn Hòa Phát, xã Hòa Vang (nơi người dân săn rùa) tấp nập người như một phiên chợ sớm. Theo chân nhóm thanh niên săn rùa, PV vượt qua những quãng đựờng đèo dốc quanh co, lởm chởm đá sắc lẻm để tiến sát vào khu vực Hố Cau, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (thuộc tiểu khu 52), nơi có hàng trăm người đi săn rùa trong nhiều ngày qua. Theo đó, rất dễ dàng để nhận ra những người dân tay xách nách mang đi săn rùa, mỗi người trang bị cho mình một bao vải nhỏ buộc bên hông cùng rựa, dao, găng taỵ, gậy gỗ.

Tại hiện trường, khu vực Hố Cau, có hàng chục người dân đi săn rùa. Mỗi người mỗi việc và dường như không ai quan tâm đến chuyện xung quanh. Với dao rựa, tất cả mọi bụi rậm đều được phát qụang, gậy gộc chọc liên hồi vào từng gốc cây kẽ đá để tìm rùa. Ở khu vực dưới lòng nước Hố Cau, nhiều phụ nữ men theo hai bên bờ hố để tìm rùa.

Được biết, sự việc bắt đầu từ ngày 22/1 vừa qua, khi một số hộ dân trong thôn Hòa Phát đi rừng về ngang qua Hố Cau thì phát hiện một con rùa lớn bò lên cạn. Sau khi bắt với ý định làm thịt thì có một số người khác hỏi mua với giá cao ngất ngưởng. Việc một người trong thôn bán được rùa với giá cao lan nhanh đến toàn thôn, khắp xã đến nỗi người dân còn đổi tên cho Hố Cau thành Hố Rùa.

Đến chiều 23, 24/1, có hàng trăm người đổ xô đi săn rùa. Cùng với đó giá rùa tăng vọt theo, từ gần 3 triệu đồng mỗi ký lên đến 30 triệu đồng mỗi ký. Qua một tìm hiểu của PV, trong mấy ngày đó, số lượng rùa bị người dân bắt là rất lớn, tính theo cân nặng là khoảng 40 - 50kg rùa, chưa kể nhiều người bán chui nên người dân và chính quyền chưa nắm được. Theo thời giá liên tục tăng vọt mà các đầu nậu buôn rùa đưa ra, tổng số lượng rùa bị bán đi trị giá gần 200 triệu đồng.

Ghi nhận của PV, khu vực này ngoài hồ nước rộng và dài, nơi phát hiện nhiều rùa nhất thì phía trên là khe suối, hai bên là đồi núi cao với nhiều bụi rậm. Theo một số người dân, số lượng người trúng rùa ở xã Hòa Phú là nhiều vô kể, có người trúng nhiều lần như có bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Hòa Phát) bắt được 1 con rùa nặng 2,7kg, anh Lê Tấn Hoạch trúng rùa nhiều con bán hơn 40 triệu đồng.

Vì đâu rùa xuất hiện hàng loạt?

Có mặt cùng PV tại khu vực săn bắt rùa Hố Cau, một số cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm Hòa Vang đang tích cực vận động người dân về nhà. Một kiểm lâm viên nhận định: “Trước kia khu vực này cũng xuất hiên rùa nhiều nhưng đây là lần đầu xuất hiện với số lượng lớn như vậy. Đây không phải là rùa vàng, rùa “lạ” như lời đồn đại mà là giống rùa vốn có xưa nay, nhưng cũng là một trong những giống rùa hiếm còn lại ở khu vực rừng Bà Nà - Núi Chúa có tên là rùa Trung bộ hay còn gọi là rùa đồng”.

Kiểm lâm viên này cho biết thêm: “Trước kia mỗi ký rùa có giá chưa đến 200.000 đồng nên khi thấy rùa người dân cũng ít bắt. Nhưng hiện tại, không hiểu vì sao giá trị lại tăng vài chục lần như vậy. Chỉ trong vòng vài ngày từ hơn 2 triệu đồng một ký thì bây giờ đã lên đến hàng chục triệu đồng. Chính sự tăng vọt khó hiểu về giá rùa từ các đầu nậu, thương lái đã khiến người dân vào rừng săn rùa, bất chấp mọi nỗ lực vận động của chính quyền cũng như loài rùa hiếm sắp tuyệt chủng”.

Một điều nữa dẫn đến sự xuất hiện hàng loạt rùa như vậy theo nhận định của cán bộ kiểm lâm là xuất phát từ việc môi trường sống bị ô nhiễm. Hố Cau, tức đầm lầy nơi rùa cư trú là một hố nước nông với nhiều bèo, bùn đất lầy lội. Hơn thế khu vực này còn là nơi thoát chất thải từ một trang trại nuôi heo gần đó. Ghi nhận của PV, nước trong hố xỉn màu, tanh và đặc biêt mùi phân từ nước thải trang trại heo nồng nặc. Theo một số người, có thể chính từ việc nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề trên khiến rùa bò lên cạn, lên núi.

Tại hiện trường cuộc săn rùa, không chỉ người dân đổ xô lên núi tìm rùa mà còn rất đông cán bộ chính quyền thôn, xã Hòa Phú. Được biết, sau khi nhận được thông tin trên, xã Hòa Phú cắt cử người phối hợp công an xã liên tục duy trì trật tự và vận động bà con đi về nhà. Tại đây, lượng lực chức năng xã Hòa Phú cũng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vê giống rùa Trung bộ này theo chỉ dẫn của cán bộ kiểm lâm, để tránh người dân thêu dệt thêm chuyện rùa “lạ” mới xuất hiện sẽ kéo thêm nhiều người tới săn rùa.

Bên cạnh việc hàng trăm người háo hức lên núi săn rùa thì nhiều người dân tỏ ra khá lo lắng. Họ nhà những hộ gia đình đang có rừng keo xanh tốt ở Hố Cau. Anh Lê  Hữu Nghị (34 tuổi, ngụ xã Hòa Phú) tâm sự: “Họ đi săn rùa còn mình đi giữ rừng. Bà con kéo về vườn cây của mình đông quá, sợ họ sẽ giẫm nát cây”

Việc rùa xuất hiện đột ngột với số lượng lớn như vậy đặt ra nhiều câu hỏi về môi trường. Hơn thế, việc thương lái thu mua lại giá rùa đột biến hàng triệu đồng cũng đặt ra một dấu hỏi lớn. Theo nhiều chuyên gia phải chăng có âm mưu đằng sau những vấn đề đó. Đa phần đều do thương lái Trung Quốc thu mua là chính. Nhiều thợ săn rùa lâu năm cho hay: “Phần lớn người ta mua rùa để làm cảnh trong nhà. Nhưng việc bỏ ra một số tiền khủng như vậy để mua thì chưa ai giải thích được”.

Theo ghi nhận của PV, việc quản lý trình trạng săn bắt rùa cũng khó khăn, vì rùa là loài nhỏ bé có thể cất giấu nhiều nơi

Do số cá thể rùa này còn rất ít ngoài tự nhiên nên rùa Trung bô được đưa vào danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán trao đổi hay tiêu thụ mà không được phép của Chính phủ. Đồng thời, rùa Trung bộ cũng đã được ghi trong danh mục II, Công ước quốc tế về cấm buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Truy tìm đầu nậu buôn bán rùa

Sáng 26/1, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xá Hòa Phú, cho biết: “Sau khi nhận được tin người dân đổ xô đi săn bắt rùa, chính quyền đã nhanh chóng vào cuộc. Những ngày qua, chúng tôi luôn cắt cử người túc trực ở Hố Cau để đảm bảo an ninh. Một mặt, chúng tôi phối hợp với công an xã, kiểm lâm và các trưởng thôn vận động bà con về nhà, mặt khác, báo cáo lên cấp trên cũng như truy lùng đầu nậu thu mua rùa trên”.

Post by Báo Tiền Phong.


Theo Theo Công lý & Xã hội
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.