Đà Nẵng: Bí nơi neo đậu tàu cá vì vướng dự án

Đà Nẵng: Bí nơi neo đậu tàu cá vì vướng dự án
TP - Thành phố Đà Nẵng đang có kế hoạch di dời tàu cá neo đậu trên sông Hàn để xóa đi hình ảnh nhếch nhác và nhường chỗ cho du thuyền. Các đơn vị chức năng đã đưa ra nhiều phương án lựa chọn làm bến đậu. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chính quyền thành phố vẫn bế tắc, không tìm ra được vị trí thích hợp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện nay trên sông Hàn vẫn còn gần 200 chiếc tàu cá đang neo đậu ở ba khu vực thuộc các phường An Hải Tây, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) và phường Thuận Phước (quận Hải Châu). Những ngày gió bão, Tết Nguyên đán số tàu cá neo đậu trên sông Hàn nhiều hơn do có cả tàu ngoại tỉnh. Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Việc quy hoạch xây dựng địa điểm neo đậu tàu cá là rất cần thiết, ngoài mục đích di dời tàu cá đậu nhếch nhác trên sông Hàn để đảm bảo mỹ quan đô thị, nhường chỗ cho du thuyền thì đây cũng là nơi neo đậu cho các tàu vỏ thép có công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67”.

Tại cuộc họp bàn về phương án neo đậu tàu cá với lãnh đạo UBND thành phố sáng 6/11, Sở đề xuất 3 vị trí làm bến đậu tại vịnh Mân Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), song hết 2 phương án vướng phải quy hoạch. Cụ thể, phương án thứ nhất được đưa ra là khu vực mặt nước phía đông của âu nước cồn Mân Quang có diện tích khoảng 8ha, dùng phương pháp neo tàu bằng cọc bích, bố trí các cụm tàu neo đậu theo bờ mặt nước. Địa điểm lựa chọn này “đụng” vào dự án Khu đô thị cồn Mân Quang (của Cty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Nam Việt Á). Phương án thứ hai chọn vị trí tại âu nước cồn Mân Quang có diện tích mặt nước lên tới 40ha, neo đậu bằng cọc bích trên bờ, bố trí các cụm tàu neo đậu dọc theo bờ của khu vực mặt nước cũng vướng phải khu đất được thành phố quy hoạch Khu đô thị đảo Trân Châu (của Cty CP Đầu tư và Đô thị vịnh Thuận Phước) và Khu đô thị cồn Mân Quang. Phương án cuối cùng được đề xuất là khu vực mặt nước nằm giữa âu nước cồn Mân Quang có diện tích khoảng 15 ha với phương pháp neo đậu bằng phao bù, mỗi phao bù neo đậu 6 tàu thành 1 cụm. Song phương án này cũng bị phản đối do chiếm diện tích quá lớn, tốn quá nhiều kinh phí đầu tư và chi phí bảo dưỡng.

Tại cuộc họp này, có rất nhiều đề xuất thu hồi dự án đối với khu đất đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư để xây dựng khu neo đậu tàu cá. Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, hiện nay trên địa bàn rất khó tìm ra khu đất nào làm bến đậu mới cho tàu thuyền tốt hơn ở vịnh Mân Quang. Tuy nhiên, việc thu hồi đất của doanh nghiệp là rất khó. Nguyên nhân là do nhà đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, thành phố cũng đã cấp sổ đỏ cho họ nên muốn thu hồi phải đền bù và thông báo trước 24 tháng theo Luật Đất đai.

Ông Viết yêu cầu Sở NN&PTNT phải xây dựng phương án neo đậu tạm thời từ nay đến năm 2020, cải tạo, nạo vét lại âu thuyền Thọ Quang để tăng sức chứa và giảm thiểu ô nhiễm.

MỚI - NÓNG