Đà Nẵng: 12 mỏ đất đá 'hành' một thôn

Đoàn xe chở đất đá ra vào mỏ cày nát đường thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), để lại nham nhở ổ gà, ổ trâu. Ảnh: Thanh Trần
Đoàn xe chở đất đá ra vào mỏ cày nát đường thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), để lại nham nhở ổ gà, ổ trâu. Ảnh: Thanh Trần
TP - Người thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) đang bị bao vây bởi bụi, tiếng nổ mìn phá đá ầm ầm và từng đoàn hung thần xe ben chở đất đá mỗi ngày từ 12 mỏ đất đá tại đây.

Từ khi Đà Nẵng cho phép khai thác các mỏ đất đá ở khu vực xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), vùng đồi núi Hố Trầu, Hố Bạc, Hố Rái... mất đi hàng triệu khối đất đá, nhiều quả đồi bị đào khoét nham nhở trơ màu bạc phếch.

700 lượt xe cày nát 2km đường

Ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Thuận, cho hay: Đầu tháng 10 mới đây, đường “toe như xơ mướp” nên các đơn vị khai thác phải vá víu lại,  giờ mới hơn một tháng đã tan hoang. Ông nói: “Đường có chừng 5m, dài chưa tới 2 cây số mà mỗi ngày gánh 6-7 trăm lượt xe ra vô, răng không tan được. Chưa kể lúc cao điểm, có ngày cả ngàn lượt”.

Theo sau đoàn xe này là khói bụi mờ mịt, dù xe tưới nước rà rà chạy cả ngày. “Tưới cũng không ăn thua, tưới đầu đường chưa xong thì cuối đường đã khô rang, bụi mù trời, cách mấy mét là chẳng thấy chi trơn. Mùa nắng cả thôn không dám mở cửa nhà, áo quần cũng không dám phơi bên ngoài. Tới thở  cũng chẳng thoải mái vì có chỗ nào không có bụi đâu. Mưa thì sình lút chân, ổ voi ổ gà chạy không khéo té như chơi”, anh Võ Văn Vân (tổ 2, thôn Phước Thuận) ngao ngán. Dọc đường thôn, cây cối cũng bị bụi trùm một lớp dày bạc phếch không lớn nổi.

Theo số liệu từ UBND xã Hòa Nhơn, trong 12 mỏ đất đá đang khai thác ở thôn Phước Thuận, có 9 mỏ lấy đường liên thôn làm đường độc đạo vận chuyển của đoàn xe, với gần 700 lượt/ngày. Bức xúc vì bị đoàn xe hành hạ, người dân nhiều lần chắn đường không cho xe chạy, nhưng chỉ vài hôm hoạt động khai thác lại tiếp tục. Sau khi dân phản ứng gay gắt, chính quyền xã buộc các doanh nghiệp chỉ cho xe chạy từ 6g30 đến 11g30 và từ 13g30 đến 17g30. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đoàn xe vẫn chạy sớm nghỉ muộn một cách tùy tiện, làm đảo lộn cuộc sống vốn đã không mấy yên lành bên mỏ đá của người dân.

Rung bần bật vì… mìn

Gần 180 hộ dân của thôn Phước Thuận còn nơm nớp nỗi lo nổ mìn. Ngày ít nhất hai lần nổ, những ngôi nhà gần mỏ giật bần bật. Nhà xa tới cả cây số cũng cảm nhận rõ rệt độ rung. Anh Nguyễn Tín (thôn 2) đưa tay chỉ vết nứt chằng chịt trên tường, hậu quả của việc sống chung với mìn phá đá nhiều năm. Cạnh bên, ngôi nhà cũ chi chít đường nứt trên tường của bố mẹ anh bỏ hoang vì không chịu nổi tiếng ồn đã bỏ nhà đi nơi khác ở như rất nhiều hộ trong thôn.

Quanh những quả đồi như trái táo cắn dở, ruộng đồng nối nhau bỏ hoang, khô khốc, bạc màu đất đá thay cho màu xanh của lúa và hoa màu. Một số ruộng còn trồng được thì bị bụi đất đá nhuộm trắng, khiến cây cối héo hon, còi cọc. Theo ông Tuân, trước đây, toàn thôn Phước Thuận có khoảng 60ha đất canh tác nông nghiệp, từ khi các mỏ đất, đá mọc lên ồ ạt, ruộng đồng ngày một bị bóp lại. Sau mỗi đợt mưa, những quả đồi “không giữ được mình” tuồn đất, đá xuống làm bồi lấp ruộng vườn. Giờ chỉ còn khoảng 1/3 đất nông nghiệp có thể canh tác. “Trong khoảng đất ít ỏi đó, bà con chỉ có thể gieo trồng vụ đông xuân để cậy nguồn nước trời. Chứ ở đây, mạch nước ngầm đã bị cắt đứt do khoét đất, chặt cây.  Nguồn nước dẫn trên núi xuống cũng bị các doanh nghiệp chặn lại để lấy nước phục vụ khai thác”, ông nói.

Mất kế sinh nhai, phần lớn người dân ở đây sống lay lắt bằng nghề thợ đụng, hoặc buôn bán lặt vặt.  Ông Trần Văn Thu - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cũng nhìn nhận thực tế trên và cho hay UBND xã đã đề nghị doanh nghiệp bồi thường cho các hộ dân bị mất đất canh tác. Theo thỏa thuận, các doanh nghiệp sẽ bồi thường cho người dân 2.400 đồng/m2 đất. Tuy nhiên, hiện chỉ có các doanh nghiệp đang hoạt động tiến hành bồi thường, những doanh nghiệp khác đã ngừng khai thác thì chưa thể truy thu.

Bao giờ mới được di dời?

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng vào đầu tháng 8, rất nhiều cử tri đã “bung” nỗi ức chế vì ô nhiễm ra giữa hội trường. Họ bất lực so sánh ô nhiễm tại thôn Phước Thuận “tỉ lệ thuận” với sự phát triển của thành phố. Trao đổi với Tiền Phong,  ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho hay thành phố đã có chủ trương giải tỏa khu dân cư ở thôn Phước Thuận để xây dựng khu công nghiệp. “Dự kiến trong năm nay  sẽ tiến hành giải tỏa khoảng 30ha đất và bàn giao cho doanh nghiệp. Những hộ dân nằm trong diện giải tỏa sẽ được tiến hành đền bù và di dời”, ông Hành thông tin.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, cuối tháng  8, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu xây dựng hai tuyến đường công vụ, cầu rửa xe nhằm đảm bảo đủ tải trọng và lưu thông thông suốt lâu dài cho các phương tiện vận chuyển vật liệu khoáng sản tại thôn Phước Thuận. Toàn bộ kinh phí thực hiện do các đơn vị khai thác khoáng sản tại khu vực này đóng góp. Đến nay, hai tuyến đường tránh khu dân cư này đã được thi công, nhưng nhằm vào mùa mưa nên tiến độ bị trì trệ.

Ông Lê Đức Toại, Trưởng Phòng TN-MT huyện Hòa Vang cho hay 12 mỏ đá ở thôn Phước Thuận được 12 doanh nghiệp khai thác. Trong đó có mỏ được cấp phép khai thác tới năm 2020.

MỚI - NÓNG