Bệnh nhi 8 tháng tuổi này đang điều trị bệnh sạn thận ở Bệnh viện Giải phóng quân nhân dân số 1 do uống sữa Tam Lộc (hậu cảnh) - Ảnh: people.cn |
Sở Y tế tỉnh Cam Túc xác nhận đến thời điểm hiện nay đã có một trẻ tử vong và 59 trẻ trong tỉnh mắc bệnh sạn thận, vôi hóa cơ quan tiết niệu. Theo kết quả điều tra ban đầu, hầu hết số trẻ này đều uống sữa của Công ty Tam Lộc từ 2-6 tháng.
Ngày 11/9, sau khi tự tiến hành kiểm tra mẫu sữa của mình, công ty này chính thức thừa nhận sản phẩm sữa bột của họ có chứa tripolycyanamide.
Tân Hoa xã dẫn lời các chuyên gia y tế Trung Quốc xác nhận đây là một loại hóa chất thô có thể gây hiện tượng vôi hóa trong các cơ quan tiết niệu và hình thành sạn thận nếu sử dụng trong thời gian dài.
Cùng ngày, Công ty Tam Lộc đã ra lệnh thu hồi khoảng 700 tấn sữa bột sản xuất trước tháng 6/2008 đang bán ở thị trường Trung Quốc. Đây là lô hàng được xác nhận đã bị nhiễm tripolycyanamide.
Hiện Công ty Tam Lộc và Tập đoàn Fonterra khẳng định vẫn đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng Trung Quốc để làm sáng tỏ vụ việc và không loại trừ khả năng sản phẩm sữa của họ bị làm giả.
Vừa qua, sau khi thông tin hàng loạt trẻ ở Cam Túc mắc chứng sạn thận do uống cùng một loại sữa bột được công bố trên truyền thông, có hơn bảy tỉnh thành khác như Ninh Hạ, Hà Nam, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, An Huy cũng thông báo phát hiện những trường hợp trẻ mắc bệnh tương tự, tuy nhiên con số cụ thể vẫn chưa được thống kê chính xác.
Bộ Y tế Trung Quốc đã chính thức khuyến cáo người dân trên cả nước ngưng sử dụng sản phẩm sữa bột nhãn hiệu Tam Lộc và nhanh chóng đưa trẻ đã và đang uống loại sữa trên đến bác sĩ, nếu phát hiện trẻ có triệu chứng khó tiểu hoặc ngưng tiểu.
Song song đó, bộ này ban hành thông tin cấp cứu cơ bản trên trang web www.moh.gov.cn nhằm giúp các cơ sở y tế ở nông thôn cập nhật kiến thức y khoa để cứu chữa kịp thời cho những trẻ không có điều kiện đến bệnh viện lớn điều trị.
Trong cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cảnh báo người tiêu dùng Mỹ tránh mua và sử dụng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh có nguồn gốc từ Trung Quốc do quan ngại sản phẩm này đã lọt vào thị trường Mỹ.
Theo Mỹ Loan
Tuổi trẻ/Reuters/THX/China Daily/SCMP