Đã có 1.500 tấn cáp bị cắt bán!

Đã có 1.500 tấn cáp bị cắt bán!
1.500 là con số thống kê được cơ quan chức năng thông báo với báo chí sáng 5/06. Và tình trạng này đã khiến mạng viễn thông Việt Nam trở nên mất an toàn... Điều bất ngờ là việc khai thác “cáp phế liệu” ngoài biển đã được thực hiện từ năm 1989!

Sáng 5/06 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông Trần Đức Lai đã chủ trì cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí để thông tin một số vấn đề sau khi bộ này cử đoàn công tác làm việc với các tỉnh phía Nam triển khai những giải pháp cấp bách bảo vệ cáp quang biển.

Khi có thông tin tuyến cáp quang TVH bị cắt, ngay cả đơn vị quản lý tuyến cáp quang TVH cũng chỉ nghĩ đó là sự cố. “Chúng tôi không hình dung nổi có người dân cắt cáp quang. Có lẽ đây là chuyện hi hữu lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam” - một nhà chuyên môn về viễn thông nói.

Thông tin mất an toàn

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - giám đốc Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực 2 (TP.HCM), thống kê sơ bộ tổng lượng cáp người dân cắt để bán dưới dạng phế liệu khoảng 1.500 tấn (cả cáp đồng lẫn cáp quang).

Qua nắm bắt thông tin từ thực tế tại các địa phương, các nhà quản lý cho biết người dân bán cáp dưới dạng phế liệu chỉ vài chục nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi bán chỉ 2.000đ/kg cáp. Trong khi đó, theo bộ phận kỹ thuật của Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), vào thời điểm xây dựng tuyến cáp quang TVH năm 1994, giá 1km cáp quang đã là 13.000 USD.

Khi hệ thống cáp biển TVH bị sự cố mất liên lạc, toàn bộ lưu lượng của TVH được chuyển hướng qua hệ thống cáp quang SMW3 (điểm cập bờ tại Đà Nẵng). Ông Lê Quang Hà - trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ của VTI - nhấn mạnh việc chuyển hướng qua SMW3 “gây nên tình trạng mất an toàn cho mạng viễn thông quốc tế do mất khả năng dự phòng”.

Cũng theo ông Hà, SMW3 có dung lượng khai thác đến 10Gbps, gấp hàng chục lần dung lượng của TVH, kết nối thông tin liên lạc trực tiếp giữa Việt Nam với 39 đối tác trên thế giới, cung cấp trên 83% dung lượng quốc tế của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phục vụ thông tin liên lạc giữa Việt Nam và quốc tế.

Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng nhìn nhận nếu hệ thống SMW3 “có mệnh hệ gì” thì chắc chắn thông tin liên lạc của Việt Nam ra quốc tế sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tuần tới bắt đầu sửa chữa tuyến cáp quang TVH

Ông Lâm Quốc Cường - phó giám đốc VTI - phân tích: do hệ thống TVH đã bị cắt trộm, các giải pháp dự phòng cho hệ thống SMW3 chỉ đáp ứng từng tuyến nhỏ qua cáp quang đất liền và các hệ thống vệ tinh. Các phương án này đòi hỏi chi phí lớn hơn, đồng thời cần có sự nhất trí của các đối tác và các hệ thống có liên quan.

Theo VTI, do tuyến cáp bị đứt làm nhiều đoạn không thể sử dụng, cần được sửa chữa khôi phục tuyến cáp. Ông Cường cũng khẳng định: “Hiện nay, lưu lượng của hệ thống TVH được phục hồi chuyển qua hệ thống SMW3 nên nhu cầu thông tin liên lạc quốc tế của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng”.

Ngay trong tuần tới tàu chuyên dụng sẽ vào biển Việt Nam để sửa chữa hệ thống cáp này và dự kiến trong vòng 30 ngày khắc phục xong hậu quả, cáp quang biển TVH sẽ được khôi phục.

Ông Lâm Quốc Cường khẳng định: “Giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các tuyến cáp quang biển là chấm dứt ngay việc thu hồi mọi loại cáp trên biển, kể cả các loại cáp hiện không còn sử dụng cho thông tin”.

Khai thác “cáp phế liệu” từ năm 1989!

Chiều 5/06, ông Bùi Hữu Đức - nguyên trợ lý giám đốc Công ty Khai thác thủy sản xuất nhập khẩu Hậu Giang (có quyết định giải thể từ tháng 7/2000) - cho rằng việc khai thác “cáp phế liệu” ngoài biển đã được thực hiện từ năm 1989.

Ông Đức cho biết năm 1989, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong lúc kéo cá đã tình cờ vướng cáp, khi kéo lên mặt nước thì đó là những cọng cáp được bảo vệ bằng nhiều sợi thép không gỉ, không thể cắt đứt vì không có phương tiện chuyên dụng.

Thông tin trên được báo về Công ty Khai thác thủy sản xuất nhập khẩu Hậu Giang và sau đó chính công ty này đã chế ra phương tiện móc cáp (làm móc ba cạnh như lưỡi câu bằng thép) để móc cáp lên tàu đánh cá.

Tuy nhiên, không có kềm cộng lực nào lúc bấy giờ có thể cắt đứt được dây cáp này. Những người khai thác đã dùng súng AK bắn đứt và đưa vào tời cuốn dần đến khi đầy tàu. Từ năm 1989-1993, đã có hàng trăm tấn cáp từ Kiên Giang đến Khánh Hòa được khai thác và bán phế liệu, nộp Sở Tài chính Hậu Giang hàng tỉ đồng. Riêng các cục khuếch đại đã nộp lại cho Sở Tài chính vì cho rằng bên trong có kim loại quí, bạch kim...

Ông Nguyễn Văn Màng - nguyên quyền giám đốc Công ty Khai thác thủy sản xuất nhập khẩu Hậu Giang thời kỳ 1998-2000 - cũng xác nhận lúc đó ông mới vào công ty và có nghe thông tin về việc khai thác cáp tại vùng biển này.

Trong khi đó, ông Trần Công Nhân - nguyên phó giám đốc Công ty Khai thác thủy sản xuất nhập khẩu Hậu Giang thời kỳ 1989-1992 - kể rằng sau khi ngư dân phát hiện và báo cho công ty, công ty đã cử một đoàn cán bộ ra địa điểm phát hiện để nghiên cứu và chế tạo bộ phận vớt cáp. Lúc đầu không biết cáp nằm ở đâu, bộ phận vớt cáp do công ty chế tạo cũng không cào được.

Sau này khi sử dụng hải đồ thì các sợi cáp dưới biển hiện rõ mồn một. Công ty đã cử nhiều đội khai thác cáp ra khu vực phát hiện cáp để khai thác. Tại khu vực biển Tây (gần đảo Thổ Chu, Kiên Giang), mặc dù phát hiện cáp nhưng không khai thác được do cáp đã bị tàu của Thái Lan cào đứt rất nhiều. Do đó việc khai thác chuyển sang vùng biển Đông, ra tận Nha Trang.

Ông Nhân nói bản thân ông cũng đã trực tiếp theo một đội khai thác cáp ra biển. Cáp sau khi được kéo lên, vì sóng biển chao đảo nên không thể dùng kềm cắt được mà phải dùng súng AK để bắn, có khi bắn cả một băng đạn mới đứt.

Trong các năm từ 1989-1992 đã có khoảng 500-600 tấn cáp được khai thác với số tiền hàng tỉ đồng (thời giá lúc đó). Ông Nhân nói rằng công ty xác định đó là cáp của chế độ cũ, đã xin phép khai thác và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo Quốc Thanh-Minh Giảng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.