Cựu Thủ tướng Tony Blair sẽ là giáo sư Đại học Yale

Cựu Thủ tướng Tony Blair sẽ là giáo sư Đại học Yale
TP- Đang đảm nhiệm hàng loạt vị trí quan trọng kể từ khi rời ghế Thủ tướng Anh, ông Tony Blair, 54 tuổi, lại vừa nhận thêm nhiệm vụ mới là làm giáo sư tại một trong những trường đại học (ĐH) danh tiếng nhất của Mỹ.
Cựu Thủ tướng Tony Blair sẽ là giáo sư Đại học Yale ảnh 1
Cựu Thủ tướng Blair trong một buổi diễn thuyết

Cựu Thủ tướng Anh sẽ giảng dạy cho các sinh viên về “niềm tin và toàn cầu hoá” tập trung vào vấn đề tôn giáo trong thế giới hiện đại tại trường Quản lý và Thần học thuộc ĐH Yale ở New Heaven, Connecticut từ mùa thu năm 2009.

Ông Blair cũng sẽ thành lập Quỹ Niềm tin ở London trước khi bắt đầu giảng dạy tại ĐH Yale với mục đích tăng cường sự hiểu biết giữa Thiên chúa giáo, Hồi giáo và đạo Do thái. Cựu Thủ tướng Blair hi vọng quỹ của ông cũng sẽ huy động được nhiều tiền để hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới như mô hình của Quỹ Clinton do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thành lập.

Ngay trước khi đồng ý làm giảng viên, cựu Thủ tướng Blair đã được tặng phần thưởng cao quý Howland để trở thành một thành viên danh dự trong Ban giám hiệu của ĐH Yale. Richard Levin, Hiệu trưởng ĐH Yale, đánh giá sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Blair sẽ mang tới cơ hội lớn cho sinh viên và cộng đồng vì ông từng là nhà lãnh đạo nổi bật, có nhiều kinh nghiệm.

Chi tiết về khóa giảng dạy của ông Blair đang được thảo luận với trường Quản lý và Thần học thuộc ĐH Yale, nhưng sẽ liên quan mật thiết tới Quỹ Niềm tin do ông thành lập. Euan, con trai cả của ông Blair, đang học lấy bằng Thạc sĩ Quan hệ quốc tế tại ĐH Yale và sẽ tốt nghiệp vào mùa hè này.

Phát ngôn viên của ông Blair cho biết, vai trò mới sẽ không ảnh hưởng tới sứ mệnh đặc phái viên Trung Đông và cựu Thủ tướng sẽ bố trí thời gian hợp lý. Ông Blair hiện là đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Cũng theo phát ngôn viên này, ông Blair đang trên đường trở lại Trung Đông vào cuối tuần sau khi có cuộc thảo luận với Tổng thống George Bush tại Mỹ. Đầu tuần tới, ông Blair có kế hoạch trở về London. Vai trò đặc phái viên đòi hỏi ông Blair phải có mặt ở London (Anh), New York (Mỹ) và Jerusalem trong vòng 10 ngày mỗi tháng. Ông Blair không hưởng lương trong vai trò đặc phái viên Trung Đông.

Lịch trình làm việc của ông Blair ngày càng dày đặc kể từ khi rời ghế Thủ tướng Anh vào tháng 6/2007 sau 10 năm nắm quyền. Ông bắt đầu đảm nhiệm vai trò cố vấn cho tập đoàn Bảo hiểm dịch vụ tài chính Zurich (Thụy Sĩ) với mức lương 50.000 bảng Anh/tháng từ tháng 1/2008.

Cùng thời điểm này, cựu Thủ tướng Anh trở thành cố vấn không hưởng lương của Chính phủ Rwanda với mong muốn hỗ trợ quốc gia châu Phi này phát triển. Hãng Washington Speakers Bureau chuyên tổ chức các buổi diễn thuyết, nói chuyện của ông Blair trên toàn thế giới.

Cựu Thủ tướng được trả 300.000 bảng trong tuần đầu tiên của chuyến du hành Bắc Mỹ. Báo chí Trung Quốc tiết lộ, ông Blair được trả tới 237.000 bảng cho bài phát biểu tại Quảng Đông. Chưa hết, ông Blair cũng đã trở thành cố vấn của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) với mức lương từ 500.000 – 2,5 triệu bảng/năm. Tuy nhiên, ở cương vị cố vấn cho JP Morgan, ông Blair không cần có mặt ở văn phòng mà có thể tư vấn qua điện thoại. Ông Blair còn kiếm bộn tiền từ việc viết hồi ký về những ngày làm Thủ tướng.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, ông Blair có thể sẽ trở thành Chủ tịch EU với sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Thủ tướng Blair đã từ chối trả lời câu hỏi về việc ông có quan tâm với vị trí Chủ tịch EU hay không. Cựu Thủ tướng từng nói đùa rằng, ông nổi tiếng ở Mỹ hơn ở quê nhà Anh quốc và sẽ thu hút sự quan tâm khi xuất hiện ở ĐH Yale.

MỚI - NÓNG