Cựu thủ tướng Anh Tony Blair lương cao bổng hậu

Cựu thủ tướng Anh Tony Blair lương cao bổng hậu
TP - Mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, 54 tuổi, đã được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng và thành viên Hội đồng phụ trách các vấn đề quốc tế của Ngân hàng Mỹ “JPMorgan”.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair lương cao bổng hậu ảnh 1
 Ông Tony Blair

Trong bản thông báo chính thức của Ngân hàng không nói rõ ông Blair được hưởng lương là bao nhiêu.

Theo nguồn tin riêng của hãng Thông tấn Mỹ Bloomberg, “JPMorgan” trả cho ông Blair gần một triệu dollars một năm (tức là hơn gấp đôi lương Tổng thống Mỹ 400 nghìn dollars một năm).

Tuy nhiên, tờ báo Anh The Daily Mail đã xác định được chính xác mức tiền lương cao ngất ngưởng mà ông Blair nhận được từ “JPMorgan” - 2,5 triệu bảng Anh, tương đương với 4,9 triệu dollars Mỹ.

“JPMorgan” (tên đầy đủ là “JPMorgan Chase & Co”) là ngân hàng lớn thứ ba ở Mỹ và được coi là một trong những tổ hợp tài chính hàng đầu thế giới.

Ngân hàng hoạt động tại hơn 50 nước khắp năm châu trong các lĩnh vực cấp tín dụng, chuyển tiền, đầu tư và quản lý tài chính. Vốn tiền mặt của Ngân hàng lên tới gần 1.500 tỷ dollars.

Hiện nay, Ngân hàng phục vụ hàng triệu nhà đầu tư tư nhân cũng như nhiều công ty xuyên quốc gia cùng các thiết chế quốc tế và các tổ chức nhà nước.

Đáng chú ý nhất là Ngân hàng đang quản lý hàng chục tỷ dollars của nhiều nước đầu tư vào việc tái thiết Iraq. Ban lãnh đạo “JPMorgan” hết lời ca ngợi người cố vấn trưởng mới của mình.

Chủ tịch Ngân hàng James Dimon, một trong những nhân vật đầy uy thế của giới tài chính Mỹ, khẳng định ông Blair sẽ “vô cùng hữư ích” cho Ngân hàng bởi vì “trên thế giới chẳng mấy người có hiểu biết tường tận và những mối liên hệ rộng khắp như ông Tony Blair”.

Nhưng xem ra, ông Blair không có ý định dừng lại mà hy vọng sẽ nhận được những chức vụ tương tự tại các thiết chế kinh tế và tài chính khác nữa.

Ông nói: “Tôi luôn luôn quan tâm đến hoạt động thương mại và ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa. Hiện nay, mối liên quan giữa kinh tế và chính trị đặc biệt chặt chẽ tại các khu vực khác nhau trên thế giới, kể cả các thị trường đang phát triển”.

Thực ra, ông Tony Blair không phải là chính khách tầm cỡ đầu tiên trên thế giới làm việc cho các tổ chức kinh tế và tài chính sau khi nghỉ hưu. Chẳng hạn, cựu Tổng thống Mỹ George Bush bố và một trong những người tiền nhiệm của ông Blair là cựu Thủ tướng Anh John Major hiện làm cố vấn cho công ty tư nhân Mỹ “Carlyle”.

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder hiện đang giữ một chức vụ quan trọng trong tổ hợp khí đốt của  châu Âu “Nord Stream AG”. Còn cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose-Maria Asnar hiện là cố vấn cho công ty “Murdoch News Corporations”.  

Hoạt động cố vấn cho Ngân hàng “JPMorgan” không phải là nguồn thu nhập duy nhất của ông Tony Blair. Cũng theo tờ The Daily Mail, ngoài khoản lương hưu 64 nghìn bảng Anh (khoảng 120 triệu dollars) mỗi năm được hưởng với tư cách cựu Thủ tướng, ông Blair còn nhận được 5 triệu bảng Anh cho cuốn hồi ký ông sẽ cho xuất bản sau hơn một năm nữa.

Ngoài ra, ông Blair còn sẵn lòng nhận lời mời đi thuyết trình cho các hội nghị và hội thảo quốc tế và hoạt động này đem lại cho ông những khoản thù lao không hề nhỏ.

Chẳng hạn, hồi tháng 11 năm ngoái, tại một hội nghị quốc tế tổ chức ở Hoa Nam (Trung Quốc), bài thuyết trình chỉ dài 20 phút đã đem lại cho ông 500 nghìn dollars. 

Đồng thời, tuy đã rời bỏ cương vị Thủ tướng Anh hồi tháng 6 năm ngoái nhưng ông Tony Blair vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị quốc tế.

Hiện nay, ông là đại diện đặc biệt của “Bộ tứ Cận Đông” (gồm Nga, Mỹ, Cộng đồng châu Âu EC và LHQ). Ông không được hưởng lương nhờ chức vụ này mà chỉ được thanh toán tiền đi lại và những chi phí cho hoạt động đại diện của ông.

Và mới đây nhất, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất việc ấn định chức vụ Tổng thống EC và đề cử ông Blair vào chức vụ quan trọng này. 

Vũ Việt
Theo Báo chí Nga

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.