Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa

0:00 / 0:00
0:00
Năm lớp 11, Minh Tú từng dự thi chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". Thất bại đáng tiếc ngay vòng thi tuần là bài học giúp Tú thay đổi để có nhiều thành công liên tiếp sau này.

Lê Minh Tú (sinh năm 2000), sinh viên chương trình tài năng ngành Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa trở thành Thủ khoa tốt nghiệp với điểm số cao nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay. Tú đạt điểm trung bình chung học tập là 3.89/4.0, điểm rèn luyện 96/100.

Dù biết bản thân có điểm khá cao, tuy nhiên nam sinh vẫn rất bất ngờ trước thông tin mình là thủ khoa toàn trường. "Vì trường em có rất nhiều bạn giỏi nên em không nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa", Tú nói.

Người đầu tiên Tú gọi để thông báo tin vui này là mẹ. Tối hôm đó, mẹ em ở quê cũng chẳng thể ngủ được vì vui mừng và xúc động.

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa ảnh 1

Lê Minh Tú, Thủ khoa tốt nghiệp với điểm số cao nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp (Ảnh: NVCC).

Cú "trượt ngã" tại Đường lên đỉnh Olympia và bài học để thay đổi

Minh Tú sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục với bố và mẹ em đều là giáo viên. Những năm cấp một, thành tích của em chưa thực sự xuất sắc so với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, Tú học tốt dần qua từng năm, bứt phá nhiều hơn ở những năm cấp 3 tại trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Năm lớp 10, Tú tham gia cuộc thi về giao thông học đường do Bộ GD&ĐT cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức và giành giải Nhất tỉnh, sau đó là giải Nhất quốc gia.

Chính giải thưởng này đã giúp em có hồ sơ tốt để đăng ký dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào đầu năm lớp 11. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Tú nhận thất bại đáng tiếc ngay tại vòng thi tuần.

"Lúc đó, em cũng không ngờ mình lại được gọi thi sớm như thế, nên chưa chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi. Ở hai vòng đầu tiên, em thể hiện tốt, duy trì vị trí dẫn đầu.

Nhưng sau đó do hơi phấn khích, không bình tĩnh nên em đã không làm chủ được các phần thi của mình, dần thể hiện không tốt. Chung cuộc, em chỉ đạt vị trí thứ ba và không thể đi tiếp. Đó là một nỗi buồn, sự hụt hẫng lớn, nhưng em chấp nhận và cố gắng vượt qua", Tú chia sẻ.

Sau cuộc thi, Tú liên tục tự đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân của thất bại. Em nhận ra thiếu sót của bản thân nằm ở sự chủ quan, chưa biết cách giữ bình tĩnh trong cuộc thi.

Tú dần tìm được những giải pháp để giữ tinh thần ổn định, luôn có thái độ bình tâm nhất có thể trong mọi tình huống, không quá phấn khích, không quá vui, không quá buồn.

Nam sinh cho rằng, sự điều chỉnh này đã giúp em liên tục đạt được thành tích tốt trong các cuộc thi ngay sau đó. Cùng trong năm lớp 11, Minh Tú tham dự kỳ thi học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay và giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Nhất cấp quốc gia.

Ngoài ra, em cũng đạt giải Nhì tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi học sinh giỏi môn Toán. Năm lớp 12, Tú giành giải Nhất tỉnh cuộc thi tìm hiểu lịch sử Tự hào Việt Nam.

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa ảnh 2

Lê Minh Tú cùng thầy hướng dẫn được Trường THPT Lê Lợi trao thưởng sau khi đạt giải Nhất quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay năm 2017 (Ảnh: NVCC).

Được biết, dù đặc biệt yêu thích môn Toán nhưng suốt những năm học phổ thông, Tú học các môn khá đều.

"Em thích Toán vì đây là môn học nền tảng, bổ trợ cho các môn khoa học tự nhiên khác. Nhưng những kiến thức Toán hay các môn khoa học tự nhiên không phải tất cả.

Chúng ta cần rất nhiều kỹ năng, kiến thức từ các ngành, môn học khác để bổ trợ cho cuộc sống. Bởi vậy, có thể một số môn xã hội không phải là niềm yêu thích, thế mạnh của em nhưng em cũng rất chú trọng, cố gắng tìm hiểu kiến thức", Tú nói.

Với những thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, năm học lớp 12, Tú được kết nạp Đảng tại Đảng bộ trường THPT Lê Lợi.

Nỗ lực bứt phá khi "xung quanh toàn là Thủ khoa"

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, Minh Tú đạt 27,5 điểm khối A (môn Toán: 9 điểm, Vật lý: 9,25 điểm, Hóa học: 9,25 điểm). Em trở thành Á khoa khối A tỉnh Thanh Hóa.

Thời điểm nộp hồ sơ nhập học Bách khoa, một người anh mà Tú quen trong đợt tập trung đội tuyển tỉnh dự thi quốc gia học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay là Phạm Đình Dương (Thủ khoa đầu vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2017 và Thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2021) đã tư vấn Tú nên ôn thi chương trình kỹ sư tài năng của trường.

Nhận lời khuyên từ Dương, Tú tập trung ôn tập và xuất sắc trở thành Á khoa kỳ thi này, trúng tuyển chương trình tài năng ngành Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa ảnh 3

Tú cùng người anh thân thiết Phạm Đình Dương trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: NVCC).

Tú tâm sự, dù em đã đạt được một số thành tích nhất định, tuy nhiên khi bước vào lớp, em vẫn bị "choáng ngợp" và lo lắng bởi các bạn xung quanh đều rất giỏi.

"Có nhiều bạn đạt giải Nhất, giải Nhì quốc gia hoặc là Thủ khoa toàn quốc, Thủ khoa các tỉnh. Em cảm thấy rất áp lực trong những ngày đầu, khi thấy có những bạn giỏi hơn mình rất nhiều", Tú kể.

Tuy nhiên, khi dần hòa nhập, làm quen và chơi thân với các bạn, Tú đã bớt đi những áp lực đè nặng. Ngược lại, em nhận thấy việc rèn luyện trong môi trường nhiều người giỏi chính là cách tốt nhất để phát triển bản thân.

Nói về bí quyết học tốt trong 4 năm đại học, trở thành thủ khoa tốt nghiệp với điểm số cao nhất trường, Tú tâm sự, em cố gắng đi học đầy đủ và ghi chép cẩn thận những lời thầy cô giảng.

Em thường làm bài tập ngay sau buổi học ở trên lớp bởi đây là thời điểm ghi nhớ tốt nhất những kiến thức thầy cô chỉ dẫn và thường sẽ làm bài rất nhanh, ít vướng mắc hơn.

Bên cạnh đó, em luôn dành thời gian để trao đổi việc học với bạn bè, cùng tìm hướng giải quyết những bài khó. Theo Tú, mỗi người sẽ có một cách nhìn, tư duy khác nhau về bài học. Việc học nhóm bởi thế rất cần thiết, có thể giúp em nhanh hiểu bài hơn.

Về quá trình ôn thi, Minh Tú cho rằng điều cần xác định trước là mục tiêu điểm số của mình.

Dựa theo khối lượng kiến thức của môn học cũng như năng lực hiện tại, Tú sẽ xác định mục tiêu về điểm số, đồng thời cân nhắc xem lịch thi của môn này có bị gần các môn khác hay không, có nhiều thời gian ôn hay không, từ đó mới sắp xếp lịch ôn tập.

Bên cạnh đó, em chú ý không bỏ bữa, không thức trắng đêm. "Ngay cả với những môn học khó như Đại số, Giải tích hay Vật lý, em cũng ôn thi không quá khuya để giữ sức khỏe. Việc ngủ sớm trong quá trình ôn thi là đặc biệt quan trọng.

Em từng gặp nhiều bạn thức ngày thức đêm để ôn, thậm chí trước khi thi vẫn thức trắng đêm nhưng cuối cùng lên phòng thi lại bị ngủ gật hoặc không đủ tỉnh táo. Như vậy là không hợp lý và rất đáng tiếc", Tú nói.

Đạt điểm học tập cao, song Tú không phải là "mọt sách". Em thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn thể và biết cách cân bằng với việc học. Những năm đại học, Tú giữ chức Bí thư chi đoàn, năng nổ sinh hoạt trong câu lạc bộ guitar của trường, sinh hoạt Đảng và tham gia nhiều sự kiện.

Nam sinh tâm sự, chính việc làm bài tập ngay khi vừa học xong đã giúp em bớt tốn thời gian hơn, không bị gấp gáp khi phải nộp bài. Do đó, em thoải mái hơn trong việc sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động.

Những hoạt động ngoại khóa vừa giúp em "xả stress", vừa là cơ hội để quen thêm nhiều anh chị, bạn bè và học hỏi rất nhiều từ họ.

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa ảnh 4

Tú tham gia hoạt động bóng đá giao lưu 3 Chi bộ sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Tốt nghiệp đại học, Tú chính thức được nhận vào vị trí kỹ sư giải pháp tại Trung tâm Không gian mạng Viettel, công việc hàng ngày là xử lý dữ liệu và xây dựng các mô hình AI. Tú hiện là một trong hai nhân sự kỹ sư giải pháp trẻ tuổi nhất tại đơn vị này.

Theo nam sinh, ngành Công nghệ thông tin đang có cơ hội nghề nghiệp và cơ hội phát triển rất lớn, mức thu nhập rất hấp dẫn với nhiều vị trí ứng tuyển.

Từ kinh nghiệm cá nhân, chia sẻ lời khuyên tới những bạn sinh viên đang theo học ngành này, Tú cho rằng muốn có nhiều cơ hội hơn, các bạn cần kiến thức vững trong các môn học nền tảng ở đại học.

Bên cạnh đó, về các môn chuyên ngành, bạn không cần giỏi hết tất cả, nhưng nên cố gắng thông thạo, học giỏi một số môn nằm trong định hướng nghề nghiệp tương lai.

Trong trường đại học, bạn cũng nên tham gia các hội, nhóm cộng đồng hoặc câu lạc bộ liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp bản thân muốn theo đuổi và tự học thật tốt.

"Làm việc thực tế trong ngành công nghệ thông tin đòi hỏi việc tự học, cập nhật kiến thức mới liên tục, ngoài các kiến thức trên trường. Bởi vậy, việc kết nối, học hỏi từ những người đi trước là đặc biệt cần thiết", Tú chia sẻ

Nguồn động lực lớn nhất

Phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, diễn ra ngày 23/10 vừa qua, Tú đã có những lời nhắn gửi đầy xúc động đến gia đình.

"Và quan trọng nhất, con muốn bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, vừa là nguồn động lực to lớn, vừa là hậu phương vững chắc cho mọi nẻo đường con đi.

Càng lớn, con càng thấm thía sự quan trọng của gia đình. Con đã thấy anh chị giữa đêm thức dỗ cháu quấy khóc, con lại nhớ khi con bé hay đau ốm, cha mẹ vất vả đến nhường nào.

Khi con đi làm, con thấy chị đồng nghiệp vừa tất tả tới công ty đã gọi điện cho đứa con để hỏi đã đến trường chưa, đã ăn gì rồi, con lại nhận ra đã 22 tuổi rồi nhưng mẹ cũng vẫn quan tâm từng chút cho con giống như thế.

Con cũng thấy anh đồng nghiệp vừa ăn cơm trưa vừa âm thầm nhìn ngắm đứa con nhỏ đang ngủ ở trường.

Tất cả những thứ nhỏ bé ấy làm con thấy sự bình thường giản dị của gia đình lại vĩ đại tới nhường nào. Thật khó để thổ lộ nhưng con muốn nói con yêu mẹ rất nhiều, yêu gia đình của con rất nhiều".

Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách khoa ảnh 5

Tú cùng gia đình trong buổi lễ tốt nghiệp diễn ra ngày 23/10 (Ảnh: NVCC).

Nguồn động lực to lớn nhất và cũng là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời Tú là mẹ. Tú tâm sự, ngày em vừa vào tiểu học cũng là thời điểm mẹ em đổ bệnh nặng, không thể đi lại suốt một thời gian dài.

Tới tận giữa năm học lớp một, khi các bạn xung quanh đã biết đọc, biết viết hết, Tú vẫn chưa thể đọc viết thông thạo, kết quả thi giữa kỳ chỉ đạt học sinh tiên tiến. Dù đang ốm nặng, mẹ vẫn cố gượng dậy chăm sóc và dạy Tú học, kèm cặp em từng chút. Nhờ có mẹ, em dần tiến bộ và theo kịp các bạn.

Mẹ của Tú có quan điểm rất khác biệt khi không bắt em học quá nhiều. Thay vào đó, bà khuyến khích con dành nhiều thời gian hơn cho việc vui chơi cùng các bạn.

"Mẹ luôn dạy em, cần coi trọng nền tảng hơn là cố gắng trong một giai đoạn nào đó nên chủ yếu dạy em phương pháp để học tập hơn là kiến thức trong sách vở.

Ví dụ, khi đối diện với một vấn đề khó thì phải xử lý thế nào? Những ngày học cấp một, cấp hai, em chú trọng rèn luyện phương pháp để phát triển bản thân nhiều hơn là ôn kiến thức. Em nghĩ đây cũng chính là lý do càng lên các cấp học cao, thành tích của em càng cải thiện hơn", Tú chia sẻ.

Bên cạnh đó, mẹ chưa từng đặt áp lực lên vai Tú về thành tích mà chỉ mong muốn em được khỏe mạnh, vui vẻ.

"Trước ngày em lên Hà Nội học đại học, mẹ dặn rằng dù việc học có khó đến đâu nhưng không được dành thời gian quá nhiều để học, mà hãy dành cả thời gian cho những hoạt động khác.

Bởi học hành rất quan trọng, nhưng không phải tất cả. Chính việc mẹ chưa từng áp đặt đã khiến em vừa có động lực, vừa thoải mái hơn và đạt được thành tích như ngày hôm nay", Tú nói.

Nói về dự định tương lai, Lê Minh Tú cho biết thời gian tới, ngoài công việc kỹ sư giải pháp, em có dự định đăng ký học lên thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để song song theo đuổi con đường nghiên cứu.


Link gốc: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cuu-thi-sinh-duong-len-dinh-olympia-tot-nghiep-thu-khoa-dh-bach-khoa-20221027080054035.htm

Theo Nguyễn Liên/Dân trí
MỚI - NÓNG