Học lái ở thế kỷ trước và hiện tại
Năm 1991, tôi đi học Trường Công nhân Cơ khí Nông nghiệp 4, Khoa “Sử dụng”. Nghĩa là học làm công nhân sử dụng máy nông nghiệp, lái máy cày tay, máy kéo, máy ủi chứ chưa phải học lái xe, được các GV có trình độ cao đẳng, đại học, có GV đã được đào tạo cơ bản tại Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Thời gian học 18 tháng, sau khi tốt nghiệp ra trường được cấp bằng công nhân lành nghề bậc 3/7.
Mười tám tháng học làm công nhân sử dụng máy, chúng tôi phải học đạo đức, chính trị, học vẽ kỹ thuật, học cấu tạo sửa chữa, học vật liệu chế tạo, học môn nhiên liệu, môn động lực v.v… Thậm chí học cả môn Rèn, để tự mình có thể từ cục sắt đem nung đỏ, đập, gõ, khoan, cắt, mài, dũa, tôi, rèn cho thành cái cà lê để sử dụng. Biết chăm sóc bảo dưỡng hằng ca, hằng kíp; Biết kiểm tra siết chặt, biết sữa chữa, lắp đặt bộ chế hòa khí, ma nhê tô (hệ thống đánh lửa), tháo, lắp đặt bơm cao áp (heo dầu), động cơ diezen thành thạo, cuối cùng mới được học lái. Để được lái máy kéo rơ mooc giao thông trên đường, sau khi tốt nghiệp tôi phải ở lại học thêm 3 tháng nữa mới được cấp giấy phép.
Bài học lái đầu tiên chúng tôi được học là câu chuyện, là bài học nhớ đời mà chúng tôi được nghe thầy kể đó là: “Tất cả là những người điên”. Câu chuyện của một lái xe về hưu được Nhà nước trao tặng Anh hùng Lao động Liên Xô. Được các phóng viên phỏng vấn “Vì sao lái xe cả đời ông không hề để xảy ra dù chỉ một lần va quẹt, tai nạn ?”; Ông trả lời: “Khi ngồi vào ghế lái xe, tôi xem tất cả là những người điên”.
Từ cách mở cửa xe máy kéo, thầy đã dạy chúng tôi : Phải xem mở cửa xe như mở cửa nhà tù, để nhớ cho rõ bài học cẩn thận từ những động tác kỹ thuật đơn giản như đạp côn vào số, đạp côn ra số. “Đạp côn thì đạp dứt khoát, nhả côn thì phải nhả từ từ”. “Côn ra, ga vào” hay “Đi số thì phải lấy đà, về số thì phải vù ga nửa chừng”... Rồi những kỹ năng chỉ những GV có trình độ mới biết mà chỉ cho học viên như: Nếu có một mặt phẳng thì không cần người lái! Nghĩa là trên một mặt phẳng, cho dù đánh hết lái về một phía, rồi cho xe chạy mà không cần người lái, tay lái sẽ luôn có xu hướng tự trả lái về để chiếc xe chạy thẳng. Học viên hiểu được điều này sẽ cầm lái nhẹ nhàng, không gồng cứng tay lái. Hoặc giáo viên chỉ “Đường nghiêng phía nào, giữ tay lái ngược về phía đó”... Hiểu được nguyên lý này, qua những đoạn đường nghiêng, đường phức tạp, người chạy xe sẽ không lái kiểu “vẽ rồng, vẽ rắn”.
Cần tăng độ khó thi sát hạch
Phần thi sát hạch lái xe ở thế kỷ trước và bây giờ có điểm chung, là đều gồm 3 phần: thi lý thuyết Luật giao thông, thi trong sa hình và cuối cùng là thi kiểm tra kỹ năng lái xe của học viên trên đường trường. Phần sát hạch lý thuyết hiện Bộ GTVT đã có thêm nhiều câu hỏi phù hợp. Tuy nhiên phần thi sa hình và đường trường tuy đã buộc các xe thi lắp thiết bị chấm điểm tự động, nhưng vẫn chưa đủ độ khó để có thể cho ra lò những lái xe đảm bảo chất lượng, lái xe an toàn.
Bài thi sát hạch trong sa hình ở thế kỷ trước khó hơn bây giờ. Học viên phải thực hiện bài thi tiến lùi hình chữ chi trong thời gian giới hạn. Đây là bài khó nhất với học viên mới học lái xe, kể cả nhiều lái xe chuyên nghiệp, từng lái nhiều loại xe lâu năm trên đường, nếu không qua đào tạo cơ bản. Học viên phải thực hiện tiến, và lùi xe mà không được đổ cọc nào, nếu không muốn rớt sát hạch. Thêm phần lùi xe vào lắp rơ mooc (thi giấy phép máy kéo kéo rơ mooc trên đường). Phần thi sát hạch đường trường ở thế kỉ trước cũng khó hơn bây giờ rất nhiều, có bài dồn số khẩn cấp khi xe đang xuống dốc. Khi xe bắt đầu xuống dốc, yêu cầu thí sinh trong vòng 25 mét phải dồn được từ số 5 về số 3 theo thứ tự mà không được dùng phanh. Nếu không về được số, để xe trôi tự do sẽ bị đánh rớt sát hạch. Bài thi này nhằm mục đích rèn cho học viên kỹ năng dồn số, dừng xe khẩn cấp khi hệ thống phanh hỏng, dẫn đến hiện tượng xe mất phanh.
Bài thi sát hạch trong sa hình của tất cả các hạng xe đang áp dụng, học viên chỉ cần chạy số 1 khắp cả sân và sử dụng số lùi ở bài ghép xe vào nơi đỗ. Bài dồn số khẩn cấp được thay bằng tăng giảm số trên đường bằng. Trong vòng 50 mét, học viên phải tăng lên được một số và giảm một số. Nhiều học viên cũng không thể thực hiện được bài này. Họ có thể bỏ qua bài này mà chỉ bị trừ 5 điểm. Bài thi đường trường với 2km. Học viên chỉ cần thực hiện thao tác tăng, giảm số một lần. Trong vòng 100 mét nếu không thực hiện được cũng chỉ bị trừ mỗi lần 5 điểm và trong 2 km đó không để xảy ra tai nạn là đã đạt yêu cầu và được cấp GPLX.
Nhiều đồng nghiệp dạy lái của tôi đều tán thành các giải pháp hữu hiệu mà Bộ GTVT nên yêu cầu nghiêm khắc, áp dụng ngay tại tất cả các trường dạy lái: Phải tăng thời gian học lái, thời gian đào tạo để cho ra trường những công nhân lái xe lành nghề. Phải có quy trình sát hạch tay lái sát với yêu cầu thực tế, phải đưa bài tiến lùi chữ chi, bài thi dồn số khẩn cấp khi xe đang xuống dốc vào phần thi sát hạch bắt buộc. Cấm tuyệt đối các cơ sở đào tạo áp dụng hình thức cho giáo viên đầu tư xe, tự tuyển học viên và tự dạy.
Mười tám tháng học làm công nhân sử dụng máy, chúng tôi phải học đạo đức, chính trị, học vẽ kỹ thuật, học cấu tạo sửa chữa, học vật liệu chế tạo, học môn nhiên liệu, môn động lực v.v…