Cứu sống bé trai 5 tuổi nguy kịch vì bị ong đốt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đang chơi trong vườn nhà, cậu bé vô tình làm động cây có tổ ong vò vẽ và bị đàn ong tấn công. Gia đình đã kịp giải vây, sơ cứu và đưa bé đến bệnh viện nhưng tình trạng nhiễm độc quá nặng khiến trẻ rơi vào nguy kịch.

Ngày 9/8 thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời cứu chữa cho một bệnh nhi bị ong vò vẽ tấn công. Bệnh nhi là bé L.G.B. (5 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) được gia đình chuyển đến cấp cứu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, khi bé đang chơi trong vườn, vô tình làm động cây có tổ ong trên cao, ngay lập tức bé bị đàn ong tấn công. Gia đình đã sơ cứu, giảm đau bằng lá môn và vôi trầu rồi chuyển đến bệnh viện sau 8 giờ kể từ khi bị ong đốt.

Cứu sống bé trai 5 tuổi nguy kịch vì bị ong đốt ảnh 1

Trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch, các bác sĩ phải tiến hành đặt ECMO

Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện khắp cơ thể bệnh nhi có tới 15 vết đốt của ong gây sưng phù. Tình trạng nhiễm độc nặng khiến bệnh nhi nôn ói, tiêu lỏng, bí tiểu, khó thở, mê man, môi tái, ô xy máu thấp, tụt huyết áp, vàng da vàng mắt...

Các bác sĩ đã đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy cho bệnh nhi, sử dụng thuốc kháng viêm toàn thân kết hợp điều trị nội khoa tích cực để ngăn chặn tình trạng phản vệ. Tuy nhiên, các phương án điều trị không thể khống chế được độc tố, bệnh nhi nhanh chóng rơi vào tình trạng suy đa tạng, chức năng phổi, gan, thận, tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng tổn thương phổi diễn tiến rất nặng khiến bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong. Các bác sĩ buộc phải chỉ định khẩn chạy ECMO (phương pháp ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) đồng thời lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố.

Hơn nửa tháng nguy kịch giữa lằn ranh sinh tử, bệnh nhi dần bình phục, cai được ECMO, máy thở. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng suy đa tạng cải thiện tốt, tổn thương phổi ở bệnh nhi từng bước được kiểm soát giúp trẻ qua cơn nguy kịch.

Cứu sống bé trai 5 tuổi nguy kịch vì bị ong đốt ảnh 2

Sau 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã vượt qua được nguy kịch

Từ trường hợp trên, BS Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cảnh báo, ở người lớn nếu bị ong đốt hơn 30 vết sẽ gây sốc phản vệ, tổn thương gan thận. Tuy nhiên, trẻ em chỉ cần hơn 10 vết đốt đã có thể dẫn đến sốc, tổn thương đa cơ quan, tán huyết, suy thận cấp, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo BS Phượng Thy, độc tố xuất phát từ mũi kim, vì vậy khi bị ong đốt cần lấy ngay mũi kim ra ngoài, rửa sạch vị trí bị đốt bằng xà phòng và chườm lạnh để giảm đau tại chỗ. Những bệnh nhân có cơ địa viêm da, dị ứng nếu bị nổi mẩn đỏ và có dấu hiệu khó thở sau khi bị ong đốt nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để theo dõi nguy cơ sốc phản vệ nặng.

Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp bị ong đốt, tuyệt đối không châm kim cho máu chảy ra hay đắp các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh, gây khó khăn cho công tác điều trị.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.