Cứu sống bé gái liên tục ói ra máu không rõ nguyên nhân

Cứu sống bé gái liên tục ói ra máu không rõ nguyên nhân
TPO - Bé gái nhập viện tại BV Nhi đồng 1 trong tình trạng ói ra máu không rõ nguyên nhân. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy hồng cầu của bệnh nhân chỉ còn 25%, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Ngày 12.7,ThS.BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện nhi đồng 1 cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.T.T.A (nữ 13 tuổi, ngụ tại Long An) bị tắc tĩnh mạch cửa trước gan.

Theo người nhà, cách đây hơn 1 năm, bé gái từng được các BS BV Nhi đồng 1 phẫu thuật cắt bướu ở vùng đầu tụy- căn bệnh khiến sức khỏe bé gái bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên trước đi nhập viện 6 tháng, bé gái bắt đầu xuất hiện triệu chứng ói ra máu. Mặc dù bệnh nhi đã được thăm khám ở nhiều bệnh viện tuyến dưới nhưng vẫn không tìm ra được nguyên nhân.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các BS đã tiến hành siêu âm, chụp CT- SCAN và kết quả cho thấy bé gái bị tắc tĩnh mạch cửa trước gan. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng ói ra máu. Bé gái đứng trước nguy cơ có thể tử vong bất cứ lúc nào vì hồng cầu xuống rất thấp (chỉ còn khoảng 25%).

Sau khi xác định nguyên nhân và vị trí gây tắc, các các sĩ đã tiến hành phẫu thuật bắc cầu Cửa- Cửa (từ cửa tĩnh mạch này sang cửa tĩnh mạch khác). Quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã tách một đoạn mạch máu ở cổ (có kích thước khoảng 10cm) để làm “cầu” nối giữa 2 cửa, cho đường tuần hoàn máu lưu thông về gan, phổi.

“Chúng tôi rất đắn đo suy nghĩ nên hay không nên tiếp tục phẫu thuật cho bệnh nhi, sau hai ngày bàn bạc mới đồng ý phẫu thuật cho bé, các bác sĩ dự kiến phẫu thuật cả ngày mới xong. Và thực tế ca phẫu thuật trải qua hơn 8h tiếng đồng hồ không kể thời gian gây mê”, BS Hiếu cho biết.

Theo các BS, do bệnh nhân có tiền sử đã trải qua phẫu thuật mổ u bướu đầu tuy, khiến cho hình dạng bên trong nội tạng nơi phẫu thuật đã biến dạng không còn như bình thường nên ca phẫu  thuật được đánh giá là rất khó khăn. “Để phẫu thuật thành công, bệnh viện huy động các bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa như Can thiệp mạch máu, Khoa Tim mạch, Xoang...”, các BS thông tin.

“Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải làm sao không làm thương tổn các bộ phận khác mà làm lộ mạch máu bị tắc, khoanh vùng vị trí tắc. Dùng một đoạn mạch máu cổ một đoạn đem xuống nối vào thông qua chỗ tắc. Bác sĩ phải dùng các thiết bị khá tinh tế đặc biệt riêng trong phẫu thuật để thực hiện ca mổ này”, bác sĩ Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Cứu sống bé gái liên tục ói ra máu không rõ nguyên nhân ảnh 1 Hiện bé gái đang hồi phục sức khỏe rất tốt. ảnh: Duy Tính

Các BS cho biết ca mổ đã diễn ra thành công, sau 24 tiếng, lưu lượng máu đi về gan có dấu hiệu tốt, không xuất hiện huyết khối và đã giải thoát được tắc nghẽn mạch máu cho bệnh nhân.

MỚI - NÓNG