Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp, Đại đức vượt hơn 10 cây số đi hiến máu

TPO - Với tâm niệm "Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp", Đại đức Thích Phương Trọng - Trụ trì Chùa Tuệ Vân (thị trấn Ea Knuốp, huyện Ea Kar) cùng các phật tử vượt hơn 10 cây số đến hiến máu Chủ nhật Đỏ ngày 16/1.

Đạp xe hơn chục cây số đi hiến máu

Sáng 16/1, hàng nghìn người dân từ các buôn làng vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) tề tụ về Nhà văn hóa huyện tham gia ngày hội Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong tổ chức.

Anh Nguyên, anh Nam (bên phải) cùng đạp xe đến hiến máu Chủ nhật Đỏ

Khi màn sương còn phủ đầy trên mọi vật, anh Nguyễn Công Nam (công tác tại UBND thị trấn Ea Knuốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) cùng anh Nguyễn Hoàng Nguyên (thành viên Hội xe đạp Ea Kar) đạp xe hơn chục cây số lên Nhà văn hóa huyện, tham gia hiến máu Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong tổ chức.

Anh Nam đã trên 20 lần hiến máu nhân đạo, còn anh Hoàng vừa chạm mốc 10 lần. Anh Nam cho biết hiến máu lần đầu vào năm 2006 khi còn làm cán bộ đoàn cơ sở.

Đông đảo người dân trên địa bàn huyện Ea Kar tham gia hiến máu

“Là cán bộ Đoàn, mình tiên phong làm gương mới vận động được anh em. Trong những lần cho máu, mình nhớ nhất lần hiến cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay là Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên) vào năm 2009. Khi đó, mình đang học Trung cấp lý luận chính trị trên TP. Buôn Ma Thuột, đoàn trường thông tin có một bệnh nhân đang cần máu cấp cứu. Mình cùng một số người bạn lên bệnh viện hiến. Thủ tục hiến nhanh gọn. Hiến xong, chúng mình quay về lớp học bình thường”, anh Nam nhớ lại.

Nhiều lần tham gia ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ, anh Nam cho hay, luôn bị thu hút bởi sắc đỏ được phủ khắp từ trung tâm đến buôn làng vùng sâu. Do đó, năm nào, anh cũng cố gắng thu xếp công việc để đến với ngày hội và giữ nguyên tinh thần còn sức khỏe là còn hiến.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo báo, nhà báo Tuấn Nguyễn (thứ 2, từ trái qua), Thư ký tòa soạn Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, trao kỷ niệm chương cho đại diện lãnh đạo huyện Ea Kar.

Cũng đạp xe đến ngày hội Chủ nhật Đỏ, thầy Nguyễn Đình Kinh (giáo viên dạy Toán, Trường THPT Ngô Gia Tự, thị trấn Ea Kar), đã 11 lần hiến máu. Thầy Kinh cho hay, toàn trường có 18 giáo viên đăng ký hiến máu. Mỗi lần đi cho máu, thầy luôn ghi lại thật nhiều hình ảnh đẹp của bản thân và các tình nguyện viên để đăng lên trang tin điện tử của trường nhằm lan tỏa tinh thần “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại” cho học sinh toàn trường.

Ông Báu (trên 20 lần hiến máu nhân đạo) tiếc nuối vì hết tuổi được hiến

Tương tự, ông Võ Ngọc Báu (thôn 3, 61 tuổi, xã Ea Kmut, hơn 20 lần cho máu), dù đã hết tuổi hiến máu vẫn đến Chủ nhật Đỏ vì không khỏi háo hức. Ngoài ông Báu, trong thôn 3 còn có 37 tình nguyện viên tham gia. Ông Báu là tình nguyện viên đặc biệt của chương trình “Chủ nhật Đỏ”. Mỗi khi chương trình tổ chức tại huyện Ea Kar, ông Báu đưa cả con dâu, con trai đi hiến, đồng thời vận động bà con hàng xóm cùng tham gia. “Tôi cũng khai báo y tế, xếp hàng khám sức khỏe… Họ không cho hiến, tôi tiếc lắm nhưng không sao. Tôi ở đây động viên bà con buôn làng hiến máu”, ông Báu tâm sự.

Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp

Đó là tinh thần từ bi của nhà Phật mà Đại đức Thích Phương Trọng- Trụ trì Chùa Tuệ Vân (thị trấn Ea Knuốp, huyện Ea Kar) luôn tâm niệm và lan tỏa đến phật tử thông qua việc kêu gọi hiến máu cứu người. Bản thân Đại đức đã 5 lần hiến máu nhân đạo. Cứ có chương trình hiến máu, Đại đức sắp xếp công việc tham gia, đồng thời chia sẻ rộng rãi trên website, fanpage của chùa cho phật tử cùng biết. Sáng 16/1, Đại đức cùng chú tiểu Chơn Tánh và 2 phật tử vượt hơn 10 cây số đến hiến máu Chủ nhật Đỏ.

Đại đức Thích Phương Trọng, Trụ trì Chùa Tuệ Vân tham gia hiến máu

Giữa đoàn người hiến máu, ông Nguyễn Đăng Sơn (59 tuổi, buôn Ea Brah, xã Ea Sô) nổi bật với mái tóc bạc phơ nhưng khi đưa kim vào lấy máu, chưa tới 3 phút đã căng đầy bịch. “Đây là lần thứ 7 tôi cho máu. Còn 1 năm nữa, tôi hết tuổi được hiến, tiếc quá. Giá như tôi biết đến phong trào hiến máu sớm hơn thì hay biết mấy. Tôi làm nghề đổ bê tông, thường xuyên đi đây đó nên ít biết chương trình để tham gia. Năm ngoái hiến xong, bác sĩ khuyên về nghỉ ngơi nhưng không có người đổ bê tông nên tôi đi làm ngay và thấy trong người không sao”, ông Sơn nói lý do vượt hơn 20 cây số đến ngày hội Chủ nhật Đỏ.

Bà Trần Thị Châu- Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Ea Kar cảm ơn ông Sơn đã vượt hơn
20 cây số đi hiến máu

Đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng- H’Hanh Niê (buôn M’rông, thị trấn Ea Kar) đã 3 lần hiến máu nhân đạo. “Hôm qua được gọi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3 nhưng em không đi. Nếu đi em sẽ không được hiến máu thì tiếc lắm. Từ năm lớp 12, em đã muốn hiến máu nhưng chưa đủ tuổi. Khi vào đại học, em được bạn cùng phòng rủ nhau xuống Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để cho máu. Em tự hào khi góp dòng máu Êđê hòa cùng dòng máu các dân tộc anh em”, H’Hanh tâm sự.

Nữ sinh H'Hanh Niê lùi lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 để đi hiến máu

Nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cư Huê, chị H’bông luôn hết mình với công việc thiện nguyện, nhất là phong trào hiến máu. Để chuẩn bị cho ngày hội Chủ nhật Đỏ, chị H’bông đa dạng hình thức vận động, thậm chí gõ cửa từng hộ để tuyên truyền. Đến sáng 16/1, xã của chị 120 người đi hiến máu, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân chị cũng trên 5 lần hiến máu, ngoài ra trong gia đình chị còn có 5 thành viên tích cực hiến máu.

Khu vực phát quà tặng của chương trình, tri ân người hiến máu

Tình nguyện viên hiến máu nhận quà

Dòng người đến ngày hội Chủ nhật Đỏ càng ngày càng đông. Bà Trần Thị Châu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Ea Kar cho hay, phong trào hiến máu nhân đạo đã được lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Cứ có chương trình, Hội chữ thập đỏ huyện sẽ thông báo đến các cơ sở thông qua kênh của hội và các đoàn thể chính trị xã hội khác. Được như vậy là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ea Kar và sự hưởng ứng tích cực của toàn thể bà con các dân tộc anh em trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Phú - Chánh văn phòng Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Mỗi lần lấy máu tại huyện Ea Kar, chúng tôi không sợ thiếu chỉ tiêu. Hơn 10 năm qua, Ea Kar là địa phương dẫn đầu tỉnh, thậm chí cả nước về phong trào hiến máu nhân đạo. Có thời điểm, chúng tôi lấy được trên 1.700 đơn vị máu. Nhiều lúc chương trình tổ chức cả ngày nhưng đến trưa, chúng tôi đã lấy đủ máu, trong khi vẫn còn hàng trăm người dân đã hoàn tất thủ tục xét nghiệm, chưa kể, số người đăng ký đi hiến buổi chiều”.

Cuối chương trình ngày 16/1 ở huyện Ea Kar, Ban tổ chức thu về 1.138 đơn vị máu, vượt xa chỉ tiêu ban đầu (800 đơn vị máu). Chương trình Chủ nhật Đỏ năm 2022 do báo Tiền Phong phối hợp UBATGT quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cùng Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Đắk Lắk và một số đơn vị tổ chức.

Tại Tây Nguyên, chương trình diễn ra ở 6 điểm, dự kiến tiếp nhận từ 2.500-3.000 đơn vị máu. Những ngày sắp tới, chương trình sẽ diễn ra tại huyện Krông Búk (18/1); Công an tỉnh Đắk Lắk (19/1).