Cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đổ thừa cho bà Hứa Thị Phấn

TPO - Trong phần xét hỏi các bị cáo chiều 25/7, bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) trình bày việc bà Hứa Thị Phấn là nguyên nhân gây ra hậu quả lớn cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB).

Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh trình bày, ngay từ đầu khi chưa khởi tố thì bị cáo tin rằng không có sai phạm. Và nếu sai thì cũng do người trước gây ra, chứ không phải do bị cáo gây ra.

“Tôi tin chắc rằng nếu không có vụ bà Sáu Phấn (Hứa Thị Phấn) chiếm đoạt hơn 5000 tỷ đồng thì tôi đã thành công với đề án xây dựng mô hình 4 nhà rồi”, bị cáo Phạm Công Danh phân trần.

Cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đổ thừa cho bà Hứa Thị Phấn ảnh 1 Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh Văn Minh

Cuối cùng, bị cáo Phạm Công Danh xin khắc phụ hậu quả đã gây ra, đồng thời mong HĐXX xem lại hậu quả do người khác gây ra để xem xét lại cho bị cáo. Bị cáo Phạm Công Danh cũng cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng đã chuyển về cho VNCB chứ không sử dụng đồng nào.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trầm Bê (nguyên phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank) giữ nguyên lời khai tại phiên tòa hồi tháng 1/2018.

Cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đổ thừa cho bà Hứa Thị Phấn ảnh 2 Bị cáo Trầm Bê. Ảnh Văn Minh

Tuy nhiên, bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét lại vai trò giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh phạm tội. “Hành vi của bị cáo là sai rồi nhưng về vai trò giúp sức đắc lực cho bị cáo Phạm Công Danh phạm tội thì mong xem xét lại”, bị cáo Trầm Bê nói.

Cựu lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng đổ thừa cho bà Hứa Thị Phấn ảnh 3 Các bị cáo dẫn giải ra về trại giam sau khi kết thúc phiên tòa ngày thứ 2. Ảnh Văn Minh

Tương tự, trong phần xét hỏi các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên là Thành viên HĐQT, giám đốc khối kinh doanh VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên trưởng phòng tín dụng VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách bộ phận kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh), Nguyễn Việt Hà (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý Qũy Lộc Việt)…Các bị cáo này cho biết vẫn giữ nguyên lời khai tại phiên tòa hồi tháng 1/2018.

Theo cáo trạng, từ năm 2013-2014, Phạm Công Danh cần có tiền sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Sau đó bị 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG