Thông tin ban đầu cho biết, trong quá trình xét xử đại án kinh tế tham nhũng xảy ra tại Oceanbank, cơ quan tố tụng xác định Hà Văn Thắm đã có hành vi chỉ đạo Lê Thị Thu Thủy và Vũ Thị Thùy Dương tạo dựng các hợp đồng dịch vụ khống, rút tiền chuyển vào tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương để hoàn ứng tiền chi lãi ngoài, chi tiếp khách và chi đối ngoại.
Cụ thể, cơ quan tố tụng xác định, trong giai đoạn từ năm 2010-2013, Oceanbank đã thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền với số tiền lớn dẫn đến không còn nguồn tiền để hoàn ứng. Do đó, Hà Văn Thắm chỉ đạo Thủy phối hợp với bộ phận kinh doanh tìm các nguồn tiền nộp vào tài khoản của Dương.
Từ chỉ đạo này, Oceanbank đã tìm kiếm và ký kết hơn 40 hợp đồng khống và nâng khống với 19 đối tác trong và ngoài tập đoàn Oceanbank với tổng giá trị hơn 133 tỷ đồng. Nội dung của các hợp đồng chủ yếu là dịch vụ quảng cáo, thuê trụ sở, tổ chức hội nghị, mua thẻ bơi, tập gym... Oceanbank đã thanh toán cho các đối tác khoản tiền gần 130 tỷ đồng (tiền thực làm chỉ là hơn 14,5 tỷ đồng), được hạch toán qua các tài khoản chi phí của Oceanbank. Sau đó, các đối tác được thanh toán đã chuyển lại cho Oceanbank hơn 80 tỷ đồng.
Các cơ quan tố tụng phát hiện, khoản tiền trên sau đó đã được chi một phần cho Hà Văn Thắm nhưng chưa xác định rõ lý do, chi lãi ngoài cho Lọc Hóa dầu Bình Sơn, PVI và PVPower. Trong gian đoạn 1 đại án kinh tế, tham nhũng tại Oceanbank, các cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi của 50 bị cáo về các tội: “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ...”, “Vi phạm quy định về cho vay...” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Oceanbank vừa qua, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cũng đã công bố thêm ngoài số tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng là cá nhân, Oceanbank còn chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước, nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của những tổ chức này.
Trong số đó, các bị cáo khẳng định đã chi tiền cho lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Lọc Hóa dầu Bình sơn, Tổng Công ty Bảo hiểm dầu khí VN (PVI), Tổng Công ty Điện lực dầu khí VN (PVPower)...
“Điều này cho thấy có dấu hiệu của việc móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi" - đại diện VKS thông tin.