Cựu chủ tịch lừa nghìn người và những giọt nước mắt đắng cay

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người bị hại của Chương trình "Trái tim Việt Nam" đến dự tòa với gương mặt khắc khổ, mái tóc hầu như đều đã ngả màu thời gian. Có người không cầm được nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình.

Theo bản án sơ thẩm, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn thành lập. Ông Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn bà Lê Thị Hằng (59 tuổi, đã chết năm 2021) làm Tổng giám đốc.

Từ tháng 4/2015, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo chưa được cấp phép hoạt động, nhưng ông Trung và đồng phạm lấy danh nghĩa đơn vị này, tổ chức chương trình Trái tim Việt Nam và nhiều hội thảo thu hút, lôi kéo người dân nộp tiền để hưởng lãi suất cao.

Cựu chủ tịch lừa nghìn người và những giọt nước mắt đắng cay ảnh 1

Bị cáo Trần Đức Trung

Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, phân công 6 nhóm đi thu tiền của người tham gia chương trình tại 16 tỉnh, thành phố. Sau đó, tiền được chuyển về văn phòng trung tâm ở 102 Trường Chinh (Hà Nội).

Ban đầu, các bị cáo thu về 148 tỉ đồng từ các địa phương và hơn 42 tỉ đồng tại văn phòng Trường Chinh. Sau đó, họ lấy một phần tiền của người nộp sau trả cho người trước.

Thông qua chương trình Trái tim Việt Nam, ông Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỉ đồng của 1.008 bị hại. Tại tòa, HĐXX chỉ xác định được hơn 800 người bị hại.

Trong đó, bị cáo Trung chiếm hưởng 26,3 tỉ đồng. Các bị cáo khác chiếm hưởng từ vài trăm triệu đến hơn 8 tỉ đồng.

Cuối năm 2015, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo.

Lúc này, các bị cáo tiếp tục móc nối với Nguyễn Tuấn Lân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế NewStar) tổ chức chương trình Liên kết ba bên, hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng.

Qua chương trình Liên kết ba bên, các bị cáo tiếp tục thu về gần 17,5 tỉ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước. Sau đó, ông Trung chi trả một phần tiền cho những người tham gia chương trình Trái tim Việt Nam, còn lại chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng.

Nước mắt đắng cay

Phiên tòa xét xử nhóm lừa đảo thông qua Chương trình “Trái tim Việt Nam”, mà ông Trung bị xác định là kẻ chủ mưu chật ních người bị hại.

Họ đa phần đều là những người cao tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Một vài người bị hại thậm chí đã chết trước ngày nhóm lừa đảo hầu tòa.

Nhiều người bị hại mang gương mặt khắc khổ, mái tóc hầu như đều đã ngả màu thời gian. Ở những góc hành lang, buổi trưa nóng bức, người mở gói xôi, người bóc chiếc bánh gói lá ra ăn vội cho đỡ đói.

Một người đàn ông chừng ngoài 60 tuổi, vân vê tờ giấy triệu tập của tòa, gương mặt khắc khổ chia sẻ: “Tôi bị lừa vài chục triệu thôi, nhưng chừng đó với một hộ nghèo là cả một gia tài”.

Ở một góc phòng xử, trong lúc chờ HĐXX nghị án, bà Đinh Thị Thắm (66 tuổi, ở Nam Định) nước mắt ngắn dài tâm sự, bà bị lừa hơn 300 triệu đồng.

Cựu chủ tịch lừa nghìn người và những giọt nước mắt đắng cay ảnh 2

Những giọt nước mắt đắng cay của bà Đinh Thị Thắm. Ảnh: T.Nhung

Trong đó phần nhiều là tiền của 37 người thân, quen mà bà đã gom để nộp vào Chương trình “Trái tim Việt Nam”, những mong nhận lại được khoản hỗ trợ cho người nghèo.

Những người mà bà Thắm gom tiền là những người nghèo khổ, là người thân gia đình nội ngoại, nhiều người có xác nhận hộ nghèo, có người cụt cả hai chân, lay lắt tìm cách mưu sinh qua ngày.

Gom tiền của 37 người đem nộp, bà Thắm những mong họ được hỗ trợ hàng tháng, để thêm được cân gạo cho cuộc sống bớt cơ cực, nhưng đến nay, bà trở thành “con nợ” của họ. Bà phải gom hết tiền tiết kiệm trả nợ để giữ lại danh dự cho mình mà vẫn không đủ.

“Tôi phải lên Hà Nội làm nghề giúp việc để gom tiền trả nợ. Nhưng đắng cay nhất là bị mọi người nhìn mình như kẻ lừa đảo, bị chồng con mất lòng tin. Thậm chí mẹ tôi ốm, tôi sang thăm cũng bị mắng chửi... gia đình tan nát hết, không lấy lại được”, bà Thắm rớt nước mắt tâm sự.

Bà Thắm giãi bày rằng, mình không có ý định lừa ai hết. “Cô thực sự ức cực kỳ luôn, nhưng không giãi bày được”, lời bà Thắm.

Theo lời bà Thắm, sở dĩ bà tin mà nộp tiền cho Chương trình “Trái tim Việt Nam” vì bà đã được đi dự hội thảo của chương trình, được “lên tận Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam để dự hội thảo. Ở đó có cả người nước ngoài, có chụp ảnh quay phim... Họ nói sẽ ủng hộ người nghèo...”

Ngồi kế bên bà Thắm là một người phụ nữ trạc tuổi bà, đến từ Thái Bình. Người phụ này cho biết đã bị lừa 700 triệu đồng. Tiền đem nộp cho Chương trình “Trái tim Việt Nam” bà cũng gom của nhiều người thân quen. Đến nay, bà đã phải bán nhà đi để trả nợ.

Trong khi nhiều phận đời cơ cực, nhiều người bị hại mong ngóng được lấy lại tiền, tại toà, bị cáo Trần Đức Trung cho rằng mình bị oan, không lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại và không chấp nhận bồi thường.

HĐXX đã bác toàn bộ quan điểm bào chữa, tự bào chữa của ông Trung và luật sư về việc cho rằng bị cáo oan.


Link gốc: https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-lua-nghin-nguoi-va-nhung-giot-nuoc-mat-dang-cay-2047900.html

Theo Tuyết Nhung/vietnamnet.vn
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.