Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với 4 bị can có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).
Trong đó, ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, Trần Lục Lang - Phó Tổng giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa - nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh bị bắt tạm giam. Đối với bị can Lê Thị Vân Anh - nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cả bốn bị can này đề bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhiều vi phạm của ông Trần Bắc Hà
Trước đó, từ ngày 28-30/5/2018, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp kỳ 26 xem xét, kết luận vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV.
Theo biên bản kết quả kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư về dấu hiệu vi phạm tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.
Với cá nhân ông Trần Bắc Hà, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm của ông là "rất nghiêm trọng". Cụ thể, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.
Cựu Chủ tịch BIDV cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
Tại phiên xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 hồi tháng 1/2018, Trần Bắc Hà là cái tên được nhắc nhiều lần. Ông Hà được xem là một trong những người có vai trò quan trọng trong vụ án nhưng lại vắng mặt dù đã được tòa triệu tập.
Trước đó, khi thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (VNCB) nhưng không có tiền để tăng vốn điều lệ, ông Phạm Công Danh đã đến Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) gặp Phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng để đặt vấn đề vay vốn.
Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, ông Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn 12 công ty để đứng tên trên hồ sơ vay vốn.
Các hồ sơ vay vốn được Phạm Công Danh chỉ đạo lập khống để nộp cho BIDV. Ngoài ra, ông Danh còn dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay.
Ông Trần Bắc Hà lúc này đang giữ chức Trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV. Ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn.
Sau khi BIDV chấp thuận giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.
Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV cho 12 công ty vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng, không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay…
Nhiều lãnh đạo BIDV liên quan
Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư còn chỉ ra 2 lãnh đạo khác của BIDV cũng có trách nhiệm để xảy ra sai phạm.
Cụ thể, ông Đoàn Ánh Sáng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc và ông Trần Lục Lang - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc BIDV, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy. Ông Sáng và ông Lang cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank).
Ông Sáng và ông Lang liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Trầm Bê. Trong vụ án này, cấp dưới của ông Sáng là ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo đã bị truy tố là đồng phạm với ông Phạm Công Danh về tội “Cố ý làm trái…”. Ông Sáng là người đã ký 2 hợp đồng tín dụng cho các công ty của ông Danh vay 1.700 tỷ đồng.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư đánh giá, các vi phạm của ông Trần Bắc Hà cùng với 2 cá nhân khác là ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Đến ngày 31/8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thông báo về việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao. Trong đó, ông Đoàn Ánh Sáng chính thức thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc ngân hàng.
Ông Trần Bắc Hà (SN 1956, quê tỉnh Bình Định). Từ khi bắt đầu sự nghiệp ông đã gắn bó với BIDV. Khi đó, ông mới 25 tuổi. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định. Trước đó, ông từng giữ các chức vụ như: Giám đốc Sở Giao dịch III, Giám đốc Cty quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, Giám đốc Cty chứng khoán BIDV…
Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông Hà được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng.
Đầu năm 2008, ông Trần Bắc Hà sở hữu gần 40% cổ phần, giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BID.
Ngoài vai trò lãnh đạo tại BIDV, ông Hà từng là Chủ tịch HĐQT hàng loạt công ty như: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC); Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC); Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC); Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).