Cừu chết vì hạn, dân Bác Ái hoang mang

Cừu non chết dần. Ảnh: L.C.T.
Cừu non chết dần. Ảnh: L.C.T.
TP - Mỗi ngày, hàng chục con cừu non ở Bác Ái, Ninh Thuận lăn ra chết. Mới đầu mùa khô, hạn hán đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm con cừu nơi đây, khiến người chăn nuôi lo lắng. 

Nước mắt của cừu

“Cừu chết thì mang ra chôn ngoài bãi Suối Chảy. Ai lười thì quăng ra cho chó ăn”- anh Đinh Văn Hùng (52 tuổi, ở Bác Ái, Ninh Thuận) tay ôm con cừu trơ xương, nói. Bản thân là bác sĩ thú y nhưng ngoài việc nhìn đàn cừu từng ngày ốm mòn, anh Hùng không còn cách nào khác. Số lượng cừu chết trong trang trại anh Hùng kể từ giữa tháng 3 đến nay đã hơn 20 con. Đến tháng 4 này thì không còn đếm nổi nữa. Trang trại 3,5 héc ta với 240 con cừu đứng giữa cái chết được báo trước.

Trước kia, tại thôn có hơn 20 hộ nuôi cừu. Nhưng mùa hạn hán khiến không một đồng cỏ nào sống sót nổi. Đàn cừu cũng vì thế mà ngã gục. Người dân bỏ nghề. Ninh Thuận hiện chỉ còn gần 10 hộ nuôi cừu. Ninh Thuận những vào mùa nóng vùng núi trơ trọi, lửa đổ trên mặt đường. Đàn cừu sống qua mỗi mùa hạn hán dưới lớp lông dày sụ là cả một sự chịu đựng. Những con cừu non 3 tháng, cừu mẹ chết, bỏ lại chúng bơ vơ giữa đàn. “Hạn hán, cừu con đẻ ra, khả năng chết cao lắm”- anh Hùng nói.

Chị Alăng N. (48 tuổi), người dân tộc Raglai là “bà đỡ” cho hàng trăm con cừu tại trang trại của ông Trần Ngọc Hòa suốt 10 năm nay. “Nhìn cừu chết thương lắm chớ. Con non chết vì không có sữa mẹ mà bú”- chị bần thần. Trang trại của ông Hòa với hơn 1.000 con cừu. Đầu tháng 3 đến nay, hơn 100 con chết. Xác cừu vẫn còn nằm dưới gầm nhà sàn, kiến bâu kín, bầm đen. Nhiều hộ chăn nuôi phải cho cừu non ăn tạm cỏ với giá 140.000 đồng 2 bao mỗi ngày. Tất cả chỉ là cầm cự. Vì chắc chắn, chúng sẽ chết.

Người nuôi khóc thầm

Hạn hán khủng khiếp rút cạn nguồn sống của không chỉ cừu mà còn của nhiều loài gia súc khác. Những khúc sông “bốc hơi” thành hồ, xe chạy, khói tung mịt trời. Vườn ruộng cạn kiệt, lòi gốc mạ. Cỏ triệt sạch, rãnh nứt bạt ngàn trên đồng, hoang tàn. Mặt trời không buông tha cho vùng núi vốn đã nghèo sức sống. Nguồn thức ăn chính của cừu không thể sống nổi, buộc người chăn phải bổ sung thức ăn khác, đó là cám.

Cừu vẫn ăn, cho gì ăn nấy. Nhưng nếu không phải là cỏ, thì trước sau gì chúng cũng sẽ chết. Cám và các loại thức ăn khác sẽ làm cừu mắc các bệnh như chướng hơi dạ cỏ, tức bụng, không tiêu hóa được. Anh Hùng nuôi cừu từ năm 1999 cách Bác Ái hơn 2km. Sau đó, anh chuyển về gần thôn. Trước kia, anh có 2 trại nhưng giờ anh bỏ bớt một. Năm 2014, cừu bắt đầu chết dần. Tổng đàn giống mỗi hộ bình quân 1.000.000/con. Gia đình anh và các hộ khác đã chủ động mua cỏ tươi với giá 70.000 mỗi bao. Nhưng đối với một đàn cừu hơn 240 con, duy trì chế độ ăn như vậy “chỉ có nước bán nhà!” Chưa kể tiền nhân công chăn mỗi ngày 70.000 đồng.

Anh Pi Năng Ấm (25 tuổi, dân tộc Raglai) 6 giờ sáng dắt đàn cừu lên đồng thả nhưng đến 2 giờ chiều phải lùa về, vì những con sông chỉ còn là vũng lầy. Để cứu cừu, không còn cách nào khác. Nếu ăn ở quá xa, khô họng, khát nước, cừu không sống nổi. Mặc kệ sự cố gắng của người dân, cừu cứ chết. Có trại trong ngày 6/4 có 3 con giống lìa đời.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện vẫn chưa thống kê được số lượng cừu chết. Chi cục xác định nguyên nhân ban đầu là do ảnh hưởng của mùa hạn hán kéo dài, dẫn đến đàn cừu suy kiệt.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.