Cựu binh nói máu của lính Mỹ ở Afghanistan đã đổ vô ích

0:00 / 0:00
0:00
Jason Lilley đã tham gia chiến trường Iraq và Afghanistan suốt 16 năm. (Ảnh: Reuters)
Jason Lilley đã tham gia chiến trường Iraq và Afghanistan suốt 16 năm. (Ảnh: Reuters)
TPO - Jason Lilley là một lính đặc nhiệm đã chiến đấu trên nhiều chiến trường ở Iraq và Afghanistan, trong cuộc chiến dài nhất mà nước Mỹ từng tham gia.

Khi Lilley, 41 tuổi, nói về quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc chấm dứt sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan từ ngày 31/8, anh bày tỏ tình yêu đối với đất nước mình, nhưng không hài lòng với các chính trị gia và tiếc thương cho máu và tiền bạc đã bị phung phí. Các đồng đội của anh thiệt mạng và bị thương trong những cuộc chiến mà anh nói là không thể chiến thắng, khiến anh phải suy nghĩ lại về nước mình và cuộc sống của mình.

“Chúng tôi đã thua 100% trong cuộc chiến. Tất cả đều là để thoát khỏi Taliban và chúng tôi không làm được điều đó. Taliban sẽ lại tiếp quản”, Lilley nói với Reuters khi đang ở nhà anh tại miền nam TP Los Angeles.

Ông Biden nói rằng người dân Afghanistan phải tự quyết định tương lai của mình và Mỹ không nên hy sinh một thế hệ nữa trong một cuộc chiến tranh không thể thắng.

Loạt tấn công 9/11 mở ra cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, khiến hơn 3.500 lính Mỹ và đồng minh thiệt mạng, cùng với 47.000 dân thường Afghanistan và ít nhất 66.000 binh lính Afghanistan. Bên cạnh đó, hơn 2,7 triệu người Afghanistan phải đi sơ tán, theo số liệu của dự án Chi phí chiến tranh do ĐH Brown thực hiện,

“Liệu có đáng không? Đó là một câu hỏi lớn”, Lilley chất vấn, sau khi đã có mặt trên các chiến trường Iraq và Afghanistan gần 16 năm.

Anh nói rằng việc triển khai quân đến đây là để đánh bại kẻ thù, phát triển kinh tế và nâng cả đất nước Afghanistan lên. Nhưng anh nói rằng tất cả đều thất bại.

Quan điểm của Lilley phản ánh suy nghĩ của anh và một số cựu chiến binh khác, giống như việc người Mỹ thường có đánh giá khác nhau về cuộc chiến dẫn đến sự cải thiện quyền phụ nữ hay chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan mà đặc nhiệm Mỹ thực hiện năm 2011.

"Nghĩa địa" của các đế quốc

Quyết định rút khỏi Afghanistan của ông Biden được cả hai đảng ủng hộ. Một cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 12-13/7 cho thấy chỉ có 3 trên 10 nghị sĩ Dân chủ và 4 trong 10 nghị sĩ Cộng hoà tin rằng quân đội Mỹ nên ở lại.

Lilley và những lính thuỷ đánh bộ khác ở Afghanistan so sánh cuộc chiến này với chiến tranh ở Việt Nam. Họ nói rằng trong cả hai cuộc chiến, Mỹ đều không có mục tiêu rõ ràng, trải qua nhiều đời tổng thống Mỹ và đều đối mặt với đối thủ không quân phục nhưng mạnh.

Jordan Laird, 34 tuổi, là lính trinh sát bắn tỉa đã phục vụ trên chiến trường Iraq và Afghanistan.

Laird chiến đấu trong thung lũng Sangin, tỉnh Helmand, một trong những khu vực tranh chấp dữ dội nhất ở Afghanistan, từ tháng 10/2020 – 4/2011. Trong 3 tháng đầu đến đây, Laird nói rằng 25 người trong đơn vị của anh chết trên chiến trường và hơn 200 người bị thương. Bạn thân nhất của anh chảy quá nhiều máu ở tay đến mức không qua khỏi.

Khi ở Afghanistan, Lilley nói rằng anh dần hiểu tại sao các nhà sử họ gọi đó là “nghĩa địa của các đế chế”.

Anh xâm lược Afghanistan hai lần trong thế kỷ 19 và hứng những cuộc bại trận thảm hại nhất ở đó vào năm 1842. Liên Xô cũng hiện diện ở Afghanistan từ năm 1979 đến 1989, với 15.000 binh lính thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương.

Lilley nói rằng anh vỡ mộng một phần vì quy tắc hoạt động của Mỹ vào Afghanistan. Ví dụ, các đơn vị không được thực hiện những cuộc đột kích ban đêm nhằm vào Taliban.

“Lính thuỷ đánh bộ không phải được huấn luyện để hôn trẻ sơ sinh hay phát tờ rơi. Chúng tôi đến đó để loại bỏ. Chúng tôi không thể làm cả hai việc. Chúng tôi đã thử và thất bại”, Lilley nói.

Lilley bắt đầu thay đổi suy nghĩ sau khi nghe một tù nhân Taliban nói rằng lực lượng này sẽ chờ đến khi Mỹ mất niềm tin vào cuộc chiến. “Chuyện đó xảy ra năm 2009. Và giờ đến năm 2021, anh ta đã nói đúng. Vì sao chúng ta lại thua?” Lilley chất vấn.

Trở về từ chiến trường, Lilley nói rằng anh thậm chí đã không nhìn lá cờ Mỹ trong nhiều năm vì anh cảm thấy giận dữ khi anh và những đồng đội bị điều đến một cuộc chiến không thể chiến thắng. Anh cho biết anh đã gặp nhiều bác sĩ tâm lý, nhưng sự an ủi lớn nhất đối với anh là từ những đồng đội.

Lilley hiện là phó chủ tịch Quỹ chiến binh Reel, tổ chức hoạt động để trao cho các cựu chiến binh cơ hội thoát khỏi quá khứ và tái hoà nhập với cuộc sống bình thường bằng cách đưa họ đi tham gia các chuyến đi câu cá.

Lilley nói rằng anh thất vọng khi Mỹ có vẻ không rút ra bài học từ Việt Nam, nơi 58.000 lính Mỹ thiệt mạng mà Washington cuối cùng vẫn thua.

“Chúng ta nên tránh chiến tranh bằng mọi giá. Đừng vội vàng lao vào lưới chiến tranh, vào cỗ máy kiếm tiền và hợp đồng. Rất nhiều người kiếm được nhiều tiền từ những điều này”, Lilley nói.

Một đồng đội của Lilley ở Afghanistan là Tristan Wimmer, một cựu lính trinh sát bắn tỉa. Anh trai của Wimmer là Kierman, cũng là một cựu lính thuỷ đánh bộ, chết vì tự tử năm 2015. Kierman bị trấn thương sọ não ở Iraq trước khi bị điều đến Afghanistan.

Wimmer, 37 tuổi, hiện đang tổ chức các hoạt động gây quỹ để nâng cao nhận thức về tình trạng cựu binh tự sát.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.