Cướp biển - nghề 'hot' ở Somali

Cướp biển - nghề 'hot' ở Somali
TP - Theo thống kê của hải quân Mỹ thì từ tháng 1/2008 đến nay đã có hơn 50 tàu bị tấn công ở gần bờ biển Somali, trong đó 25 tàu bị cướp, 14 tàu bị bắt giữ, hơn 200 thuyền viên bị giữ làm con tin.
Cướp biển - nghề 'hot' ở Somali ảnh 1
Đội quân hải tặc của Abadi trên bờ và khi hoạt động trên biển

Sự kiện tàu MV Faina của Ukraine chở 33 xe tăng T-72 cùng nhiều vũ khí hiện đại khác bị cướp trên đường tới Kenya còn chưa yên thì đến lượt “siêu tàu chở dầu” Sirius Star trọng tải 20 vạn tấn đang chở 2 triệu thùng dầu của Ả rập Saudi bị rơi vào tay hải tặc Somali. Chưa bao giờ cướp biển Somali lại hoành hành dữ dội và táo tợn như vậy.

Mỗi khi ngoài khơi xảy ra một vụ tàu hàng bị hải tặc tấn công ngoài khơi Somali là trên bờ, tại thành phố cảng Zailla - đại bản doanh của cướp biển lại xuất hiện những cảnh tượng không bình thường: một số người với trang phục chỉnh tề xách theo laptop đi trên những xe hơi sang trọng từ nơi nào đó phóng tới.

Họ có thể là những kế toán viên hoặc đại biểu đàm phán của những kẻ cướp biển.  Điều đó cho thấy mức độ “chuyên nghiệp” cao của hải tặc Somali.

Những kẻ hải tặc phần lớn là đàn ông trong độ tuổi 20 - 35, sinh ở vùng Bantran thuộc miền Bắc Somali, nghề nghiệp cũ của họ thường là ngư dân, chuyên gia kỹ thuật hoặc dân quân. Nay họ đều đã trở nên giàu có, cầm lái những chiếc xe hơi đắt tiền, có vợ cả và thêm những cô vợ lẽ trẻ đẹp.

Gần đây đám hải tặc này liên tiếp ra tay khiến tiền bảo hiểm của các thương thuyền đi qua vịnh Aden tăng lên 10 lần chỉ sau 1 năm. Giá chuộc một con tàu cùng thuỷ thủ đoàn giờ đây đã tới từ 30 vạn đến 1,5 triệu USD.

Những kẻ cướp biển này thậm chí tự xưng là “Lực lượng phòng vệ bờ biển”. Chỉ có một số ít là những hải tặc chuyên nghiệp, còn phần lớn là những người bị lôi kéo.

Tham gia vào hoạt động cướp biển có đủ loại công việc khác nhau, trong đó có bộ phận chuyên phụ trách việc nuôi ăn và chăm sóc các con tin.

Đánh cướp các tàu hàng giờ đây đã trở thành cột trụ kinh tế của cả vùng Bantran và Zailla là địa điểm chuyên dùng cho việc tiến hành các cuộc đàm phán giữa các khổ chủ với bọn hải tặc.

Thậm chí ở đây đã xuất hiện những khách sạn đặc biệt chuyên nuôi dưỡng các con tin. Hải tặc cần tiền nên khá chú ý đến việc chăm nuôi các con tin.

Zailla là sào huyệt của cướp biển, đến nay chính quyền vẫn chưa đụng tới nên có dư luận cho rằng đã có sự thông đồng, cấu kết giữa hải tặc với quan chức địa phương. Có người dân nói: làm hải tặc giờ đây đã trở thành nghề thời thượng ở Zailla.

Hiện nay có 4 nhóm cướp biển lớn đang hoạt động ở đây, trong đó lớn nhất và táo tợn nhất là nhóm của Abadi, kẻ có biệt hiệu là “Tư lệnh lính thuỷ đánh bộ Somali”.

Abadi vốn là một lính người nhái thuộc hải quân, từ nhỏ đã có tính hung bạo. Năm 1991, chính phủ Bare bị lật đổ, các quân phiệt địa phương nổi lên cát cứ, mới 12 tuổi nhưng Abadi đã bị quân phiệt địa phương bắt lính.

Năm 15 tuổi Abadi đã dẫn lính về đốt trụi cả làng nơi hắn sinh ra vì cha mẹ hắn đã chết do không có tiền chữa bệnh, sau đó y được cho làm trung đội trưởng.

Năm 21 tuổi y đã bắn chết viên quân phiệt và tự phong làm tư lệnh vùng Bantran. Để nhanh chóng làm giàu, Abadi đã thu phục, thống nhất các băng nhóm trong vùng thành một tổ chức hải tặc lớn có tới 1.000 thành viên, đặt ra các chức “đại soái”, “thiếu soái”, “quan tài chính”, bắt lũ đàn em gọi mình là “Tư lệnh lính thủy đánh bộ Somali”, thi hành chế độ quản chế rất nghiêm ngặt.

Để có trang bị tốt phục vụ việc cướp biển, y cho đánh cướp chiếm mấy tàu cá lớn để cải tạo làm “tàu mẹ” rồi mua mấy chục xuồng cao tốc biên chế cho các “tàu mẹ”.

Các con “tàu mẹ” cải trang giống tàu đánh cá ấy hàng ngày chạy đi chạy lại trên biển, hễ phát hiện thấy “con mồi” là thả các xuồng cao tốc mang theo các hải tặc được trang bị mạnh lao tới.

Trong thời gian đàm phán hắn sẽ căn cứ vào giá trị con tàu và quốc tịch của các thuyền viên để định ra mức tiền chuộc. Mỗi năm Abadi thu được khoảng 30 triệu USD nhờ tiền chuộc.

Để thu phục nhân tâm, Abadi dành một khoản tiền để cứu tế các ngư dân nghèo và còn cử ra “Người phát ngôn” để rêu rao luận điệu nguỵ biện: “Do chính phủ Somali bất lực trong việc bảo vệ quyền lợi biển để cho tàu thuyền nước ngoài ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh hải, cướp đoạt tài nguyên nên việc đòi tiền của họ chỉ là nhằm bù đắp thiệt hại của đất nước. Chúng tôi chính là lực lượng bảo vệ biển của Somali(?!)”.

Tình trạng vô chính phủ đã diễn ra ở Somali trong gần 20 năm qua và đó chính là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động cướp biển phát triển và hoành hành.

Phương Lan
Theo Tân Hoa

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.