Cuốn sách 200 kg của kỳ nhân phố núi

HS Biện và cuốn sách thư pháp Bình Ngô đại cáo
HS Biện và cuốn sách thư pháp Bình Ngô đại cáo
TP - Suốt một năm ròng, chàng họa sĩ (HS) gàn Võ Trịnh Biện đã dùng ngón tay thay cọ để chép áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào cuốn thư pháp nặng 200 kg và dành tặng thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm tuổi.
HS Biện và cuốn sách thư pháp Bình Ngô đại cáo
HS Biện và cuốn sách thư pháp Bình Ngô đại cáo.

Độc nhất vô nhị

Kỳ nhân phố núi vừa hoàn thành cuốn thư pháp Bình Ngô đại cáo dày gần 30cm và nặng 200kg. “Áng thiên cổ hùng văn này có 79 câu (vế) và mình đã chép nguyên văn mỗi câu trên một trang giấy croquis khổ 89cm x 160cm.

Ngoài ra, trong mỗi câu, mình lại chọn một từ đắc nhất để trình bày khổ lớn bên ngoài khung nền, tạo cho người xem một cách tiếp cận sống động. Chẳng hạn trong vế câu Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, từ đại nghĩa được viết thêm một lần với cỡ lớn, như một sự khẳng định” - Anh tâm sự.

" Vẽ bằng đầu ngón tay mình thấy rung cảm hơn, như truyền vào chất liệu những nội lực để tác phẩm tự nó xuất hồn"  - Kỳ nhân phố núi nói 

Bằng một ngón tay trỏ và tre trúc, HS Biện đã sáng tác 189 kiểu hình nền khác nhau cho mỗi trang sách. Sau đó, vẽ một cách ngẫu hứng những chữ Hán trong Bình Ngô đại cáo lên hình nền tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thư họa với hình nổi ba chiều độc đáo. Toàn bộ trang vẽ này được tập hợp và đóng thành cuốn sách với gáy bằng đồng.

HS Biện liền gỡ một tờ lịch couche cũ trên tường xuống và trải lên mặt bàn, nhúng ngón tay vào đĩa mực xạ rồi dịch chuyển khá nhanh trên mặt trái của tờ lịch. Độ đậm nhạt của các nét chữ tùy thuộc vào độ nhấn (nặng – nhẹ) và độ lướt (nhanh – chậm) của ngón tay.

Chỉ mươi phút sau, một chữ Hán cổ đã thành hình với những đường nét, mảng màu có sắc thái khác hẳn khi vẽ bằng cọ. Mỗi nét chữ mang hình hài của một đốt tre, đốt trúc sống động như thật và đặc biệt là lưu dấu vân tay của người nghệ sĩ.

Tình yêu Hà Nội

HS Biện cho biết đã có ý định sáng tác cuốn thư pháp này cách đây 2 năm. Anh cùng người tri kỷ Lương Thị Khánh nhiều lần bàn bạc, cân nhắc giữa các tác phẩm Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Truyện Kiều của Nguyễn Du... và cuối cùng chọn Bình Ngô đại cáo vì vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, tinh thần dân tộc cao vừa có nhiều trang để mặc sức, thỏa lòng sáng tạo nghệ thuật.

Suốt một năm sau đó, HS Biện dày công sưu tầm các tài liệu, văn bản có liên quan; học hỏi thêm từ các nhà Hán học và văn học cổ Việt Nam để cảm nhận sâu sắc về Bình Ngô đại cáo với hy vọng có những khoảnh khắc thăng hoa khi viết thư pháp.

Sau nhiều lần vẽ phác thảo, HS Biện bắt tay vào sáng tác. Phải làm việc cật lực suốt 14 giờ mỗi ngày mới viết xong 3 câu, vậy mà, đôi khi vừa viết xong lại phải xé bỏ bởi có nét chữ chưa ưng ý hoặc viết sai vì chữ phức tạp. Cứ thế đằng đẵng một năm ròng miệt mài sáng tác tại phố núi Đà Lạt và sau đó ở TP. Hồ Chí Minh, cuốn thư pháp mới hoàn thành.

HS Biện cho biết sau khi triển lãm tại quê nhà Quãng Ngãi sẽ mang cuốn sách thư pháp này ra trưng bày tại Văn miếu Quốc Tử Giám rồi tặng Bảo tàng Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.000 năm.

Về việc chọn phong cách tre trúc, HS Biện nói: Khi chưa có giấy, người Việt cổ đã viết chữ trên thẻ tre. Tre, trúc vốn gắn bó với quê hương Việt Nam, nói rất nhiều về đất nước, con người Việt Nam, do đó hy vọng với phong cách này sẽ tạo ấn tượng đặc biệt, giới thiệu với những người yêu nghệ thuật thế giới về tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

MỚI - NÓNG