Nghỉ việc để đi gom rác
Trước khi quyết định đi gom rác, Luật là tư vấn du lịch cao cấp cho một công ty du lịch. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Luật nhân đà nghỉ việc, nhấn mạnh là nghỉ chứ không nhảy, sau đó một mình một ngựa sắt với khoảng 500 ngàn trong túi và hai bộ quần áo, chàng trai quê Quảng Trị bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình.
Khi tôi hỏi: Cú hích nào khiến anh đi đến quyết định bị nhiều người cho là “điên” này? Luật cho biết: “Tôi không có một cú hích nào vượt trội mà đây là một quá trình cố gắng tiếp thu và thay đổi nhận thức từ những năm 2016, sau khi trải qua 6 tháng sống chung với trầm cảm”.
Luật không gọi hành trình của mình là một chuyến phiêu lưu hay là một chuyến hành xác mà đó là “một chuyến đi gột sạch tâm hồn và làm sạch những nẻo đường mà tôi ngang qua”. Theo đó, bắt đầu từ tháng 7, công việc chính mỗi ngày của Luật là vừa đạp xe, vừa kêu gọi mọi người đồng hành đi gom rác chung qua những bức ảnh, bài viết chia sẻ những câu chuyện tích cực và tử tế mà anh gặp trên hành trình của mình, và hỗ trợ cộng đồng.
Để chuẩn bị cho chuyến đi dài này, hành trang của Luật chỉ có: hai bộ quần áo, đôi số phụ kiện thiết yếu cho việc đạp xe và sinh hoạt cá nhân, còn lại phó mặc cho sự linh động và thích nghi. Luật thích nghi với hầu hết điều kiện khó khăn mà mình gặp phải. Hai bộ quần áo được anh dự tính cho hành trình kéo dài 2 tháng, ban ngày mặc, tối về giặt, nếu không khô thì ngày mai treo lên xe, tiếp tục hành trình. Có hôm ở Phan Thiết, phơi đồ trên xe, đạp xong một đoạn nhìn lại mất cái quần – Luật kể.
Cũng phải nói thêm, hành trình Gom tiếp tục đến thời điểm hiện tại là nhờ vào cộng đồng. Số tiền mặt Luật mang đi để phòng thân chỉ vỏn vẹn 500 nghìn đồng, thế nhưng, qua một tháng, số tiền ấy vẫn chưa tiêu hết, anh cũng chưa một ngày phải ngủ ngoài đường. Mỗi tối, Luật ở chùa, ở nhà thờ, ở nhà dân, thậm chí có những người còn sẵn sàng mời anh vào ở khách sạn miễn phí.
“Có người hỗ trợ về nơi ăn, chốn ở. Có anh chị lại hỗ trợ về kinh phí. Có chị cứ đặt lịch hẹn vào ngày Chủ nhật cuối tháng sẽ chuyển cho Gom 300.000đ. Chị bảo rằng: Hành trình Gom là ước mơ của chị nhưng chị không thực hiện được nên sẽ đồng hành cùng tôi”, Luật kể.
Cũng vì COVID, chuyến đi của Luật liên tục bị delay. Lúc đại dịch này bùng nổ đợt 2 ở Quảng Nam và Đà Nẵng, Luật đã phải dừng hành trình xuyên Việt và quyết định quay về Phú Yên. Ở đó anh tham gia trồng cây ở Cao nguyên Vân Hoà, cùng với các bạn trẻ ở Đông Hoà, Phú Yên đi nhặt rác ở bãi biển, công viên và các khu vực khác... Tính đến thời điểm ấy, hành trình Gom đã đi được gần 750km, qua 8 tỉnh thành (TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi).
Hỗ trợ cộng đồng
Câu chuyện vui nhất và nhớ nhất của Luật trong hành trình Gom chính là đợt kêu gọi cứu trợ miền Trung vừa mới đây. Ban đầu, hành trình Gom nhận lời hỗ trợ cho chương trình cứu trợ ở Quảng Trị. Nhưng sau 4 ngày vẫn chưa xin được một đồng nào cả. Luật loay hoay nghĩ cách, cuối cùng đánh liều liên hệ với một KOL (Julia Doan) trong giới thời trang và được đồng ý hỗ trợ. Chỉ sau một thời gian gắn, chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều người, trong và cả ngoài nước. Cũng nhờ sự ủng hộ ấy, mà Gom và các bạn đã hỗ trợ được rất nhiều người vượt qua cơn khó trong đợt lũ vừa qua, bằng gạo muối củi dầu, bằng chăn bông và thuốc men... Suốt thời gian ấy, Luật gửi xe đạp, cùng “đồng đội” lội bùn mang vác đồ cứu trợ đến từng điểm bản.
Giải thích về giá trị tăng thêm trong hành trình Gom của mình, Luật cho biết: “Tôi cố gắng tận dụng sự ảnh hưởng của mình để gắn kết mọi người lại với nhau, từ đó kêu gọi để hỗ trợ những mảnh đời khó khăn hơn. Tôi quan niệm mình vẫn còn đang may mắn, vẫn có cơm ăn, có cafe để uống và vẫn còn sức khoẻ để theo đuổi ước mơ của mình. Vậy nên tôi quyết định nên làm điều gì đó có ích cho cộng đồng thông qua các sự kiện trung thu để hỗ trợ người khó khăn, kêu gọi cứu trợ ủng hộ đồng bào miền Trung và sắp tới đây là những chiến dịch hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập và áo ấm”.
“Sự khó khăn nhất trong cả hành trình mà tôi từng đối diện là cung đường đèo Vĩnh Hy, Ninh Thuận, dài 19 km, đỉnh đèo cao gần 1.000m. Tôi phải đạp qua những con dốc rất dài và cao, gió từ biển tạt vào, nhiều lúc làm lung lay chiếc xe đạp và cái nắng mùa hè ở Ninh Thuận thực sự khắc nghiệt. Cung đường rất ít nhà dân và có những lúc khát khô cả họng nhưng vẫn tìm không ra nhà dân để xin nước. Trong lúc đang đạp lên một con dốc thì có 2 thanh niên đi ngược chiều, thấy tôi đã nói với: “Dốc này mà mày đạp? Mày có khùng không? Tôi chào rồi nghĩ: Tui hơi điên chứ không có khùng rồi đạp tiếp”. Luật kể về trải nghiệm của mình.
Chuyện ấm từ những người lạ
Xuyên suốt hành trình, ngoài việc lao mình vào chuyện đạp xe và gom rác thì Luật vẫn luôn tìm kiếm sự kết nối với những "đồng đạp" và những người có cùng chung quan điểm với mình. Rất may mắn, con số ấy không phải là 2-3 người mà là hàng chục, hàng trăm người.
Nynh là một trong số những người đã để lại ấn tượng sâu đậm và truyền cảm hứng ngược cho Gom.
Nynh là một cô gái nhỏ nhắn đã từ bỏ công việc của mình ở Hà Nội để cùng với chiếc Ba Đảo của mình đạp xe từ Hà Nội vào Sài Gòn. Nynh bảo rằng mục đích của cô ấy là vì môi trường và giáo dục. Hành lý của Nynh ngoài những vậy dụng cơ bản thì còn một túi bom hạt và cô sẽ gieo những hạt đó ở những nơi cần được gieo.
Sau vài ngày Gom xuất phát, Nynh cũng rời Hà Nội để thực hiện hành trình của mình. Trên suốt hành trình của hai người, Gom và Nynh chia sẻ với nhau khá nhiều về những câu chuyện thú vị mà cả hai đã gặp trên đường đi, giữ liên lạc với nhau để đảm bảo không ai gặp bất trắc hay nhụt chí trong những ngày đạp xe.
Gom học theo Nynh xin được một túi Bom Hạt Bồ Hòn ở Books Homestay để mang đi gieo dọc hành trình. Còn Nynh, đi gom rác để nối tiếp hành trình Gom.
Chuyến đi của Luật, khởi đầu chỉ có “hai nhân vật”: chàng trai và chiếc xe đạp, đến giữa hành trình thì đã có cả một hệ thống người quen, bạn bè (mới) cùng anh chạy tiếp sức. Đây là một tin nhắn Luật nhận được khi đang trên đường ra Đà Nẵng: “Nếu bạn vào được Đà Nẵng thì mời bạn ghé nhà mình tá túc. Nhà mình chỉ có hai vợ chồng và con chó, cũng khá thoải mái...”.
Chính những câu chuyện ấm áp tương tự đã tiếp thêm năng lượng và lòng tin cho chàng trai 9X, để anh tự tin hoạch định tiếp cung đường miền Tây và Tây Nguyên. Theo Luật dự kiến, ”khi kết thúc chặng đường đó thì cũng là lúc xuân về, Gom lại xuôi đường từ Tây Nguyên để tiếp tục hành trình của mình ra Hà Nội”.
Cảm hứng từ những cuốn sách
Cảm hứng và ý tưởng cho chuyến đi thú vị này của Luật có đóng góp rất lớn từ những cuốn sách của Mohatman Gandhi, Lev Tolstoy và dịch giả Nguyên Phong... mà anh đã đọc.
Thói quen đọc sách hình thành cách đây gần hai năm, sau khi Gom tiếp cận và tìm hiểu Minimalism (chủ nghĩa tối giản). Kể từ đó Gom mê mẩn việc đọc sách, Gom đọc sách bất cứ khi nào có thời gian rảnh: Giờ nghỉ trưa ở công ty, giờ rảnh rỗi ở tiệm cafe và giờ rảnh rang lúc đi phỏng vấn...
Đó cũng là lí do tại sao Gom luôn khuyến khích mọi người dành thời gian để đọc sách bởi “sách là một kho tàng kiến thức vô hạn”.
Trên hành trình của mình, Gom cũng đã cùng những người bạn thành lập BookGom nhận quyên góp: sách giáo khoa, vở trắng, bút mới, dụng cụ học tập, sách phục vụ cho việc học tập và nâng cao kỹ năng, kiến thức, tiền mặt (hoặc chuyển khoản) để hỗ trợ chi phí vận chuyển và mua thêm sách vở, bút mới... giúp đỡ học sinh vùng lũ.
Tổng kết về chuyến đi của mình, Luật cho biết: “Hành trình Gom mang đến cho tôi những trải nghiệm cực kì mới mẻ, tích cực và nếu như tôi vẫn cứ loay hoay ở thành phố, chắc hẳn tôi sẽ chẳng thể nào có được. Tôi thích nghi với mọi sự thay đổi của cuộc sống, tôi trải nghiệm thực tế nhiều hơn và quan trọng nhất là niềm tin vào cộng đồng và cuộc sống của tôi ngày càng mạnh mẽ”.