Cưỡi hạc quy tiên

TP - Người đậm chắc, giọng nằng nặng của người xứ Nghệ, dáng vẻ nhanh nhẹn, PGS Vũ Ngọc Khánh gợi cảm giác gần gũi như một lão nông tri điền, dù ông là người Tây học bài bản, từng là học trò của Bùi Kỷ, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp.

> Không chỉ là “một góc nhìn”

Phó giáo sư Vũ Ngọc Khánh (1926-2012).  Ảnh: T.L.

Có người nói: “Ông Khánh học Tây mà chẳng tiếp thu được văn hóa Tây chút nào!”. Vũ Ngọc Khánh điển hình cho mẫu người nghiên cứu văn hóa dân gian không xem mình là một ông quan trí thức, một nhà khoa bảng đạo mạo hay một trí thức nghiêm cẩn.

Ông chẳng khác gì một người dân chân lấm tay bùn với những công việc lam lũ trên cánh đồng văn hóa sớm hôm.

Khổng Tử khi xưa cũng nói công việc của ông là “Thuật nhi bất tác”, nghĩa là chỉ ghi chép lại những chuyện của đời mà không sáng tạo gì.

Như tập Kinh Thi, gồm những sưu tầm của Khổng Tử tập hợp dân ca, ca dao đương thời chứ chẳng phải tác phẩm ông viết ra, nhưng lại thành mẫu mực kinh điển của các nhà thơ mọi thời.

Vũ Ngọc Khánh cũng coi việc điền dã, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu là quan trọng nhất. Ông lang thang khắp làng quê từ Bắc đến Nam để ghi chép, tổng hợp, in ấn... Tổng cộng số sách ông viết và tham gia viết là 260 cuốn, một kỷ lục trong nghiên cứu khoa học.

Sách của ông là sách nghiên cứu, học thuật, nhưng được đọc rất nhiều, có những cuốn tái bản 8 lần. Đó là bởi lối viết của ông giản dị, rõ ràng, hấp dẫn, nhiều chất văn chương. Ông viết những điều mà dân thích đọc.

Nổi bật có các cuốn Thờ cúng dị đoan, Lược truyện thần tổ các ngành nghề, Thành hoàng làng Việt Nam, Văn hóa Làng ở Việt Nam, Văn hóa Việt Nam những điều học hỏi, Văn hóa dân gian người Việt, Người có vấn đề trong sử nước ta

Vũ Ngọc Khánh cũng đem lại nụ cười trong những hoàn cảnh khó khăn gian khổ, với các công trình ông tham gia: Kho tàng giai thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cười Việt Nam, Kho tàng truyện trạng Việt Nam, Truyện tiếu lâm

Trong nghiên cứu, Vũ Ngọc Khánh thường đưa ra nhiều quan niệm, nhiều cách tiếp cận vấn đề, ít khi ông phê phán trực diện ai hay khăng khăng khẳng định mình. Nhưng không phải ông không có chủ kiến. Bao giờ ông cũng nhẹ nhàng đặt ở vị trí khiêm nhường nào đó ý kiến của riêng ông, hay là một thái độ khen chê kín đáo.

Những tác phẩm giàu tính hàn lâm như Minh triết Hồ Chí Minh, Đạo Thánh ở Việt Nam, Hành trình vào thế giới folklore, Tiếp cận kho tàng folklore Việt Nam… đều được viết với bút pháp ấy.

Vũ Ngọc Khánh sinh 1926 ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, lớn lên sống ở Vinh rồi ra Hà Nội học. Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội, ông viết áng văn biền ngẫu Nghìn năm Thăng Long đại cáo được đọc liên tục trên đài phát thanh, đông đảo người dân xúc động.

Trời Bách Việt, chim Âu vỗ cánh, cắm cơ đồ theo ngựa trắng trâu vàng/

Đất Phương Nam, ruộng Lạc khoe màu, mở vị trí theo rồng bay phượng múa/

Bắc có hổ ngồi, Nam có rắn cuộn, khắp cõi Việt đây là nơi hội tụ bốn phương/

Đông mặt trời mọc, Tây sao ẩn hình, nhìn cả nước, đây là chốn đế đô thắng địa/

Những câu đại cáo hào sảng, khí phách:

Núi Sóc Sơn, ngựa tung vó sắt, Thiên Vương Phù Đổng đời đời lẫm liệt trời Nam/

Sông Như Nguyệt, thuyền rộn lời thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định cho ngôi Nam đế/

Tôi may mắn được thọ giáo PGS Vũ Ngọc Khánh ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Hà Nội, nơi ông gắn bó đến cuối đời. Mỗi khi lên bục giảng, cặp của ông đầy bản thảo dở dang. Có giai thoại rằng khi nhà xuất bản nhận bản thảo, trang đầu tiên họ thấy là dòng chữ ngay ngắn: “Như trên đã viết”. Hỏi ra, cụ mới à à: bị rơi mất mấy trang rồi!

PGS mất ngày 26-6. Trong điếu văn, do GS Nguyễn Xuân Kính Viện Nghiên cứu Văn hóa đọc trong lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Nhà nước ngày 29-6 đã tặng PGS câu “Cưỡi hạc quy tiên”, nghĩa là PGS đã cưỡi con hạc mà về với các vị tiên.

Theo Báo giấy