Cuộc vượt ngục khỏi IS của bà mẹ và con trai 4 tuổi

Một bé trai cầm súng trong video tuyên truyền của IS. Ảnh: CNN.
Một bé trai cầm súng trong video tuyên truyền của IS. Ảnh: CNN.
"Tôi đã gia nhập IS ở Syria, mang theo cả đứa con 4 tuổi nữa. Đó là hành trình xuống địa ngục", Sophia Kasiki - một trong số ít phụ nữ thoát khỏi thành trì Raqqa của Nhà nước Hồi giáo (IS) kể lại. 

Kasiki nhìn không chớp mắt vào bức hình một cậu bé nói tiếng Anh mặc quân phục nhí, choàng khăn đen in chữ Arab kêu gọi tàn sát những người không theo đạo Hồi - thông điệp mới nhất trong chiến dịch tuyên truyền của IS.

"Người trong hình đã có thể là con trai tôi", cô nói, giọng chắc nịch, còn mắt thì ngấn nước. "Tôi không dễ khóc, cũng không dễ nói ra chuyện này. Nhưng tôi thà tự sát, đem theo cả con trai còn hơn để nó thành kẻ sát nhân, còn hơn để nó rơi vào móng vuốt của lũ cầm thú kia".

"Lũ cầm thú" mà cô nói đến là IS, Kasiki nói thế vì hơn ai hết, cô hiểu rõ cậu con trai 4 tuổi từng có nguy cơ rơi vào tay IS vì chính cô đưa con đến đó.

Kasiki là một trong số ít phụ nữ phương Tây từng đến thành trì Raqqa của IS ở Syria mà trở về an toàn. Hành trình đó như đi vào địa ngục mà không còn đường quay lại.

"Tôi thấy mình có tội. Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để sống tiếp với những việc mình đã làm - đem con trai tới Syria", Kasiki nói trong cuộc phỏng vấn với Observer. "Tôi ghét những kẻ thao túng tôi, lợi dụng sự ngây thơ của tôi, điểm yếu của tôi, nỗi bất an của tôi. Tôi ghét chính bản thân mình".

Khoảng 220 phụ nữ Pháp được cho là trong hàng ngũ IS ở Iraq và Sysia, theo cơ quan tình báo Pháp. Hai năm trước, chỉ 10% số người rời Pháp gia nhập tổ chức này là phụ nữ. Giờ đây, con số này là 35%. Một phần ba trong số đó là người cải đạo, giống Kasiki. Câu chuyện của cô do nhà xuất bản Robert Lafont Editions phát hành có tên "Trong bóng đêm của IS", giống như phim kinh dị.

Trẻ mồ côi

Kasiki, 34 tuổi, vóc người nhỏ nhắn nhưng toát ra vẻ cứng rắn. Cô sinh ra ở Congo, lớn lên trong một gia đình Công giáo mộ đạo. Mới 9 tuổi, Kasiki được gửi tới sống cùng chị gái ở Paris, sau khi mẹ qua đời. Cái chết của người mẹ mà cô thường gọi là "thiên thần hộ mệnh" để lại vết thương lòng không sao xóa nổi trong tuổi thơ và tuổi niên thiếu của Kasiki. Ngay cả khi lập gia đình và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, "lỗ hổng trong tim" cô cũng không thể lấp đầy.

Khi làm nhân viên xã hội giúp đỡ các gia đình nhập cư ở ngoại ô Paris, Kasiki quyết định cải sang đạo Hồi, mà không nói gì với người chồng vô thần của mình, tin rằng nó sẽ lấp đầy khoảng trống trong tim cô. Đức tin mới cho cô cảm giác thoải mái về tâm lý, đồng thời mang đến ba thiếu niên Hồi giáo kém cô 10 tuổi, mà Kasiki coi như em trai.

Tháng 9/2014, cả ba biến mất và xuất hiện ở Syria. Ở đó họ vẫn giữ liên lạc hàng ngày với Kasiki. Cô cảm thấy mình là cầu nối giữa ba chàng trai mất tích, những người đơn giản chỉ muốn biết rằng mẹ mình ở Pháp đang nhớ con và mong đợi các con trở về, còn cả gia đình như quẫn trí. 

Vai trò dần đảo ngược. "Tôi cứ nghĩ rằng mình kiểm soát được tình huống khi đó, nhưng giờ đây tôi nhận ra chúng được huấn luyện để chiêu mộ người như tôi", Kasiki nói. "Dần dần, chúng lợi dụng điểm yếu của tôi. Chúng biết tôi là trẻ mồ côi và đã chuyển đạo sang Hồi giáo, chúng biết tôi dễ dao động".

Tới Syria

Ngày 20/2/2015, Kasiki nói với chồng sẽ tới làm việc trong một trại trẻ mồ côi ở Istanbul vài tuần, và mang con trai theo. Tuy nhiên, đó là lời nói dối, cô đã theo tuyến đường mòn của jihad tới miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.

Có mặt trong thành trì Raqqa của IS, cuộc sống ở đây thực tế khác hẳn "thiên đường" mà những "người em trai" của Kasiki vẽ ra. Cô bị cấm đi ra ngoài một mình, chỉ được phép mặc trang phục phủ kín từ đầu xuống chân, bị giữ hộ chiếu, và hạn chế liên lạc với gia đình ở Pháp.

Tại bệnh viện phụ sản Raqqa nơi Kasiki làm việc, cô bị sốc bởi điều kiện tồi tàn, nhân viên thờ ơ với nỗi đau của bệnh nhân và hệ thống phân cấp đưa "những chiến binh nước ngoài ngạo nghễ" lên đỉnh xã hội và coi người Syria là tầng lớp hạ lưu. Căn hộ nơi Kasiki sống thuộc sở hữu của một người Syria bỏ của chạy lấy người. Cuộc sống được cung phụng nhưng tù túng ở đây khiến Kasiki cảm thấy ngày một bất an.

10 ngày sau, Kasiki thức tỉnh từ "giấc mơ hão huyền" khi được nhắc nhở bằng lá thư và ảnh gia đình mà người chồng tuyệt vọng ở Pháp gửi qua email. Kasiki nhận ra sai lầm khủng khiếp của mình.

"Tôi đòi về nhà. Ngày nào tôi cũng nói nhớ gia đình, và con trai tôi cần gặp bố. Lúc đầu chúng còn nhẹ nhàng, nhưng sau đó chuyển sang đe dọa. Chúng nói tôi là một phụ nữ độc thân có con, không được phép đi bất kỳ đâu. Nếu cứ ương bướng muốn đi, tôi sẽ bị ném đá hoặc giết chết".

"Tôi kinh hãi, sợ có người sẽ đến bắt vào tù và buộc tôi phải xa con. Tôi nói chuyện với con suốt ngày: Tôi cố để con luôn nhớ rằng, bố nó và tôi luôn yêu nó, rằng nó phải tử tế với phụ nữ. Tôi hy vọng nếu có chuyện không may với mình và con rơi vào móng vuốt của IS, nó sẽ khắc sâu trong lòng lời tôi dặn và không bị sát hại. Tôi giống như sư tử cái xù lông bảo vệ con trai".

Khi một trong ba "em trai" yêu cầu đưa cậu bé đến cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo, cô kiên quyết: "Bỏ tay khỏi người con tôi".

Kết quả là cô bị đấm một phát giữa mặt. "Tôi đang ở một thành phố xa lạ, không người quen biết, không nói cùng ngôn ngữ. Tôi nhìn con trai và hiểu rằng tôi đã phạm một sai lầm kinh khủng, tồi tệ nhất trong đời. Tôi biết mình phải mạnh mẽ và thử mọi cách đưa nó ra khỏi đây".

Những người đồng hương đưa Kasiki và con trai tới madaffa (nhà khách), thực chất là một nhà tù, nơi hàng chục phụ nữ ngoại quốc đang ở. Cô sốc khi nhìn thấy trẻ em đang xem cảnh IS chặt đầu và giết người trên tivi trong khi các bà mẹ bên cạnh reo hò vỗ tay.

"Những người phụ nữ đó coi chiến binh IS là bạch mã hoàng tử, người mạnh mẽ và quyền lực sẽ bảo vệ họ. Cách duy nhất ra khỏi madaffa là lấy một jihad. Thực tế, những phụ nữ phương Tây chỉ là con rối đẻ thuê cho IS".

Cuộc vượt ngục khỏi IS của bà mẹ và con trai 4 tuổi ảnh 1

Kasiki luôn cảm thấy có tội vì đã đưa con tới Syria gia nhập IS. Ảnh:Guardian.

Tẩu thoát

Ngày hôm sau, khi tên cai ngục tổ chức hôn lễ, Kasiki phát hiện cửa mở và chuồn ra ngoài. Cô cứ thế bước đi. Hành trình thoát khỏi Raqqa của Kasiki như phim kinh dị. Được một gia đình địa phương liều mạng che chở, Kasiki liên lạc với những tay súng phe đối lập người Syria nhờ sự giúp đỡ của chồng ở Pháp. 

Đêm 24/4/2015, một thiếu nữ Syria đưa Kasiki cùng con trai trốn dưới áo choàng chạy xe máy tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu bị chặn xe ở bất kỳ trạm kiểm soát nào, hoặc bị phát hiện đang bỏ chạy, tất cả sẽ bị giết.

Về đến Paris, Kasiki bị cơ quan tình báo Pháp thẩm vấn, tạm giam hai tháng và cấm liên lạc với gia đình. Tuy đã làm hòa với chồng, nhưng Kasiki vẫn phải đối mặt với cáo buộc bắt cóc trẻ em. 

"Tôi suy ngẫm về những chuyện đã qua, tự hỏi làm thế nào chuyện này lại xảy ra, làm thế nào mà tôi lại dám hành động như thế? Lúc đó tôi ngây thơ, bối rối, mỏng mạnh, dễ bị tổn thương nhưng làm thế nào mà những thanh niên đó, không quá thông minh lại tẩy não được tôi? Tôi luôn tự vấn điều này".

Kasiki hiểu rõ cô đã may mắn trốn thoát, điều mà nhiều phụ nữ phương Tây đi theo tiếng gọi quyến rũ của IS và mắc kẹt ở Syria sẽ không bao giờ có được. 

Sau khi về Pháp, chồng cô đưa cho Kasiki tấm hình IS gửi cho anh, trong đó con trai họ đang cầm một khẩu súng trường tự động.

"Chắc chắn tấm hình chụp lúc chúng tôi còn ở đó, nhưng đấy là lần đầu tiên tôi thấy bức ảnh. Lòng tôi đau như cắt", Kasiki nói.

"Tôi luôn cảm thấy tồi tệ vì đã đưa con trai vào cơn ác mộng khủng khiếp này. Tôi đầy mặc cảm tội lỗi. Nhưng tôi phải mạnh mẽ và đi tiếp. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua rồi, chúng tôi đã thoát khỏi nanh vuốt của lũ người đó và còn sống".

"Giờ đây tôi phải ngăn những người khác không bị lôi kéo vào thảm kịch này. Tôi sẽ nói với họ: Không được đi".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG