Cuộc tình kỳ lạ của triệu phú Mỹ và cô gái Việt
Cứ chiều về là người dân địa phương lại bắt gặp đôi vợ chồng một già một trẻ khác quốc tịch, khác màu da quấn quýt bên nhau như đôi chim câu.
Robert Podunavac và chị Thy Nhơn đứng trước ngôi mộ - món quà cưới của chị Thy Nhơn dành cho Robert. |
Người chồng đến từ phía bên kia đại dương, người vợ là một phụ nữ đã trải qua kiếp đời bất hạnh, bảy nổi ba chìm. Với họ, hạnh phúc gia đình là một điều gì đó hết sức quý giá nhưng giản dị được minh chứng qua thời gian và một món quà cưới vô cùng đặc biệt là… một ngôi mộ được xây chờ sẵn.
Lênh đênh khắp nơi cho đến ngày xế bóng cuộc đời, Robert Podunavac không ngờ Việt Nam lại trở thành bến neo đậu hạnh phúc, bù đắp lại những vết thương lòng “rỉ máu” từ hai cuộc hôn nhân tan vỡ của mình. Thiên tình sử ly kỳ ấy, thật khó tin, lại bắt đầu từ một lớp học, nơi hai con người bất hạnh vì tình duyên lận đận gặp gỡ nhau. Chính ở đó, họ đã tìm thấy sự đồng cảm để cho nhau sức mạnh cùng vượt lên những định kiến xã hội nghiệt ngã nhất, khi chàng vừa là người ngoại quốc lại hơn nàng đến 3 giáp.
Va phải nhau giữa 6 tỷ người Đã từng nghe mọi người nói nhiều, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi tìm đến gặp đôi vợ chồng chị Lữ Hà Thy Nhơn (SN 1972) và người chồng hiện nay của chị, ông Robert Podunavac (SN 1936) ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Càng đặc biệt hơn, khi vừa bước qua cổng ngôi nhà nhỏ, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ông già người Mỹ tuổi xế chiều vận quần thụng, áo cánh như một lão nông tri điền thực thụ đang chăm đàn gà. Nhìn ông tỉ mẩn với lon thóc nhỏ trên tay, mấy ai dám nói chàng rể Tây này không hạnh phúc, không biết “nhập gia tùy tục”.
Chợt có tiếng gọi nhỏ trong nhà cất lên: “Mình ơi! Vào ăn cơm!”. Ông ngước lên trả lời rồi bước vội vào hiên, ở đó người vợ đã chờ sẵn với chiếc khăn mặt lau những giọt mồ hôi trên trán chồng. Bữa cơm đạm bạc dọn ra cũng với những món ăn rất dân dã của đồng quê Việt Nam, rau muống và nước chấm, đậu phụ. Đã lên ông lên bà, vậy mà hai người vẫn gọi nhau bằng một cách rất tình cảm bằng “anh”, “em”. “Hồi đầu về đây, ông ấy không ăn cơm được rồi sau thì cũng phải cố. Bây giờ, ông ấy lại thích ăn cơm, ăn nước mắm và nhiều món Việt Nam khác, mà đặc biệt là những món ăn vợ nấu”, chị Thy Nhơn cười tủm tỉm. Đỡ lời vợ, Robert cứ tấm tắc gật đầu: “Nhờ em mà tôi mới có được hạnh phúc này”. Chị Thy Nhơn lớn lên trên những mảnh rừng và một gia đình đông con luôn thiếu ăn. Chị đi học và sau này trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ của một trường tiểu học tại địa phương. Vài năm sau, Thy Nhơn lập gia đình với một người đàn ông. Trong những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, lần lượt hai đứa con nối tiếp nhau ra đời. Nhưng rồi, cuộc mưu sinh khốn khó bủa vây, kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chị không đủ trang trải. Trước cảnh túng bấn, người chồng đã bội bạc ra đi, bỏ lại chị cùng hai đứa con thơ và người mẹ già phải chăm lo.
Robert và công việc đời thường rất đỗi giản dị. |
Đau đớn trong nỗi bất hạnh, chị Nhơn đành phải gửi các con thơ dại cho người mẹ già, một mình vào TP.HCM tìm việc làm. Nơi đất khách quê người, một thân một mình, nhưng với sự chân chất của một cô gái thôn quê, chị không từ nan bất cứ công việc gì để kiếm được đồng tiền lương thiện. Vừa làm, chị vừa luyện thêm vốn tiếng Anh đã sẵn có của mình. Mãi cho tới năm 2000, khi vốn liếng tiếng Anh kha khá, chị bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng từ công việc mới mẻ này, chị gặp Robert Podunavac. Còn về phần Robert Podunavac - người đàn ông đến từ bên kia bờ đại dương kể, mình vốn là một lập trình viên máy tính tài năng và cũng là một người yêu thiên nhiên. Cả thời trai trẻ, ông đã làm được nhiều điều cống hiến cho môi trường.
Trước khi sang Việt Nam vào năm 2001, ông đã từng qua nhiều nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines để thực hiện nhiều đề án, đồng thời tìm cách lãng quên những đớn đau của cuộc đời. Robert tâm sự: “Tôi thành đạt trong công việc song chuyện gia đình lại là một nỗi đau nhói tận tâm can. Người vợ đầu tiên của tôi sớm ly hôn vì không dung hòa được quan điểm sống. Đến Hàn Quốc sống gần 11 năm, tôi lại lập gia đình cùng một người phụ nữ bản địa. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cô ta lại sa chân vào con đường nghiện ngập, rượu chè, khiến hôn nhân đổ vỡ”.
Tình yêu từ tiền kiếp
Lúc bấy giờ, Robert đến TP.HCM để tìm hiểu thổ nhưỡng, văn hóa, nếp sống, phong tục của người Việt. Trước đây, Robert cũng từng sang Việt Nam trong chuyến công tác năm 1957. Từ lần ấy, ông đã thấy ở đất nước phải oằn mình vì bom đạn này mang nét đẹp hồn hậu của những con người chân chất, thật thà. Vốn yêu chuộng hòa bình, ông ngưỡng mộ con người Việt Nam kiên cường trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ông thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng kể cả ngôn ngữ Việt. Hình như từ lúc ấy, Robert đã cảm nhận mảnh đất này chính là nơi ông sẽ tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Đầu năm 2004, Robert Podunavac lần thứ hai đặt chân trở lại Việt Nam sau khi kết thúc công việc ở một số nước châu Á khác. Trong thời gian ở đây, để hiểu thêm về đất nước và con người bản xứ, ông đã tìm đến lớp học của chị Thy Nhơn một cách tình cờ. Giờ nhớ lại, chị tâm sự vẫn còn giữ nguyên ký ức về lần gặp gỡ đầu tiên ấy, khi một ông già người Mỹ bước vào, cất giọng hỏi bằng tiếng Anh.
Giữa một lớp học toàn người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chị Thy Nhơn chẳng thể ngờ mình đã “hớp hồn” Robert. Chị kể, lúc đầu chị đối xử với Robert Podunavac bình thường như bao học viên người nước ngoài khác. Mỗi lần đứng trên lớp, chợt lại thấy Robert nhìn mình và cười, chị cũng chột dạ nhưng không để tâm. Về sau mỗi lần lên lớp, ông lại nhìn chị nhiều hơn. Mỗi lần như thế, chị kiểm tra bài, Robert Podunavac vẫn không tiến bộ được nhiều, ông luôn than thở “ngữ pháp Việt Nam khó quá”. Tuy vậy, ông vẫn cố gắng học. Và mỗi lần trả tiền học phí, bao giờ ông cũng cẩn thận để tiền trong một chiếc phong bì thật đẹp, và số tiền bao giờ cũng nhiều hơn so với các học viên khác. Những lần đầu, chị Thy Nhơn bất ngờ liền đem trả, nhưng ông từ tốn bảo: “Cô giáo dạy vất vả quá mà”, rồi cười bắt chị phải nhận. Chị đã kể cho Robert Podunavac về cuộc đời éo le, bất hạnh của mình, về quê hương núi rừng Tam Lãnh còn nhiều nghèo khó. Robert Podunavac cũng trải lòng cho chị biết về cuộc đời của ông.
Sau đó ít lâu, chị bất ngờ nhận được lời cầu hôn của Robert, lúc đó ông đã xấp xỉ 68 và hơn chị đến 36 tuổi. “Tôi biết lòng mình đã mến ông lắm, nhưng cũng bảo, người Việt Nam lấy vợ, lấy chồng phải về hỏi ý cha mẹ. Nghe vậy, Robert liền chạy đi mua cặp vé máy bay để tôi với ông cùng về quê ngay chiều hôm ấy”, chị Thy Nhơn bùi ngùi nhớ lại. Tại nhà chị Thy Nhơn, trước đông đủ họ hàng, Robert Podunavac đứng lên thưa chuyện với mọi người, xin cưới chị làm vợ. Người mẹ có tuổi ngang bằng Robert Podunavac không phản đối, cũng chẳng đồng ý. Bà chỉ nhẹ nhàng nói với con gái rằng đã gánh chịu bất hạnh rồi nthì hãy tỉnh táo, đừg để phải tiếp tục gánh chịu bất hạnh lần thứ hai. Nghĩ suốt cả đêm rồi cuối cùng, chị vẫn quyết định đến với Robert Podunavac.
Theo Đời Sống & Hôn Nhân