Một Robot chuẩn bị tấn công tại vòng loại cuộc thi “Sáng tạo Robotcon Việt Nam 2005” |
Sau 5 ngày thi đấu tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (TP.HCM), cuộc đua tài của 83 đội tuyển Robotcon các Trường đại học, Cao đẳng kỹ thuật phía Nam đã kết thúc. Ban tổ chức đã chọn ra được 16 đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết, riêng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vin - hem - Pích có các đội VHP4 – TK, VHPD lọt vào vòng chung kết cuộc thi.
Với chủ đề của cuộc thi là “lửa thiêng rực sáng Trường Thành” đòi hỏi các sinh viên cần có ý tưởng, giải pháp cho việc thiết kế các mẫu Robot của mình.
Thượng tá Nguyễn Tấn Thông –Ban Khoa học công nghệ nhà trường cho biết: “Dù có nhiều khó khăn về kinh phí nhưng trường vẫn khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật.
Năm 2002, chúng tôi bắt đầu tham gia cuộc thi Đường đua trẻ của Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh và đạt 1 giải nhất, 1 giải 3. Năm 2003, ở cuộc thi sáng tạo Robotcon, được chuẩn bị 1 tháng nhưng 1 đội của trường lọt vào vòng chung kết.
Năm 2004, một đội lọt vào vòng 1/8 và được giải fair play. Năm nay, từ khi nhận được thông tin, nhà trường đã họp bàn và triển khai những kế hoạch, lắng nghe các giải pháp của các bạn sinh viên. Nhà trường có 6 đội thi đấu vòng ngoài phía Nam thì có 4 đội đứng đầu 4 bảng. Tuy nhiên, sau khi đấu loại trực tiếp, có 2 đội đã bị loại, 2 đội lọt vào vòng chung kết”.
Chúng tôi xuống xưởng trường. Nhà trường đã làm 2 sân theo đúng quy cách để các đội luyện tập, sửa chữa robot. Giữa buổi trưa gay gắt của tháng 5, trong cái nóng hầm hập của mái tôn mà thầy trò vẫn miệt mài chỉnh sửa Robot.
Phan Anh Vũ – đội trưởng đội VHP4 – TK cho biết: “Khi bắt tay vào làm cả nhóm có những ý tưởng khác nhau nhưng cũng thực hiện được một “con” ưng ý nhất và chỉnh sửa lần thứ 3 rồi. Nói thật, chúng em thiếu kinh phí để chế tạo Robot.
Cả trường có 6 đội, Cty Tân Tạo hỗ trợ 50 triệu đồng, mỗi “con” chưa đến 10 triệu, so với các trường khác thì chỉ bằng 1/2. Nhiều chi tiết lẽ ra dùng cơ cấu thuỷ lực, nhưng thiếu tiền nên phải thay thế bằng dây chun và lò so nên độ “chuẩn” kém hẳn”.
Còn Đoàn Văn Tiên – đội trưởng đội VHPD cho biết thêm: “Đây là “con” thứ 2 của đội. Sau thi đấu vòng loại chúng em đang chỉnh sửa, làm giảm nhẹ trọng lượng robot và tăng cường khả năng chiếm lĩnh khu vực trung tâm, nhằm dứt điểm từ đầu. Sáng tạo robot đã giúp chúng em rất nhiều trong học tập, sáng tạo, rèn luyện tính kiên trì, vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải, giảng viên, chỉ đạo viên tâm sự: “Chúng tôi đã mở một lớp tập huấn hơn 2 tháng cho các em nắm bắt và trình bày ý tưởng sáng tạo robot. Trong số 6 “con” đi thi, ban đầu chúng tôi hy vọng nhiều nhất ở “con bò” (nó có thể vừa quay quanh khu trung tâm, quật bẹp đối phương trong khi vẫn bỏ bóng vào rổ) nhưng rất tiếc khi thi đấu các em quên… bật công tắc điện.
Rút kinh nghiệm, bây giờ các đội tăng cường thi đấu với nhau hơn và thường xuyên chỉnh sửa robot để thi đấu vòng chung kết đạt kết quả cao nhất”.