Cuộc sống nông dân Mỹ

Cuộc sống nông dân Mỹ
TP - Trong hành trình đi dọc nước Mỹ, tôi đã gặp những nông dân Mỹ chính hiệu, có thu nhập tới 90.000 USD sau thuế mỗi năm, một tay họ làm mà đủ nuôi cả một gia đình sống sung túc.

>> Bài 2: Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
>> Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ

Chứng kiến công việc và cuộc sống của nông dân Mỹ, lại chợt nghĩ về những người nông dân một nắng hai sương ở quê nhà.

Một “lão nông” điển hình

 Té ra nông dân Mỹ cũng giống nông dân mình, đó chính là sự cởi mở, chân chất và đặc biệt mến khách.

Có lẽ đồng ruộng nơi nao cũng giống nhau cả thôi, “thế giới phẳng” này vẫn hun đúc nên cái đức tính quý hiếm của những người nông dân cần cù bao đời vẫn vậy, dù là ở tận nơi  cách ta cả nửa vòng trái đất.

Chỉ khác biệt một điều nông dân Mỹ sống sung túc quá!

Từ sân bay ở thủ phủ Indianapolis, bang Indiana, chúng tôi chạy xe trên đường cao tốc một mạch 200 cây số, giữa ngút ngàn cây xanh và cánh đồng ngô đang mùa thu hoạch, tới một thành phố trùng tên với thủ đô của nước Pháp – Paris (bang Illinois).

Paris là một thành phố rất nhỏ ở miền Trung, vẻn vẹn chỉ có 9.000 dân, bao quanh nó là những cánh đồng ngô và đậu tương trải dài bát ngát. Nơi đây chính là một trong những vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất nước Mỹ.

Giữa thành phố, bên cạnh những siêu thị Wal Mart, CVS nổi tiếng lại có cả một siêu thị khổng lồ chuyên bán đồ cho nông dân

 Ngoài các loại máy móc phụ tùng nông nghiệp hiện đại, còn nhiều thứ đồ dùng khác cho một nông dân chuyên nghiệp như giầy da cao cổ, găng tay da, quần áo bò, bộ đàm, đèn pin chuyên dụng…

Cuộc sống nông dân Mỹ ảnh 1
Ngôi nhà của gia đình nông dân Brad Tucker . Ảnh : Việt Hùng

Chúng tôi tới thăm trang trại của một “lão nông” Mỹ chính hiệu, anh là Brad Tucker, nông dân Mỹ đời thứ 5 của dòng họ Tucker ở vùng này. “Lão nông” năm nay mới ngoài 50 tuổi, nom to cao lực lưỡng như dân cao bồi miền Tây.

Gia đình anh (gồm bà xã Lisa dịu dàng và hai đứa con: con gái lớn Samatha 14 tuổi, cậu út Robbie 5 tuổi) ở trong một  ngôi nhà - gọi là biệt thự cũng không ngoa - có hàng rào gỗ thấp sơn trắng giữa thảm cỏ và vườn cây xanh mướt.  Ngó vô gara thấy 2 chiếc ôtô đời mới  bóng loáng, kế bên khuôn viên là một nhà xưởng để máy móc và nhà kho, ngoài kia là cánh đồng bát ngát rộng hàng trăm mẫu Anh.

Cái nhà xưởng với đủ thứ máy móc liên hợp hiện đại mà lần đầu tiên trong đời tôi tận thấy, chắc hẳn cũng đủ dùng cho cả một xã bên ta. Cái gọi là nhà kho nhưng nom từa tựa như tháp nước, làm bằng thép không gỉ cao lừng lững, bên trong chứa đầy ngô.

Chị Lisa trực tiếp lái xe chở chúng tôi cùng 2 cháu nhỏ ra cánh đồng ngô nơi “lão nông” đang thu hoạch. Tucker đang chỗm chệ trên chiếc máy liên hợp cao ngất ngưởng, giữa những luống ngô dài tít tắp, bắp nào cũng to và dài hiếm thấy.

Cái máy do Tucker điều khiển vừa chạy vừa phun rào rào từ trên nóc xuống những hạt ngô vàng óng ả sang thùng chiếc xe tải cỡ bự chạy song song. Máy chạy đến đâu là phía sau nó chỉ còn mặt đất phẳng lỳ phủ một lớp cây ngô và lõi ngô đã được nghiền nhỏ làm phân vi sinh cho vụ sau.

Cuộc sống nông dân Mỹ ảnh 2
Brad Tucker đang thu hoạch ngô bằng máy liên hợp. Phía trên đầu anh là màn hình máy tính đang phân tích và đo đếm  mọi thông số của vụ mùa Ảnh: Việt Hùng

Ngồi trên cabin cùng Tucker, chạy hết một lượt, nuốt chửng 8 luống ngô cùng một lúc, anh với tay ấn nút cái xoẹt vào chiếc máy tính chuyên dụng gắn bên cạnh rồi đưa tôi xem mẩu giấy (report) vừa in ra, trên đó ghi rõ sản lượng vừa thu hoạch được, độ ẩm của hạt ngô và nhiều thông số khác.Ngó lên màn hình thấy sơ đồ thửa ruộng đang hiện rõ vị trí chiếc máy liên hợp đang chạy, phần nào đã thu hoạch phần nào chưa.

Nhìn cái “lưỡi hái” 8 rãnh sắc nhọn đang phầm phập nghiến ngấu 8 luống ngô, tôi tò mò hỏi “lão nông” Mỹ rằng, ngộ nhỡ cái “lưỡi hái” kia không khớp vô đúng 8 luống ngô thì sao ? Tucker cười rồi đáp gọn: “Không thể có chuyện đó vì gieo hạt cũng bằng máy !”.

Chu du một vòng cùng “lão nông”, Tucker trả tôi về… mặt đất từ chiếc máy lạ lẫm made in USA cao lênh khênh kia, đứng giữa cánh đồng Mỹ bao la, giữa bầu trời cuối thu xanh ngắt, nắng vàng đầu đông hanh hao rất lạ, tôi chợt nghĩ đến người nông dân một nắng hai sương xứ ta mà lòng dạ cứ nao nao…

Cuộc sống nông dân Mỹ ảnh 3
Lisa cho xem những bắp ngô Mỹ to tướng của gia đình nhà Tucker. Ảnh : Việt Hùng

Ngót một thế kỷ trước, người nông dân Mỹ cũng chân lấm tay bùn như quê tôi, cũng 70-80% dân số làm nghề nông như ta bây giờ. Nay đâu chỉ còn có 2%,  ấy vậy mà họ không những nuôi sống tới 98% trong tổng số 302 triệu công dân Mỹ mà còn là cường quốc xuất khẩu nhiều loại nông sản số 1 thế giới. Trong chiến dịch tranh cử của Obama, phần về năng lượng sạch còn có hẳn một chiến lược sản xuất xăng từ ngô của những người nông dân như Tucker.

Đương miên man suy ngẫm, bỗng cu cậu Robbie chạy ào tới móc trong túi ra mô hình máy liên hợp y chang như của cha, cũng “made in USA”, dúi vào tay tôi nói “cháu tặng chú!”, tôi ngó mảnh giấy đính kèm thấy ghi dòng chữ “Quà tặng của American Farm Brad & Lisa Tucker”. Tôi cũng tặng lại cu cậu một bức tranh sơn mài cảnh đồng quê Việt Nam thanh bình với những người nông dân đang miệt mài cấy lúa…

Trường học tại gia

Cuộc sống nông dân Mỹ ảnh 4
Ba mẹ con chị Lisa trên cánh đồng ngô vừa thu hoạch. Ảnh : Việt Hùng 

Trong lúc Tucker vẫn mải miết làm việc, chúng tôi được thưởng thức một bữa tiệc ngọt ngay giữa cánh đồng gồm các loại bánh do Lisa tự làm được bày ngay trên sàn sau chiếc xe của gia đình.

Chuyện trò với người phụ nữ xinh đẹp vợ của “lão nông” chính hiệu Tucker kia, mới biết té ra chị từng tốt nghiệp đại học và hiện đang là cô giáo tại nhà của chính hai đứa con mình. Các cháu Samatha, Robbie chưa một ngày đến trường.

Hóa ra là nước Mỹ, ít nhất là ở cái bang Illinois này có một hình thức giáo dục gọi là “Home Schools” dành cho các bà mẹ tự nguyện làm cô giáo cho chính con mình từ lớp 1 đến tận lớp 12. Cũng chẳng cần yêu cầu “cô giáo” có bằng cấp gì cả, miễn là tự nhận thấy mình đủ khả năng dạy con qua sách giáo khoa, còn bọn nhỏ cứ thế mà học và chỉ cần tới trường để trả bài thi mà thôi.

Tôi băn khoăn hỏi hai “học sinh” Samantha và Robbie rằng, liệu chúng có cảm thấy buồn vì không có bạn học. Cả hai đều cười rất tươi và lắc đầu. Chả là trong ngôi làng của chúng có tới 20 gia đình “Home Schools” như thế, 20 “cô giáo” và mấy chục “học sinh” trở thành một cộng đồng sinh hoạt quây quần bên nhau, tiện lợi mà ấm cúng.

Trong câu chuyện, Lisa cũng tỏ ra mãn nguyện với vai trò kép cô giáo và mẹ hiền của mình, chỉ có điều chị không hề biết làm nghề nông như chồng. Những kỳ nông nhàn, Tucker lại đưa cả gia đình đi du lịch trong và ngoài nước, một tay “lão nông” Mỹ này đã nuôi cả gia đình sống sung túc. Tucker tiết lộ: Trừ thuế ra, mỗi năm anh thu nhập không dưới 90.000 USD !

Tôi đem câu chuyện này hỏi ông thị trưởng Paris Craig Smith, ông gật đầu xác nhận rồi chua thêm câu “very rich!” (rất giàu đấy!) và tự hào cho biết hầu hết nông dân vùng này đều như thế cả. Thậm chí, có những nông dân còn mua chung nhau cả máy bay du lịch loại nhỏ để thi thoảng lượn cho vui.

Thêm một điều làm chúng tôi bất ngờ, bản thân ông thị trưởng ngoài trọng trách của dân giao phó, còn đang điều hành một công ty tư vấn luật riêng của mình. Ông giải thích, điều này theo luật bang Illinois là hợp pháp, ở Mỹ có một số bang cho phép thị trưởng được quyền làm thêm như ông.

Tại tòa thị chính, ngài thị trưởng say sưa giới thiệu với chúng tôi về vùng đất Paris cổ kính và tuyệt đẹp này, nó được xây dựng từ năm 1816 và chính thức mang tên thành phố Paris từ năm 1869 với 6.000 dân, ấy vậy mà đến nay cũng chỉ có 9.000 dân. 

Nếu ta biết rằng, nước Mỹ rộng tới 9,2 triệu km2 với mật độ dân số hiện nay chỉ vẻn vẹn có 27 người/km2 (so với Italia là 190, Nhật 327 và Việt Nam là 254 thì cũng chả lấy gì làm lạ về tốc độ tăng dân số chậm kỷ lục ở vùng này).

Tuy nhỏ là vậy, nhưng Paris có tới 11 công viên, vài sân golf, 1 bệnh viện công và 24 bác sĩ, nha sĩ cộng đồng, 6 trường tiểu học và trung học, 1 tờ báo và 2 đài phát thanh. Riêng tờ nhật báo tư nhân Paris Becon-News phát hành 5.000 bản/ngày và số đầu tiên xuất bản từ năm 1848.

Đường phố Paris xanh và sạch bóng, hầu như chả có nhà nào cao quá 3 tầng, không hề có giao thông công cộng vì thành phố thì nhỏ mà mỗi nhà dân đều có đến vài chiếc ôtô. Ngoài mấy dãy phố chính tập trung chủ yếu là công sở, trường học, siêu thị, nhà băng…, còn đa số nhà dân đều ở trong những cánh rừng tĩnh lặng.

Chúng tôi ở nhà dân (home stay) Paris tới gần 1 tuần và thực sự cảm nhận được sự mến khách, thân tình của xứ sở “thuần nông” này. Mỗi khi ra đường, gặp bất cứ người dân nào cũng được họ vồn vã chào hỏi…

Chia tay gia đình nhà Tucker, tôi hỏi Robbie “lớn lên cháu có muốn làm nông dân như bố ?”, cu cậu chau mày suy nghĩ hồi lâu rồi đáp “maybe !” (có thể).

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.