Cuộc sống người Hà Nội đảo lộn vì rét

Cuộc sống người Hà Nội đảo lộn vì rét
TP - Cái lạnh thấu xương khiến cuộc sống của người dân Hà Nội đảo lộn so với ngày thường. Người lao động ở ngoài đường phải đốt lửa giữ thân nhiệt, trẻ em mặt kín mít đến trường, đường phố tắc nghẽn, giao thông hỗn loạn trong giờ cao điểm…

Đốt lửa giữa ban ngày chống rét

Sáng 16/12, trên các tuyến phố nội đô Hà Nội như Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ… những người lao động xúm lại đốt lửa sưởi ấm khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống gần 10 độ C. Người đi đường dù mặt kín như bưng vẫn cảm thấy cái lạnh thấu xương. Để chống lại cái rét tê tái, người lao động phổ thông ở ngoài đường như xe ôm, bán nước kiếm củi đốt lửa giữ nhiệt.

Ảnh: Như Ý
Ảnh: Như Ý.
 

“Nhiệt độ ngoài trời ngày càng giảm xuống, dù quần áo quây kít mít nhưng không ăn thua người tôi vẫn cứ run lẩy bẩy mỗi khi có gió thoảng qua. Chính vì vậy, anh em chúng tôi phải đốt lửa chống rét”, anh Phạm Văn Đoàn - lái xe ôm trên đường Đê La Thành chia sẻ.

Gió rét cùng với mưa phùn, nhiều gia đình chọn cách đi xe buýt, bắt taxi đi làm hoặc cho con đến trường khiến mật độ giao thông trên các tuyến đường Hà Nội trong ngày đầu tuần tăng lên đột biến. Nhiều tuyến đường như La Thành – Láng Hạ - Giảng Võ, Nguyễn Thái Học - Sơn Tây- Kim Mã..., rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài. Lực lượng CSGT có mặt từ sớm nhưng dòng xe vẫn ùn kín. Nhiều xe máy đã lao lên vỉa hè cố nhích từng chút một trên đường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tòng - Phó trưởng phòng CSGT (CA TP Hà Nội) cho hay, ngay từ hơn 6 giờ sáng mặc trời rét lạnh, các tổ công tác của đội CSGT đã có mặt tại các điểm nút giao thông trên địa bàn để làm nhiệm vụ. “Thời tiết giá lạnh cộng thêm trời mưa nên tầm quan sát của các phương tiện tham gia giao thông bị hạn chế. Các đội CSGT đều phải bố trí 100% quân số túc trực, làm nhiệm vụ”, ông Tòng cho biết.

Phụ huynh, học sinh trở tay không kịp

Đợt rét đậm đến sớm hơn mọi năm cũng khiến nhiều phụ huynh ở Hà Nội trở tay không kịp để chuẩn bị cho con đến trường. Theo ghi nhận dù hơn 8 giờ sáng, nhưng ở nhiều cổng trường vẫn thấy phụ huynh đưa con đến lớp. “Sáng sớm nay thấy trời lạnh lại kèm theo mưa nên tôi bắt taxi đưa cháu đi học nhưng gọi mãi không được nên cháu mới đến trường muộn so với ngày thường. Chưa biết cháu đi muộn có bị cô giáo phạt nặng không, tôi lo quá”, chị Hằng phụ huynh học sinh trường tiểu học Cát Linh chia sẻ.

Thời tiết thay đổi nhiều trường cũng linh hoạt thay đổi tiết học cho phù hợp. Trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, nhiều trường đã hoãn các hoạt động ngoài trời như chào cờ, tập thể dục… Nhiều trường không có điều hòa 2 chiều, cô giáo cho học sinh đóng cửa kín, bật đèn sáng học ở bên trong.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết các trường cần điều chỉnh thời gian vào học phù hợp để học sinh không phải đến trường quá sớm. “Căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết hằng ngày, Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường được phép quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp các trường mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10°C; cấp THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7°C”, ông Thống nói.

“Hàng nóng” lên ngôi

Sáng qua, khi nhiệt độ tại Hà Nội xuống 10,5 độ C kèm mưa phùn và gió mùa Đông Bắc đã làm cho cái rét thêm lạnh buốt thấu da thịt. Nhiều mặt hàng như quạt nóng, đèn sưởi, quần áo, thực phẩm... được dịp đắt hàng, hét giá.

Theo khảo sát sáng ngày 16/12 tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá cả một số mặt hàng có biến động. Các loại rau xanh, củ quả tăng từ 10-20% so với thời điểm trước khi có đợt mưa phùn và rét đậm lần này. Bên cạnh đó, giá các loại thực phẩm như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn cũng có nhích nhẹ một chút so với những ngày trước dao động từ 10.000-20.000đ/kg.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.