Cuộc sống khốn khó của những 'lá chắn sống' cho IS

Trẻ em tại trại tị nạn Ahal, khu vực Abu Ghraib, ngoại ô Baghdad.
Trẻ em tại trại tị nạn Ahal, khu vực Abu Ghraib, ngoại ô Baghdad.
TPO - Phiến quân IS xông vào từng nhà để bắt họ làm “lá chắn sống”, nhiều trẻ em sau khi trốn thoát buộc phải sống trong các trại tị nạn bụi bặm, tăm tối.   

Trong trại tị nạn Ahal tại khu vực Abu Ghraib, ngoại ô Baghdad (Iraq), những đứa trẻ với ánh mắt u buồn, trống rỗng nhìn xa xăm. Nhiều đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên dường như trở nên thờ ơ, không quan tâm mấy tới sự hiện diện của những người lạ - những phóng viên của CNN.

Đó là những đứa trẻ của khoảng 350 gia đình đang sống trong những căn ở những căn phòng tạm bợ hay những túp lều được dựng bằng khung sắt tại trại Ahal. Nóng nực và bụi bặm…, có rất ít tiện nghi sinh hoạt ngoài nhà vệ sinh, điện và những thùng nước. Một số gia đình đã ở đây trong nhiều tháng trong khi những người khác mới đây tới từ các thị trấn và làng quanh Fallujah.

Nhiều đứa trẻ phải cùng gia đình vất vả chạy trốn khỏi phiến quân cực đoan IS. Gia đình ông Thamir Ali và anh trai, 23 người tất cả, đã tới trại sau khi trốn khỏi thị trấn Karma, phía đông bắc Fallujah hôm 2/6.

“Chúng tôi bỏ lại vật nuôi, ô tô, nhà cửa, tất cả mọi thứ”, Thamir Ali nói.

Ông Thamir Ali nhớ lại, lực lượng Iraq bắt đầu chiến dịch tấn công IS ở Fallujah 22/5, nhiều người dân phải chạy khỏi nhà, trốn ở những tòa nhà cao tầng. Phiến quân IS xông vào từng nhà để bắt họ làm “lá chắn sống” cho chúng trước những cuộc tấn công của lực lượng chính phủ.

Khi đó gia đình ông Thamir ở trong nhà nhưng cố tình để cửa mở toang: “Bọn chúng nghĩ là ngôi nhà trống. Những gia đình khác thì không làm như vậy. Phiến quân lôi họ đi hoặc giết ngay tại nhà”.

Khi phiến quân bỏ đi và lực lượng Iraq giành lại Karma, Thamir đã chạy ra đường vẫy tấm ga giường màu trắng, sau đó họ được đưa tới trại Ahal.

Talib Farhan và nhóm của ông là trường hợp may mắn khác ở khu vực Karma thoát khỏi IS. Ông nhớ lại, IS đã đi từ nhà này sang nhà khác thông báo rằng họ cần phải đi bộ xuống trung tâm Fallujah để làm “lá chắn sống” cho nhóm cực đoan này.

“Đó là một mệnh lệnh, nếu bạn từ chối thì chúng sẽ bắn”, Talib Farhan kể.

Tuy nhiên, nếu nghe theo mệnh lệnh trên cũng là nhận lấy cái chết. Ông Farhan đã tập hợp gia đình và hai nhà hàng xóm giả vờ nghe theo lệnh của IS nhưng khi các chiến binh chuyển sang tuyến đường tiếp, ông đã dẫn nhóm mình đi theo hướng khác, hơn 30 người tất cả, về phía đầm lầy ở rìa thị trấn.

“Chúng tôi trốn ở đó trong ba ngày, uống nước bẩn và ăn chà là. Chúa đã dõi theo chúng tôi, giúp chúng tôi trốn khỏi IS”.

Trong một túp lều, phóng viên CNN được dẫn tới gặp một cậu bé bị bỏng nằm trước một chiếc quạt, tấm khăn màu vàng che phần dưới cơ thể. Đó là Muhammad Annad (10 tuổi) từ Saqlawiya, tây bắc Fallujah, đã bị bỏng dầu trong bếp của gia đình.

Vụ việc xảy ra ngay trước khi cuộc tấn công bắt đầu và tới bệnh viện là điều không thể. Cuối cùng, họ phải trốn chạy khỏi Saqlawiya,  trong đêm. Najim – bố của Muhammad ôm con trai đang rên rỉ vì vết thương mải miết chạy trong nhiều giờ.

Ông Najim không thể đưa con tới bệnh viện ở Baghdad hay mua các loại thuốc con trai cần.

Theo báo cáo trước đó của Liên Hợp Quốc, ước tính có hơn 50.000 người được cho là đang mắc kẹt bên trong Falluja, trong đó có khoảng 20.000 trẻ em, đồng thời cảnh báo những người này đang phải đối mặt với tình trạng nhân đạo nghiêm trọng và nguy cơ bị các phần tử cực đoan ép buộc cầm súng.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.