Cuộc sống của người vô gia cư ở sân bay nhộn nhịp bậc nhất châu Âu

Ông Valentin Giorgiev đứng dựa vào những chiếc xe đẩy ở nhà ga số 4 của sân bay Madrid Barajas Adolfo Suarez. Ảnh: AFP.
Ông Valentin Giorgiev đứng dựa vào những chiếc xe đẩy ở nhà ga số 4 của sân bay Madrid Barajas Adolfo Suarez. Ảnh: AFP.
Những người không chốn dung thân bám trụ ở nhà ga số 4 của sân bay Barajas Adolfo Suarez, Tây Ban Nha, vì nơi này vừa cho họ chỗ ngủ an toàn lại giúp họ kiếm được tiền.

Tại ga số 4 tấp nập của sân bay Barajas Adolfo Suarez thuộc thành phố Madrid, Tây Ban Nha, chiếc xe đẩy của ông Edu chất đầy hành lý. Không giống hàng nghìn hành khách đi nghỉ Giáng sinh khác, ông Edu sẽ chẳng làm thủ tục cho đống hành lý ấy bởi ông không bay đi đâu cả. Với ông, ga số 4 là điểm đến, là nhà.

Cách đây gần hai năm, thợ xây thất nghiệp 49 tuổi lang thang tới sân bay này trong lúc đang cố gắng tới một thị trấn khác.

"Tôi đến đây vì cần chỗ ngủ. Và tôi ở đây", AFP dẫn lời ông Edu nói.

Ông Edu chỉ là một trong hàng chục người biến nhà ga của sân bay Barajas Adolfo Suarez làm nhà, bởi nơi này vừa sáng sủa, lại vừa có nhiều cửa kính lớn có thể trông thấy những chiếc máy bay chở khách đang lăn bánh trên đường băng bên ngoài.

Giống nhiều sân bay khác như London Heathrow của Anh hay Charles de Gaulle của Pháp, phi trường Barajas Adolfo Suarez của Tây Ban Nha vừa ấm áp, an ninh, lại có các phòng tắm miễn phí mở cửa 24/24. Nơi này thu hút rất đông những người không chốn dung thân đến ở.

Barajas Adolfo Suarez, một trong năm phi trường nhộn nhịp nhất châu Âu với 40 triệu khách mỗi năm, là một không gian công cộng. Bởi vậy, những người vô gia cư được phép ngủ tại đó, miễn là họ không gây rắc rối.

Cảnh sát cho hay có ít nhất 30 người ngủ cố định ở ga số 4. Vào mùa đông, con số này còn cao hơn. Hai ngày trước Giáng sinh, giới chức sân bay tính được có 42 người tìm tới Barajas Adolfo Suarez để ngả lưng.

Theo AFP, tình trạng nghèo đói ở Tây Ban Nha gia tăng sau khi lĩnh vực xây dựng suy thoái vào năm 2008 kéo theo hàng triệu người mất việc làm. Hiện khủng hoảng kinh tế đã chính thức qua đi nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở đây vẫn gần 24 %. Những số liệu mới nhất cho thấy Tây Ban Nha có 23.000 người vô gia cư, tuy nhiên các tổ chức từ thiện ước tính con số thực tế phải gần 40.000.

Dành hơn một nửa đời người ở tù vì gây ra hàng loạt vụ cướp có vũ trang, ông Gines Rubio, 52 tuổi, phải ngủ ngoài đường sau khi được trả tự do cách đây hai năm. Ở sân bay, ông Gines có thể kiếm được 15 euro một ngày nhờ việc ăn xin. Giống những người vô gia cư khác, ban ngày ông ra ngoài ăn ở nơi phát chẩn cháo và trở lại sân bay vào buổi tối. Ông chọn nhà gà sáng sủa và lớn nhất này vì có nhiều không gian. Tại nhà ga số 4, ông có thể tìm được những góc yên tĩnh để cuộn tròn mình ngủ ngon lành.

"Mọi người đến ga số 4 để ngủ vì đây là nơi tốt nhất", ông Rubio, người gốc Madrid có bộ râu xám, cho biết. "Ở đây tôi ít khi bị cảm lạnh. Có rất nhiều nhà tắm công cộng nên bạn có thể gội đầu".

Nằm co ro trên sàn không manh chăn đắp, ông Rubio có vài giờ chợp mắt trước khi đám đông hành khách kéo tới làm thủ tục cho chuyến bay buổi sớm đến Anh, Pháp, Mỹ và Mỹ Latin.

Với những người như ông Edu hay ông Rubio, sân bay không chỉ là nơi an toàn để ngủ mà còn là nơi để kiếm ăn. Ông Edu kiếm được 1 euro cho mỗi lần trông túi đồ cho khách. Một số người được trả tiền boa vì chất hành lý lên xe đẩy giúp khách hay giúp họ tìm bàn làm thủ tục trước khi lên máy bay. Ông Valentin Giorgiev, một cựu giáo viên thể dục đến từ Bulgaria, là một trong số người làm công việc ấy.

Valentin đến Tây Ban Nha cách đây một thập kỷ sau khi không còn liên lạc với vợ con. Thầy giáo làm công việc lặt vặt ở sân bay để kiếm vài euro lẻ. Cách đây bốn năm, ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan.

Hành khách tới sân bay hàng ngày vẫn trông thấy một người đàn ông đẩy xe đẩy, hoặc ngồi uống Coca Cola trong quán cà phê, uống thuốc hay giặt giũ trong nhà vệ sinh. Họ sẽ chẳng thể biết Valentin là người vô gia cư cho tới khi được ông đề nghị  xách túi cho họ. Vào đợt Giáng sinh, ông có thể kiếm được 20 euro một ngày.

Toàn thân ông đau nhức sau một đêm ngủ trên sàn nhà nhưng "đây là nơi duy nhất bạn có thể kiếm được chút tiền".

"Bạn nhìn thấy rất nhiều người ăn xin trên đường, nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ làm việc đó", ông Valentin nói.

Ông có nhiều bạn bè ở nhà ga sân bay, hầu hết trong số này là người Bulgaria. Tuy nhiên ông cho biết thật khó để biết được ai là kẻ xấu, người tốt.

"Tôi thấy thật tồi tệ vì bị mất rất nhiều quần áo. Tôi chẳng có gì cả", vừa nói ông vừa lấy tay lau nước mắt.

Theo Bình Minh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.