Cuộc sống 'ẩn' của những đứa trẻ nhập cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một bộ phim tài liệu mới sẽ khám phá trải nghiệm chung của nhiều trẻ em nhập cư làm việc tại các quán đồ ăn nhanh và đồ ăn mang đi của gia đình tại New Zealand.

“Các khách hàng dạy em về cuộc sống. Về cơ bản, mọi thứ ở nhà hàng đều là cuộc sống”, Rama Bani Khalid, một cậu bé 12 tuổi tóc xoăn nói. Rama là một trong số nhiều trẻ em New Zealand làm việc trong các cửa hàng bán đồ ăn nhanh và đồ ăn mang đi của đất nước. Ở đó, em nhận điện thoại, làm thu ngân và đổ đầy các chai nước.

“Em là một bồi bàn và em giúp đỡ khá nhiều. Em nghĩ rằng em quen biết tất cả mọi ngươi trên dãy phố này “, Rama cho biết.

Cuộc sống 'ẩn' của những đứa trẻ nhập cư ảnh 1

Martynique bán bánh khoai môn nướng và bánh dứa tại cửa hàng đồ ăn mang đi của gia đình em, Samoa’s Finest

“Đôi khi em ấy sẽ ngồi với khách hàng và tán gẫu với họ”, Bara, chị gái của Rama, người bắt đầu làm việc trong nhà hàng khi còn rất trẻ nói.

New Zealand có một trong những quốc gia có tỷ lệ mua thức ăn nhanh và đồ ăn mang đi theo bình quân đầu người cao nhất thế giới. Các cửa hàng cá và khoai tây chiên, bánh mì thịt nướng và đồ ăn Trung Quốc trở thành thói quen hàng tuần của nhiều người New Zealand.

“Không ai thấy chuyện gì xảy ra sau hậu trường”, Bara nói - nhưng em và Rama luôn sẵn sàng kể cho khách hàng câu chuyện về nhà hàng của họ. “Khi mọi người được nếm thử hương vị này, họ sẽ nghĩ rằng: “Phải rồi, có rất nhiều sự hy sinh để mở ra nhà hàng này, và có món ăn này ở đây”.

“Làm việc đối với tôi khi còn trẻ, đó là một lột xác. Và tôi có thể thấy nó bắt đầu phát huy tác dụng với Rama - bởi vì bạn có thể là bất cứ ai bạn muốn, một bồi bàn hoặc là một đầu bếp”, Bara nói.

Cuộc sống 'ẩn' của những đứa trẻ nhập cư ảnh 2
Brooklyn Jiang, 12 tuổi, giúp việc trong quán cà phê của gia đình ở một thị trấn ven biển nhỏ trên Đảo Bắc

Nhà sản xuất phim Julie Zhu gần đây đã phát hành loạt phim tài liệu 4 phần, Takeout Kids (Những đứa trẻ Mang đi), ghi lại thế giới ẩn của những gia đình sở hữu các cửa hàng đồ ăn mang đi và cuộc sống của những đứa trẻ làm việc sau quầy hàng ở New Zealand.

Bộ phim quay lại những khoảnh khắc yên tĩnh, vui vẻ, giúp nâng tầm cuộc sống hàng ngày qua sự quan sát nhẹ nhàng. Martynique, tại quán Samoa’s Finest ở thành phố Porirua, bán bánh khoai môn nướng và bánh dứa. John, tại quán ăn cá và khoai tây chiên Westminster Takeaways, nhận đơn đặt hàng và lặng lẽ sửa lỗi chính tả trên bảng menu.

“Tôi sinh ra ở Trung Quốc và đến New Zealand khi mới 4 tuổi… Tôi thực sự quan tâm đến trải nghiệm nhập cư. Đây là một cách để khám phá điều đó”, đạo diễn Zhu nói. Trong khi cha mẹ của cô không sở hữu một quán đồ ăn mang đi, cô Zhu nhận thấy những điểm tương đồng trong trải nghiệm của cô với những đứa trẻ mà cô ghi lại.

“Bố mẹ luôn làm việc khi tôi còn bé. Vì vậy, tôi đã phải ở nhà một mình rất sớm và phải tự tạo niềm vui cho riêng mình. Tôi quan tâm đến cuộc sống của những đứa trẻ có cha mẹ phải làm việc nhiều, và những đứa trẻ đang lớn lên trong khi cha mẹ chúng làm việc và nhìn thấy sự hy sinh đó có thể là gì”, cô nói.

Brooklyn Jiang, 12 tuổi, giúp việc trong quán cà phê của gia đình, Sunburst Coffee Lounge, ở Thames, một thị trấn nhỏ trên bờ biển của Đảo Bắc. Em thường dành thời gian ở quán cà phê sau mỗi giờ học và cuối tuần, đôi khi sửa chữa các thiết bị - em muốn trở thành một kỹ sư. Bởi vì quán cà phê mở cửa bảy ngày một tuần, đôi khi em ước mình có nhiều thời gian hơn để ở bên bố mẹ.

“Em không thể đi chơi với bố mẹ nhiều. Vì vậy, điều đó khá là đáng buồn – bởi vì em thực sự muốn dành thời gian với họ”.

Đối với một số người nhập cư ở New Zealand, một quán ăn có thể giới thiệu hương vị quê nhà. Đối với những người khác, nó cung cấp cho các gia đình một chỗ đứng trong thị trường việc làm khắc nghiệt của New Zealand. Nghiên cứu của chương trình Người định cư mới của Đại học Massey cho thấy người tị nạn và người nhập cư từ các quốc gia không nói tiếng Anh “phải đối mặt với những rào cản đáng kể khi kiếm việc làm ở New Zealand” - bao gồm phân biệt đối xử dựa trên chất giọng hoặc tên, và sự thờ ơ đối với kinh nghiệm và đào tạo ở nước ngoài.

Mẹ của Brooklyn, bà Lim Heng Yuen, đến New Zealand từ Campuchia khi bà mới 15 tuổi. Giống như nhiều người nhập cư mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, bà nói rằng đó là một cuộc đấu tranh để tìm được việc làm. Cuối cùng, bà cảm thấy rằng bắt đầu một quán cà phê gia đình, nơi bạn làm việc cho chính mình, là con đường tốt nhất để tiến về phía trước.

“Đôi khi tôi cảm thấy buồn vì tôi phải làm việc nhiều giờ và tôi không thể đưa con đi chơi - và một số người sẽ nói: Tôi thấy thương thay cho các con của bạn”... Nhưng tôi yêu các con của mình. Tôi cố gắng hết sức để chúng có cuộc sống tốt hơn - nhưng tôi cũng cần phải làm việc. Khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của bạn, thật không dễ dàng để tìm được việc làm. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là tìm cách tạo ra công việc của riêng mình”, bà Yuen noi.

Theo pehalnews.in, ngày 4/3/2022
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".